Đảng bộ tỉnh lãnh đạo nông dân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Bài 2
PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN

*NGUYỄN HỒNG TRÀ
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

BPO - Tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn Bình Phước những năm gần đây đã có những bước tiến vượt bậc. Song so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu làm chủ của nông dân thì vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Điều này đòi hỏi đảng bộ, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở cần có những biện pháp thỏa đáng để nông nghiệp, nông dân tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn hiện nay.

Thay đổi tư duy

Để nông dân tích cực sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn các địa phương phải khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp nông dân được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch. Tạo cơ chế đảm bảo sự công bằng về trách nhiệm, quyền lợi giữa nông dân và doanh nghiệp trong hợp tác, liên kết sản xuất - kinh doanh nông nghiệp. Thu hút nông dân tham gia hợp tác, liên kết, phát triển mô hình kinh tế tập thể nhằm phát huy hiệu quả liên kết giữa Nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - doanh nghiệp một cách bền vững ở tất cả khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, tăng cường liên kết giữa Nhà nước - tổ chức nghiên cứu - doanh nghiệp - tổ chức chuyển giao và nông dân để đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất. Đồng thời, các tổ chức đảng phải tập trung lãnh đạo sát sao, quyết liệt và có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, tín dụng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân; đẩy mạnh giới thiệu việc làm, tạo việc làm tại chỗ cho nông dân; thực hiện hiệu quả các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỉnh ủy yêu cầu, ưu tiên khuyến khích phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Trong ảnh: Nhà nông Lê Thành Thái ở ấp 1, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh điều khiển hệ thống tưới nhỏ giọt thông qua smartphone - Ảnh: Viết Bằng

MTTQ và các đoàn thể tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu gương nông dân giỏi điển hình, mô hình hợp tác, liên kết tiêu biểu để tạo sức lan tỏa; tuyên truyền về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Đồng thời giúp người dân nhanh chóng tiếp cận thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số để thay đổi nhận thức, tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, từ tham gia xây dựng các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”; tích cực tham gia vào các hợp tác sản xuất - kinh doanh theo mô hình kinh tế tổ hợp tác, hợp tác xã. Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nghề theo hướng “chuyên nghiệp hóa nông dân” gắn với nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp, hợp tác xã để nông dân chủ động tham gia các mô hình liên kết phù hợp. Tư vấn và tạo điều kiện cho nông dân học tập kinh nghiệm, tiếp thu công nghệ tiên tiến để phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển từ mô hình sản xuất hộ gia đình sang hợp tác, liên kết sản xuất tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, gắn với các quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ cao, hướng tới phát triển các mô hình làng nghề, hợp tác xã nghề chuyên canh ứng dụng công nghệ số. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, đăng ký, bảo hộ quyền sở hữu đối với các sản phẩm nông sản trên địa bàn. Hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi phát triển mạnh làm đầu tàu hướng dẫn, hỗ trợ các hộ nông dân nghèo, phát huy vai trò hạt nhân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho nông dân tham gia trực tiếp vào hoạt động quản lý kinh tế - xã hội ở nông thôn, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” làm nền tảng hành động. Khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, trách nhiệm với cộng đồng của nông dân trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn nông thôn…

Những năm gần đây, nền kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn của tỉnh cơ bản thích ứng dần với cơ chế thị trường. Những sản phẩm nông sản của các địa phương cơ bản được chú trọng, phát huy, gắn với chương trình mỗi địa phương có một sản phẩm đặc trưng tạo nên giá trị kinh tế cao hơn, cải thiện rõ rệt đời sống người dân nông thôn. Nhiều nơi phát triển kinh tế nông thôn với cơ cấu nông nghiệp - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ gắn kết chặt chẽ với đô thị hóa nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Ưu tiên nông nghiệp sinh thái

