Đan Phượng: Miếu Diều được công nhận di tích lịch sử nghệ thuật cấp Thành phố

Ngày 18/11, trong khuôn khổ Festival Nông sản - Văn hóa - Ẩm thực – Du lịch huyện Đan Phượng năm 2023, xã Hồng Hà tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử nghệ thuật miếu Diều (miếu Châu Trần) cấp Thành phố và chương trình Liên hoan diều sáo truyền thống mở rộng năm 2023.

Từ xa xưa đến nay, làng Bá Dương Nội - một ngôi làng nhỏ ven sông Hồng thuộc xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng được nhiều người biết đến thú chơi diều. Từ việc pha tre, dựng khung, khoét sáo, thả diều... trên bầu trời quê là việc rất đỗi quen thuộc của mỗi người dân, ẩn chứa nét văn hóa đặc sắc không phải làng quê nào cũng có được.

Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Phạm Xuân Tài và Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng trao Bằng công nhận di tích lịch sử nghệ thuật cấp Thành phố miếu Diều cho cán bộ, Nhân dân xã Hồng Hà.

Làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà là làng Việt cổ bên dòng sông Hồng. Trước đây thuộc thôn Bá Nội, xã Bá Dương, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Trải qua quá trình lịch sử của cư dân lập nghiệp, làng Bá Dương Nội hiện có 22 xóm. Bề dày truyền thống lịch sử văn hóa được người dân trong làng giữ gìn, vun đắp duy trì và phát triển như: lễ hội rước bánh dày, lễ hội thi thả diều truyền thống 15/3 âm lịch. Đây là lễ hội được Hội Văn học nghệ thuật dân gian Việt Nam công nhận là địa chỉ văn hóa dân gian năm 2004.

Trải qua quá trình truyền tục và hình thành lễ hội tín ngưỡng thờ thần linh châu thổ tại ngôi miếu Giao Châu Chi Thần (miếu Châu Trần), nơi đây được đánh giá là một trong những địa chỉ văn hóa đặc sắc của Thủ đô. Đặc biệt, ngày 14/11/2023 miếu Diều, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng được UBND Thành phố Hà Nội có Quyết định số 5829/QĐ-UBND công nhận di tích lịch sử nghệ thuật cấp Thành phố.

Thực hành nghi lễ bên trong miếu Diều.

Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ, việc miếu Diều được công nhận di tích lịch sử nghệ thuật không chỉ là sự ghi nhận, tôn vinh các giá trị lịch sử văn hóa của di tích mà còn xác lập cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học cho việc bảo tồn phát huy các giá trị lâu dài cho di tích.

“Để phát huy các giá trị lịch sử văn hóa của di tích lịch sử nghệ thuật miếu Diều, chúng tôi sẽ tiếp tục bảo tồn, gìn giữ di tích, có trách nhiệm quản lý, bảo vệ cảnh quan môi trường và các hoạt động của di tích theo đúng quy định của Nhà nước. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, phát huy các nguồn lực để tôn tạo quần thể khu di tích ngày một tốt hơn” – ông Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, đã diễn ra Liên hoan diều sáo mở rộng năm 2023. Đây là hoạt động đặc sắc trong khuôn khổ Festival Nông sản - Văn hóa - Ẩm thực – Du lịch huyện Đan Phượng năm 2023.

Lễ hội thả diều truyền thống của làng Bá Dương Nội được Hội Văn học nghệ thuật dân gian Việt Nam công nhận là địa chỉ văn hóa dân gian năm 2004.

Diều sáo làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng đã từng tham gia Festival diều quốc tế, nhiều cuộc thi diều ở các nước châu Âu, châu Á… được bạn bè và du khách đánh giá rất cao. Đến nay, làng Bá Dương Nội đã có 1 nghệ nhân Nhân dân, 5 nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng.

Các nghệ nhân chơi diều trong làng cho biết, chơi thả diều của làng Bá Dương Nội không chỉ là thú chơi mà còn hội tụ những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc với mong ước cầu một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, Nhân dân ấm lo, hạnh phúc, kinh tế - xã hội phát triển.

Ban Tổ chức trao Cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia Liên hoan diều sáo mở rộng năm 2023.

Đây cũng là tiềm năng để địa phương phát triển thành sản phẩm văn hóa, tiến tới trình các cấp công nhận Lễ hội thi thả diều truyền thống của làng Bá Dương Nội là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/HU ngày 17/2/2022 của Huyện ủy Đan Phượng về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện Đan Phượng, giai đoạn 2022 - 2025 tầm nhìn 2045.

Thiên Tú

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dan-phuong-mieu-dieu-duoc-cong-nhan-di-tich-lich-su-nghe-thuat-cap-thanh-pho.html