Đảng bộ huyện Kim Sơn: Nhiều dấu ấn đậm nét sau nửa nhiệm kỳ

Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng với sự đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân; cấp ủy, chính quyền huyện Kim Sơn đã lãnh đạo, điều hành quyết liệt, toàn diện, linh hoạt và sáng tạo, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Đến nay, có 11 trong số 12 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đề ra đã đạt và vượt kế hoạch.

Diện mạo mới trên quê hương Thượng Kiệm (Kim Sơn). Ảnh: Trường Giang

Diện mạo mới trên quê hương Thượng Kiệm (Kim Sơn). Ảnh: Trường Giang

Quan tâm công tác cán bộ

Đảng bộ Kim Sơn xác định công tác cán bộ là một trong ba khâu đột phá để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV. Đồng chí Bùi Xuân Diệu, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: Trên cơ sở các quy định của Trung ương, của Tỉnh ủy và yêu cầu thực tiễn của địa phương, trong nửa đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy đã sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều quy định về công tác cán bộ như: Quy định về phân cấp quản lý cán bộ; Quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý... nhằm đảm bảo chặt chẽ, công khai trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ, đánh giá cán bộ khách quan, công tâm; lựa chọn và bố trí đúng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…

Đặc biệt, việc điều động, luân chuyển cán bộ được quan tâm, thực hiện bài bản, ngày càng đi vào nền nếp. Theo đó, năm 2021, Huyện ủy Kim Sơn đã ban hành kế hoạch về điều động, luân chuyển Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non giai đoạn 2021-2025; kế hoạch về điều động, luân chuyển cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý. Sau 2 năm thực hiện, Huyện ủy Kim Sơn đã điều động, luân chuyển 77 đồng chí giữ chức danh Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng và 25 cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý.

Đến nay, huyện Kim Sơn có 15/25 Bí thư Đảng ủy và 8/25 Chủ tịch UBND xã, thị trấn không phải là người địa phương. Qua đó, góp phần khắc phục tư tưởng cục bộ trong công tác cán bộ ở một số địa phương; đổi mới phong cách làm việc của bộ máy chính trị ở cơ sở. Đồng thời, tạo môi trường để cán bộ được đào tạo, rèn luyện thử thách qua thực tiễn, góp phần sắp xếp cán bộ hợp lý hơn.

Điểm sáng trong công tác kết nạp đảng viên

Bên cạnh làm tốt công tác tổ chức cán bộ, Huyện ủy Kim Sơn còn chú trọng công tác phát triển đảng viên, bổ sung nguồn lực chất lượng cho Đảng. Với đặc thù có đông đồng bào Công giáo, trong nhiệm kỳ 2020-2025, huyện đề ra mục tiêu kết nạp 1.000 đảng viên mới, trong đó 100 đảng viên là người theo tôn giáo. Hàng năm, huyện luôn vượt chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới. Đến nay, toàn huyện đã kết nạp 667 đảng viên mới, đạt 66,7% mục tiêu của cả nhiệm kỳ; trong đó có 170 đảng viên là người theo tôn giáo, vượt xa chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ đề ra.

Đồng chí Trần Viễn, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Kim Sơn cho biết: Có một số điểm mới trong công tác phát triển đảng viên được thực hiện trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025. Đó là việc mở các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng vào các ngày chủ nhật dành cho quần chúng ưu tú là học sinh, công nhân trong các doanh nghiệp tư nhân nhằm tạo điều kiện thuận lợi để quần chúng bố trí thời gian trong lao động sản xuất và học tập, đảm bảo sĩ số, chất lượng các lớp bồi dưỡng. Trong khâu viết lý lịch người xin vào Đảng, Huyện ủy hướng dẫn các cấp ủy triển khai cho quần chúng khai lý lịch trên máy vi tính. Khi đảm bảo đầy đủ, chính xác các nội dung theo yêu cầu mới chính thức viết vào lý lịch, từ đó đã khắc phục được tình trạng quần chúng phải viết đi, viết lại và thẩm tra nhiều lần. Một điểm mới nữa là thời gian hoàn thành chỉ tiêu kết nạp hàng năm. Nhiệm kỳ này, Huyện ủy yêu cầu cấp ủy cơ sở tăng cường rà soát, chủ động xây dựng kế hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng để hoàn thành chỉ tiêu kết nạp Đảng trước ngày 30/9 hàng năm.