So với mặt bằng chung của cả nước và trong khu vực Đông Nam Bộ, trình độ phát triển kinh tế nông thôn tỉnh ta vẫn thấp hơn; nhất là khu vực biên giới, vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất nông nghiệp vẫn bấp bênh; sản xuất nhỏ, manh mún còn phổ biến ở nhiều xã; đời sống một bộ phận nông dân vẫn khó khăn, nhất là khi gặp bất lợi của thị trường, thời tiết gây ra… Trước những diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, Tỉnh ủy Bình Phước yêu cầu đảng bộ, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan chức năng tập trung phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị để phát huy, nâng cao hiệu quả thực hành dân chủ nhằm bảo đảm cho địa bàn nông thôn không lỡ nhịp với xu thế phát triển. Phải có những tư duy đột phá tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn để tận dụng cơ hội, đẩy lùi khó khăn, thách thức, mà ở đó chứa đựng cả bản lĩnh và trách nhiệm, tình cảm của người đứng đầu các cấp, ngành, các địa phương với người nông dân để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa nông nghiệp, nông thôn…

Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và hệ thống chính trị các địa phương để đáp ứng yêu cầu về tầm nhìn, định hướng quản lý và phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy đô thị hóa; quản trị xã hội dựa trên luật pháp kết hợp phong tục, tập quán với phát triển kinh tế và bảo vệ bản sắc văn hóa. Khuyến khích tư duy lãnh đạo mới khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong kinh tế thị trường; xây dựng thể chế quản trị phù hợp; huy động các nguồn lực và động lực cho phát triển kinh tế theo hướng chuyển đổi mạnh mẽ từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún sang nông nghiệp sản xuất hàng hóa chuỗi giá trị, ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ; chế biến sản phẩm phải gắn với trách nhiệm của người nông dân hoặc hợp tác xã với doanh nghiệp.

Ưu tiên khuyến khích phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” dưới sự lãnh đạo, quản lý chặt chẽ của chính quyền các cấp và cơ quan chức năng chuyên môn. Kiên quyết bài trừ những tư tưởng phát triển thiếu lương tâm khi đánh đổi lợi ích của nông dân, nông thôn cho công nghiệp hóa, đô thị hóa mà đằng sau đó luôn có bóng dáng các “nhóm lợi ích”. Lấy tư duy doanh nghiệp làm động lực cho đổi mới kinh tế nông thôn với chăm lo xây dựng các thiết chế kinh tế mang tính xã hội sâu sắc, có vai trò bảo vệ nông dân, bảo đảm phát triển hài hòa kinh tế nông thôn trước thách thức của thị trường. Phát triển kinh tế với bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cơ sở phát triển nông nghiệp, nông thôn phải chú ý gắn với thúc đẩy công nghiệp hóa nông nghiệp, coi trọng xây dựng, củng cố các mô hình hợp tác xã sản xuất, tổ hợp tác để phát triển kinh tế nông thôn. Đồng thời, chú trọng đào tạo nghề, giúp nông dân chuyển đổi phương án để họ cảm nhận được hiệu quả từ chính sách khi liên kết nông dân tạo nên sức mạnh và chủ động tham gia cùng doanh nghiệp vận hành các mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm. Song song đó, phải ý thức một cách sâu sắc trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái, vì một nền nông nghiệp xanh, bền vững.

Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, phát huy trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội là những nhân tố quyết định nhất bảo đảm xây dựng nông nghiệp, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Chú ý tính đặc thù của từng nơi, từng cấp lãnh đạo, quản lý do chi phối của tính địa phương đối với từng dân tộc sinh sống trong cùng địa bàn để kết hợp chặt chẽ giữa luật pháp và luật tục, giữa tri thức khoa học và tri thức địa phương trong lãnh đạo, quản trị địa phương… Phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, coi trọng vai trò của già làng, trưởng thôn, ấp, người có uy tín trong cộng đồng dân cư…

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/142774/dang-bo-tinh-lanh-dao-nong-dan-trong-thoi-ky-day-manh-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa