Đàn voi rừng 'kêu cứu'

Do thiếu thức ăn bởi đất rừng bị thu hẹp, đàn voi rừng ở tỉnh Nghệ An thường xuyên về các bản làng phá hoại hoa màu, nhà dân

Những ngày cuối tháng 10-2022, 2 con voi rừng lớn đã xuất hiện gần khu dân cư ở xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An để kiếm ăn, phá vườn trồng keo, chuối khiến người dân hoang mang.

Thường xuyên về phá hoa màu

Theo người dân địa phương, 2 con voi rừng này xuất hiện tại khu vực Huôi Pủng, xã Châu Phong và vào phá vườn, hoa màu, chuối của nhà ông Loan, trú tại bản Luồng. Sau đó, 2 con voi này di chuyển qua Tỉnh lộ 544 rồi vào khu vực Huôi Phúng và phá vườn keo của nhà ông Trương Văn Hoài, tại bản Đôm 1, xã Châu Phong. "Hai con voi lớn về phá vườn chuối của một hộ dân khác, sau đó đi sang phá rào thép gai vườn keo của gia đình, vào ăn cỏ tại vườn keo, giẫm hư hỏng nhiều cây keo mới trồng. Tôi và nhiều người dân khác đã dùng nhiều biện pháp để xua đuổi như đốt lửa, gõ mõ... nhưng 2 con voi vẫn không chịu rời đi" - ông Trương Văn Hoài lo lắng.

Hai con voi lớn ra khu vực rừng của người dân ở xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An phá cây cối vào cuối tháng 10-2022

Hai con voi lớn ra khu vực rừng của người dân ở xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An phá cây cối vào cuối tháng 10-2022

Sau khoảng 1 tuần ra phá hoa màu, cây cối của người dân, bị người dân nhiều lần xua đuổi, 2 con voi lớn mới chịu trở lại rừng.

Theo người dân, 2 con voi này sống trong những cánh rừng tự nhiên thuộc 2 xã Châu Hạnh và Châu Phong, huyện Quỳ Châu. Trước đây, đàn voi này khá đông nhưng những con voi đực bị sát hại nên chỉ còn 2 mẹ con. Hiện voi mẹ đã già và bị chột 1 mắt, còn voi con đã trưởng thành và khá hung dữ. Những năm gần đây do thiếu nguồn thức ăn, 2 con voi này thường xuyên ra phá hoa màu, cây trồng của người dân.

Tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, nhiều năm nay, đàn voi rừng khoảng 8 con ở trong Vườn Quốc gia Pù Mát đã nhiều lần về phá nương rẫy, cây cối của bà con ở xã Phúc Sơn, khiến người dân lo lắng.

Tại xã Bắc Sơn và Nam Sơn, một con voi cái trưởng thành sống một mình thường xuyên ra bìa rừng, gần khu dân cư kiếm ăn. Chỉ tính riêng trong năm 2021, theo thống kê của cơ quan chức năng, con voi này đã phá hỏng cây trồng, gây thiệt hại cho người dân 2 xã Nam Sơn và Bắc Sơn hơn 120 triệu đồng.

Tại Nghệ An, do môi trường sống của voi bị thu hẹp nên voi rất hung dữ. Đã có những cuộc xung đột giữa người và voi xảy ra, hậu quả là nhiều người bị voi rừng quật chết hoặc bị thương. Vào tháng 5-2011, một đàn voi rừng khoảng 4-6 con đã kéo về khu vực rừng Bãi Cồi, xã Lục Da, huyện Con Cuông phá hoại. Nghe tiếng động, ông Vi Văn Sinh (41 tuổi, xã Lục Dã) ra đuổi thì bị voi quật chết. Tháng 4-2013, một đàn voi rừng lại kéo về khu vực khe Ráy, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn phá hoa màu. Tại đây, đàn voi đã quật chết anh Lương Văn May (SN 1982; xã Tam Thái, huyện Tương Dương).

Chưa có phương án bảo tồn khả thi

Nghệ An hiện có 16 con voi (đứng thứ 3 cả nước, sau Đắk Lắk và Đồng Nai) đang sống tự nhiên trong rừng. Trong đó, có những đàn đơn lẻ không còn khả năng phát triển. Ở Vườn Quốc gia Pù Mát thuộc địa bàn xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, có 2 đàn voi, trong đó đàn 4 con gần đây không còn được ghi nhận, nhiều khả năng đã di chuyển sang Lào; đàn còn lại gồm 8 con hiện đang sinh sống ở vùng đệm thuộc vườn quốc gia này.

Ông Lê Xuân Đình, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An), lo lắng: "Voi đực bị giết hại, giờ chỉ còn 2 con voi cái nên nguy cơ đàn voi trên địa bàn huyện bị xóa sổ chỉ là vấn đề thời gian".

Để bảo tồn đàn voi, năm 2013, Nghệ An đã phê duyệt "Dự án khẩn cấp bảo tồn voi", một trong những nhiệm vụ khẩn cấp của dự án này là di chuyển, nhập đàn đối với những con voi đơn lẻ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tìm ra giải pháp hiệu quả để đưa voi nhập đàn.

Phương án khả thi nhất được đưa ra là đưa những con voi đơn lẻ này về nhập đàn với đàn voi ở Vườn Quốc gia Pù Mát. Đây là khu vực rừng rộng lớn, đàn voi có cá thể đực, có chức năng bảo tồn động vật, thực vật hoang dã. Thế nhưng, thực tế việc di chuyển đàn voi rừng rất phức tạp, thường phải sử dụng phương án bắn thuốc mê, nguy hiểm cho voi; các đàn voi thường sống trên địa bàn rừng núi hiểm trở nên phương tiện, máy móc khó tiếp cận.

Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát, cho biết nếu muốn duy trì sự phát triển của đàn voi thì phải có phương án sáp nhập đàn voi để có đủ giống đực, giống cái. Tuy nhiên, đây là một phương án rất khó vì chưa đủ phương tiện, trình độ. Việc di chuyển nhập đàn voi cần phải nghiên cứu và nhờ các chuyên gia nước ngoài giúp đỡ mới có thể thực hiện được.

Nhiều cá thể voi bị giết hại

Theo báo cáo đánh giá hiện trạng voi châu Á tại Vườn Quốc gia Pù Mát (tỉnh Nghệ An) của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, từ năm 1995 đến nay đã có ít nhất 9 con voi ở Nghệ An bị bắn hoặc giết chết bằng mìn. Năm 1996, người dân vùng Cao Vều, xã Phúc Sơn đã đặt mìn giết chết 3 con voi khi chúng về tàn phá hoa màu, nhà dân. Ít năm sau đó, cũng gần khu vực rừng Cao Vều, cơ quan chức năng phát hiện 2 con voi đực bị giết để lấy ngà. Vào tháng 3-2011, một con voi đực trưởng thành đã bị kẻ xấu sát hại để lấy ngà tại vùng rừng giáp ranh giữa 2 huyện Thanh Chương và Anh Sơn.

Bài và ảnh: Đức Ngọc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ha-noi/dan-voi-rung-keu-cuu-20221124211339379.htm