Dân tộc nào của Việt Nam 'đam mê' xăm cằm?

Mỗi dân tộc trên 'mảnh đất hình chữ S' lại có những phong tục tập quán riêng, tạo nên bản sắc độc đáo, đóng góp vào kho tàng văn hóa đa dạng, phong phú của Việt Nam.

1. Canh rêu đá là đặc sản của dân tộc nào?

A. Người Xá Phó
B. Người Thái
C. Người Lô Lô

Chính xác

Rêu đá là một món ăn đặc sản của người Thái ở miền núi Tây Bắc, Việt Nam. Đối với người Thái đây là món ăn không thể thiếu trên mâm cơm tiếp đãi khách quý cùng với măng chua, thịt gác bếp và cũng là món ăn không thể thiếu trong những ngày lễ của người dân ở đây. Thời điểm thường mọc của cây rêu đá là lúc chớm thu khoảng vào tháng ba âm lịch và chỉ được sử dụng chế biến món ăn trong vòng 2 đến 3 ngày vì rêu đá rất nhanh hỏng.

Canh rêu đá được chế biến như sau: rêu đá sau khi dùng chày đập nát và loại bỏ hết tạp chất sẽ cho vào nước luộc gà hoặc canh xương, khi ăn bạn sẽ thấy rất bùi và ngậy. Rêu đá nướng hay nộm rêu đá... cũng đều là những món rất thơm ngon, đậm đà bản sắc dân tộc Thái.

2. Người Giẻ Triêng có phong tục cưới hỏi độc đáo như thế nào?

A. Dùng 'củi hứa hôn'
B. Có tục 'bắt vợ/bắt chồng'
C. Uống rượu cần giao duyên

Chính xác

Những cô gái Giẻ Triêng khi đến tuổi cập kê, nếu được một chàng trai mà mình ưng ý cầu hôn và muốn lấy người đó làm chồng thì thường lên rừng tìm những cây gỗ tốt đốn bằng nhau, phơi khô và cõng về nhà xếp ngay ngắn ở đầu nhà, hoặc trước sân và được che chắn cẩn thận để chuẩn bị cho "ngày lành tháng tốt" cõng đến nhà trai. Những bó củi đó được gọi là củi hứa hôn của người Giẻ Triêng.

Không chỉ cõng củi cho gia đình nhà chồng, nhà gái còn mang củi cho cả anh chồng, chị ruột của chồng đã xây dựng gia đình và ở riêng, mỗi gia đình khoảng 20 đến 30 bó. Còn nhà trai thường làm thịt 60 đến 70 con chim, con chuột để tiếp đãi khi nhà gái cõng củi đến nhà mình. Ngoài ra nhà trai còn tặng quần áo cho những người cõng củi đến để thay lời cảm ơn. Sau hôm cõng củi và lễ mời cơm ấy, họ hàng hai bên mới chính thức trở hành "sui gia", tiếp tục đi lại thăm hỏi nhau theo phong tục của người Việt Nam.

3. Tục ra gà là nét văn hóa của dân tộc ở đâu?

A. Chu Hóa, Lâm Thao, Phú Thọ
B. Đông Tảo, Khoái Châu, Hưng Yên
C. Lạc Thổ, thị trấn Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh

Chính xác

Tục ra gà là tập tục ở xã Chu Hóa, Lâm Thao, Phú Thọ. Đây là tập tục đã có từ thời phong kiến, được thực hiện vào Tết âm lịch hằng năm dành cho những bé trai sẽ được sinh ra trong năm đó. Sau khi hòa bình lập lại, tục ra gà bị quên lãng. Nhưng từ khoảng 20 năm trở về đây thì tập tục này đã dần được hồi sinh và lại trở thành một trong những tập tục đặc trưng của con người ở Phú Thọ mỗi đầu năm mới.

Tục ra gà được làng Thượng và làng Hạ duy trì và bảo tồn, được thực hiện vào mùng 5 Tết. Gia đình nào có con trai (gọi là Đinh) sẽ chọn một con gà trống tầm 3-4kg (không được chọn gà trống thiến) đem nhốt vào lồng rồi cho ặn ngày 3 bữa với cơm nóng trộn cám loại 1. Đến đúng mùng 5 Tết, gia chủ sẽ bắt gà ra và mổ, thổi xôi rồi làm lễ gánh ra đình làng. Lễ cúng tại đình bắt đầu từ 1 giờ sáng, một cụ già hoặc một người lớn tuổi nhất trong mỗi gia đình sẽ đứng ra làm các bước cúng lễ. Lễ được cúng xong thì vừa vặn lúc trời sáng, lúc bấy giờ, mọi người sẽ tổ chức thi xem con gà của nhà nào đẹp mắt và to chắc nhất. Bởi người dân ở đây tin rằng con gà cúng càng khỏe mạnh, to chắc thì bé trai khi được sinh ra sẽ có sức khỏe càng dẻo dai. Cuối cùng, dân làng cùng nhau tụ tập lại hưởng lộc ngay tại đình.

