Dân phố cổ Hà Nội vừa đốt vàng mã vừa lo canh lửa

Phải mang đồ mã ra hóa ở vỉa hè, lòng đường, người dân phố cổ vừa đốt vàng mã, vừa cẩn thận canh chừng ngọn lửa để phòng nguy cơ cháy nổ.

Ngày 23 tháng Chạp, nhiều gia đình Việt vẫn giữ phong tục hóa vàng mã sau lễ cúng tiễn ông Công ông Táo về trời.

Theo ghi nhận của PV VTC News, trưa 2/2 (tức 23 tháng Chạp), dọc các phố cổ Hà Nội như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Mã, Hàng Lược,… nhiều người dân vẫn mang vàng mã đốt trên vỉa hè.

Nhiều người hóa vàng ngay trước mặt tiền cửa hàng kinh doanh.

Vàng mã hóa ngày 23 tháng Chạp thường là cá chép giấy, mũ áo, tiền vàng. Một số người dân mang gần giữa đường đốt khiến khói bay nghi ngút, dày đặc cả khu phố.

Bà H. (Hàng Điếu, quận Hoàn Kiếm) cho biết, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, gia đình lại chuẩn bị mâm cơm cúng tiễn ông Công ông Táo về trời.

"Biết là nguy hiểm nhưng nhà chật quá nên tôi phải mang ra trước cửa để đốt vàng mã. Tôi luôn cẩn trọng mỗi lần hóa vàng, trông coi đến khi không còn tàn lửa và chuẩn bị sẵn xô chứa nước. Khi đốt xong tôi phải để nguội hẳn mới đổ tro", bà H. chia sẻ.

"Tôi nghĩ việc đốt vàng mã không đến mức quá nguy hiểm, chủ yếu là do người đốt có cẩn thận và chuẩn bị lò đốt hẳn hoi hay không. Nếu ai cũng có ý thức thì tôi tin là không xảy ra chuyện gì đáng tiếc", một người dân ở phố Hàng Bồ nói.

"Phố cổ đất chật người đông, đốt trong nhà thì không được nên tôi phải mang ra ngoài đường. Lát nữa xong tôi sẽ dập lửa bằng nước rồi cho tro vào túi nilon đem vứt", anh Công (ở phố Hàng Đào) chia sẻ.

Do xe máy để tràn vỉa hè, một phụ nữ mang lò xuống lề đường để hóa vàng tại phố Tạ Hiện.

Việc đốt vàng mã tràn ra vỉa hè gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến môi trường chung.

Không chỉ hóa vàng mã, những ngày này nhiều gia đình còn làm lễ tỉa chân nhang, người dân mang hóa chân nhang.

Công an Hà Nội đưa ra quy tắc an toàn phòng cháy, chữa cháy khi người dân thắp hương, đốt vàng mã trong dịp 23 tháng Chạp và những ngày Tết Nguyên đán.

Theo đó, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân khi hóa vàng mã phải đúng nơi quy định, không đốt vàng mã trong nhà ở, hành lang, cửa hàng kinh doanh, dịch vụ, trên vỉa hè các tuyến phố, nơi tập trung đông người và phương tiện tham gia giao thông qua lại.

Cơ quan chức năng cũng hướng dẫn người dân khi đốt vàng mã phải có người trông coi đến khi không còn tàn lửa, bố trí bình chữa cháy hoặc xô chứa nước; đốt xong để nguội hẳn mới đổ tro.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/dan-pho-co-ha-noi-vua-dot-vang-ma-vua-lo-canh-lua-ar851221.html