Dân trắng tay vì... cá chết

Đã có 28 lồng cá của 6 hộ dân TT. Đắc Hà (huyện Đắc Hà, Kon Tum) bị chết trắng, vì thủy điện Pkei Krông rút nước đột ngột (ảnh). Dân trắng tay khi chỉ còn nửa ngày nữa là thương lái đánh xe đến thu hoạch. Hàng tỉ đồng đổ vốn đầu tư từ vốn vay ngân hàng, giờ “trôi” theo dòng nước. Sau chỉ đạo của tỉnh Kon Tum, Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn (NNPTNT) vào cuộc, kiến nghị thủy điện Plei Krông có động thái hỗ trợ để tránh... vỡ nợ cho nông dân.

Nước mắt nông dân

Nhìn vào bè cá với 6 lồng trống không, anh Vũ Đình Tân (SN 1971, trú thôn Đắc Mút, xã Đắc Mar, huyện Đắc Hà) - thất thần: “Cá chết tích tắc trong mấy tiếng đồng hồ, chết sạch, nổi trắng không nhìn thấy nước”.

Anh nói, nhà có 6 lồng với 5 lồng cá trắm và 1 lồng có diêu hồng, xấp xỉ gần 20 tấn. “Bao công sức đầu tư với hơn 700 triệu đồng, coi như mất trắng, tới đây không biết lấy đâu ra tiền trả cho đại lý”, anh Tân ca thán.

Với 22 tấn cá chết không còn một con, ông Lê Khả Tuyên (thôn Đắc Mút, xã Đắc Mar, huyện Đắc Hà) mất hơn 1 tỉ đồng. “Cá chết chỉ cách đúng nửa ngày nữa là thu hoạch. Doanh nghiệp sáng mai đến bắt thì tối hôm nay cá chết. Lâm vào cảnh này, không ai là không quỵ ngã”, ông trải lòng.

Kiến nghị thủy điện hỗ trợ

Sở NNPTNT trong báo cáo cho rằng, đã có tổng 72 tấn cá của dân bị thiệt hại. Hiện tượng cá chết là do lượng ôxy hòa tan thấp, cá bị ngạt. Nguyên nhân mực nước lòng hồ thủy điện Plei Krông xuống thấp, bên cạnh đó trước xuất hiện mưa kéo theo bùn đất, nước đục dẫn đến thiếu ôxy. Sở NNPTNT Kon Tum loại trừ nguyên nhân độc tố. Tuy vậy, sở này vẫn kiến nghị sở Tài nguyên - Môi trường, sở Công thương lấy mẫu nước quanh khu vực xả thải, kiểm tra quy trình vận hành của Nhà máy mì Tây Nguyên (thôn Kon Gung, xã Đắc Mar, huyện Đăk Hà) để phân tích, xác định chính xác nguyên nhân. Bởi lẽ, ống xả thải của nhà máy này nằm đầu nguồn, và xả thẳng ra lòng hồ thủy điện Plei Krông.

Không để nông dân lâm cảnh “trắng tay”, Sở NNPTNT đã tham mưu UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo huyện Đắc Hà xuất kinh phí dự phòng hỗ trợ, khoanh nợ cho người nuôi cá. Đồng thời, có tiếng nói để Cty thủy điện Plei Krông xem xét hỗ trợ một phần khó khăn cho người bị thiệt hại.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Tạ Văn Luận - GĐ Cty thủy điện Ia Ly (đơn vị quản lý Nhà máy thủy điện Plei Krông) cho biết: “Tại cuộc họp với các bên liên quan, UBND tỉnh Kon Tum có đề xuất với đại diện Cty thủy điện Ia Ly kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (TĐĐLVN) hỗ trợ một phần con giống để bà con tái tạo sản xuất. Tôi đã có ý kiến về việc cá chết với TĐĐLVN rồi, chỉ chờ tỉnh Kon Tum có đề xuất bằng văn bản là Tập đoàn sẽ xem xét”, ông Luận nói. Trong khi đó, về phía chính quyền, Chủ tịch huyện Đắc Hà Đoàn Ngọc Thắng cho biết, thời điểm hiện tại, huyện vẫn chưa có phương án hỗ trợ vì cần chờ làm rõ nguyên nhân cụ thể.

ĐÌNH VĂN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/dan-trang-tay-vi-ca-chet-683943.bld