Từ việc làm tốt công tác cán bộ, phát triển đảng viên đã góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của huyện Kim Sơn ngày càng vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả. Năm 2021, tỉ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 69,4%; năm 2022 đạt 70,6%. Tỉ lệ chính quyền cơ sở, các cơ quan trong hệ thống chính trị được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên năm 2021 đạt 94,5%; năm 2022 đạt 89,1%; năm 2023, ước đạt 90%, vượt mục tiêu nhiệm kỳ đề ra.

Khởi sắc huyện nông thôn mới

Trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nửa đầu nhiệm kỳ, dấu ấn đậm nét nhất là Kim Sơn đã hoàn thành các tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới, sớm hơn một năm so với mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đặt ra.

Thời điểm đầu nhiệm kỳ 2020- 2025, huyện Kim Sơn có 18/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, giai đoạn 2021- 2025, Trung ương ban hành Bộ tiêu chí mới về xã nông thôn mới có nhiều nội dung, chỉ tiêu, tiêu chí mới, khó và yêu cầu cao hơn; do đó, huyện Kim Sơn gặp không ít khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Nhưng, với quyết tâm cao, sự đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện Kim Sơn tập trung chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới ở các xã chưa đạt chuẩn; rà soát, hoàn thiện các tiêu chí theo Bộ tiêu chí mới ở các xã đã đạt chuẩn giai đoạn trước đó, đồng thời đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.

Đến hết năm 2022, 23/23 xã của huyện đã được các ngành chức năng thẩm định, đánh giá và xác nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Thị trấn Phát Diệm và thị trấn Bình Minh đạt chuẩn đô thị văn minh; xã Đồng Hướng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tỉ lệ hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu đạt 99,53%. Đến hết năm 2022, thu nhập bình quân toàn huyện đạt 57,2 triệu đồng/người/ năm. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 giảm xuống còn 1,24%.

Theo báo cáo của UBND huyện Kim Sơn, tổng nguồn vốn huy động từ khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay là trên 7.000 tỷ đồng. Về đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã thực hiện hơn 660 công trình, dự án với tổng mức đầu tư hơn 4.900 tỷ đồng. Nợ xây dựng cơ bản ở mức thấp, các xã đã được bố trí các nguồn thanh toán trong giai đoạn 2022-2025.

Hiện nay, 100% tuyến đường của huyện được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn theo quy định; hơn 250 km có rãnh thoát nước, vỉa hè; lắp đặt 270 km đường điện chiếu sáng, trồng trên 150 km đường hoa, cây xanh ven các trục đường và ở các khu dân cư. Hệ thống thủy lợi được xây dựng đồng bộ liên xã, đảm bảo phục vụ sản xuất của người dân và đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai. 99,8% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; hơn 97% nhà ở dân cư đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng, trên địa bàn không còn nhà tạm, nhà dột nát; 78/78 trường học đạt chuẩn quốc gia; 277 thôn, xóm có địa điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao... Cảnh quan, không gian trên địa bàn toàn huyện đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Với những kết quả trên, ngày 18/8/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định công nhận huyện Kim Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Có thể khẳng định, những thành tựu trên các lĩnh vực của huyện Kim Sơn đã đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ là minh chứng rõ nét nhất về tinh thần đoàn kết, quyết tâm, đồng lòng của cán bộ, đảng viên, nhân dân; sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Tin rằng, với sự đổi mới mạnh mẽ trong tư duy và hành động, phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kim Sơn sẽ thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã đề ra.

Thái Học

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/dang-bo-huyen-kim-son-nhieu-dau-an-dam-net-sau-nua-nhiem-ky/d20230911093740722.htm