Ngày nay, không chỉ người ở hai làng Thượng và làng Hạ mới được tổ chức lễ ra gà, mà ngay cả người ở nơi khác, bất kì đâu trên đất nước đều có thể làm lễ này để đón chào thành viên mới chào đời.

4. Nhảy lửa là tục lệ của dân tộc nào?

A. Cơ Tu
B. Xá Phó
C. Pa Thẻn

Chính xác

Lễ hội nhảy lửa hay tục nhảy lửa của người Pà Thẻn ở Hà Giang là một hoạt động văn hóa mang tính tâm linh, với mục đích là thể hiện sức mạnh cùng ý chí phi thường, dám đương đầu với nguy hiểm, xua đuổi được tà ma và bệnh tật. Lễ hội này thường diễn ra vào cuối năm, khi mà mùa đông đang ở giai đoạn khắc nghiệt nhất.

Bắt đầu cho lễ hội nhảy lửa là phần lễ. Thầy mo sẽ ngồi trên một cái ghế dài để cúng thần linh, gõ vào hai vật bằng sắt, tạo ra những âm thanh gấp gáp, liên tục. Việc cúng thần này nhằm tạo nên sức mạnh phi thường cho những con người Pà Thẻn, để họ có thể nhảy vào lửa. Thông thường, phần cúng lễ sẽ được bắt đầu trước phần hội ít nhất là 4 tiếng đồng hồ. Đống lửa mang lại sự ấm áp cho mọi người, đồng thời cũng là biểu trưng cho buổi ăn mừng một mùa vụ hoa màu vừa kết thúc, thần linh phù hộ nhân dân sống an khang thịnh vượng, xua đuổi tà ma, bệnh tật.

5. Tục "ăn trộm lấy may" là của dân tộc nào?

A. Người H'mông
B. Người Lô Lô
C. Người Tày

Chính xác

Đi "ăn trộm lấy may" trong đêm giao thừa là tục lệ khá kỳ lạ của người dân tộc Lô Lô ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Người Lô Lô tin rằng, ở thời điểm chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, nếu ai đó mang về được một cái gì đó thì gia đình sẽ gặp nhiều điều tốt lành, ăn nên làm ra. Chính vì thế, việc "ăn trộm" trong đêm giao thừa được người Lô Lô coi là đi lấy may. Một điều thú vị là khi đi... lấy trộm vào đêm giao thừa, người Lô Lô đi đúng nghĩa "ăn trộm", lặng lẽ, không rủ nhau, không để chủ nhà bắt được. Và đã trộm là phải trộm "tận gốc", như nhổ tỏi thì không nên để bị đứt.

Tuy nhiên, tục ăn trộm lấy may này bản chất không đáng bài trừ như cái tên "ăn trộm". Người Lô Lô khi đi ăn trộm lấy may không lấy nhiều, không lấy đồ có giá trị mà chỉ lấy những thứ như hành, tỏi, rau,...

Trong đêm giao thừa ở các bản làng của người Lô Lô thì nhà nhà “ăn trộm”, người người là “kẻ trộm”, mặc dù là ăn trộm, song chẳng pháp luật nào can thiệp đến và nó đã trở thành một phong tục đón Tết không thể thiếu của người Lô Lô.

6. Người dân tộc Mảng có tục xăm cằm. Vậy cộng đồng người Mảng đang tập trung ở đâu?

A. Lai Châu
B. Hà Giang
C. Quảng Bình

Chính xác

Người Mảng (Lai Châu) có tục lệ xăm cằm cho nam nữ thanh niên ở độ tuổi 12-18, đánh dấu sự trưởng thành của một con người trong cộng đồng. Tục xăm cằm tượng trưng cho sức mạnh của đấng tối cao che chở, giúp đỡ cho con người trước thế giới siêu nhiên cũng như cầu mong đức tính hiền dịu, đảm đang cho người phụ nữ.

Người được xăm cằm cảm thấy tự hào, vui vẻ vì biết được sau nghi thức này mình đã trở thành người trưởng thành, có tiếng nói trong cộng đồng, dòng tộc, được mọi người tôn trọng hơn.

Đỗ An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dan-toc-nao-cua-viet-nam-dam-me-xam-cam-2264397.html