Dân "ngộp thở" vì chất thải chế biến mỳ

Đến thôn Văn Tứ Đông, xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), cảm giác đầu tiên là “được” hít thở bầu không khí đậm đặc mùi hôi thối, chua nồng đến nhức óc bốc lên từ đống chất thải to... tổ bố của Cty TNHH Thu mua và chế biến nông sản Ánh Tuyết…

Theo phản ảnh của người dân thôn Văn Tứ Đông, cơ sở chế biến bột mỳ tươi của bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết ra đời từ năm 1996. Ban đầu, cơ sở chỉ làm với quy mô nhỏ, nhưng 5-6 năm gần đây ngày càng khuếch trương. Từ chỗ chỉ chế biến vài tấn mỳ tươi mỗi ngày, Cty đã đầu tư máy móc, nâng công suất lên vài chục tấn mỳ/ngày. Điều đáng nói là Cty này nằm trên quốc lộ IA, ngay trong khu dân cư, thế nhưng không đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Bao nhiêu năm nay, toàn bộ chất thải chế biến mỳ tươi được Cty xả thẳng ra đìa tôm. Ngoài xác mỳ phơi gây mùi chua nồng, nước thải chứa xác và mủ mỳ tồn đọng nhiều ngày cũng bốc mùi thối đến lộng óc. Nghiêm trọng hơn, nước thải làm 9ha đìa nuôi tôm của 20 hộ nuôi trồng thủy sản bị ô nhiễm nghiêm trọng, không tiếp tục thả nuôi từ 3 năm nay. Nguồn nước chính để bà con sinh hoạt là nước giếng cũng chuyển sang màu đen, mùi khăn khẳn. Theo chân những hộ dân, chúng tôi thấy phía sau bức tường của Cty có một đường ống nối với 2 bể rộng đầy ứ chất thải đặc quánh, bốc mùi thối hóc nồng nặc. Theo phản ảnh, những ngày gió to, mùi thối kinh khủng này “ám” cả những hộ dân cách xa Cty đến gần 1km. Dọc theo bức tường Cty, chúng tôi thấy có những miệng cống mà người dân cho là Cty dùng để xả thẳng nước thải ra khu đìa tôm của dân. Thấy có nhà báo đến hiện trường, ông Cao Xuân Thu, Nguyễn Văn Lài, bà Nguyễn Thị Hòa…đã kéo đến phản ảnh tình trạng khốn khổ mà họ phải chịu đựng suốt 24/24h nhiều năm qua. Bà Nguyễn Thị Hòa buồn bã nói: “Đã có rất nhiều đoàn công tác đến kiểm tra, nhưng đều không có biến chuyển gì. Chúng tôi đã mất hết lòng tin. Không có tiền để di dời nên đành chịu đựng mùi thối nhức óc này”. Ông Nguyễn Văn Lài có nhà liền kề với Cty Ánh Tuyết chỉ vào đống gạch ngói trên một nền nhà hoang nói: Vợ con anh trai tôi là ông Nguyễn Văn Lưu đã buộc phải đập nhà, bỏ đi nơi khác sinh sống vì sau khi anh Lưu chết do ung thư nghi do dùng giếng nước nên cứ bị ám ảnh mãi bởi nỗi sợ nguồn nước bị nhiễm độc. Tiếp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, GĐ Cty cho biết, công suất trung bình của Cty chỉ khoảng 7- 8 tấn/ngày. Bà cũng khăng khăng rằng dù có gây mùi khó chịu nhưng nước thải được thải “trên đất của Cty” và qua 3 bể lọc mới thải “nước trong” ra 2 bể chứa bên kia tường nên không thể gây ô nhiễm nguồn nước. Bà Tuyết cho biết, Cty đã thực hiện theo hướng dẫn của huyện, xây một hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn với công suất 10 tấn/ngày nhưng chưa sử dụng. Tại đây, ngay cạnh hệ thống xử lý mới xây, chúng tôi tận mắt thấy 3 cái “bể lọc” chứa đầy thứ chất thải sền sệt rất thối. Thế mà bà Tuyết vẫn nói lấy được: Vào mùa sản xuất, các bể này được “đậy" bằng bạt nên không thể gây mùi thối cho khu dân cư được (?). Ông Nguyễn Hữu Hảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm thì cho biết: Việc dân kiện Cty Ánh Tuyết đã xảy ra nhiều năm, từ khi huyện Cam Lâm chưa tách ra khỏi huyện Cam Ranh. Gần đây Cty đã xây dựng bể xử lý nhưng 3 mẫu nước lấy được sau khi qua bể xử lý mang đi xét nghiệm vẫn chưa đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Ông Phó chủ tịch huyện cũng khẳng định, địa phương đã có kế hoạch sẽ quy hoạch tất cả cơ sở chế biến nông sản vào một khu tập trung, xa dân cư. Trường hợp Cty Ánh Tuyết cũng đã có đề nghị di dời. Hy vọng rằng kế hoạch này của chính quyền huyện Cam Lâm sẽ sớm được thực hiện để người dân ở đây thoát khỏi cảnh “nín thở qua ngày” như hiện nay.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/61/158/48/48/48/36936/default.aspx