Dân Mỹ thi nhau tìm cách tới New Zealand sinh sống

Viễn cảnh ông Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống Mỹ từ đầu năm sau đã khiến cho nhiều người dân Mỹ đưa ra lời nói đùa, hoặc có thể là nửa đùa nửa thật, rằng họ đã lên sẵn kế hoạch chuyển tới New Zealand.

Sau ngày bầu cử, số lượng người Mỹ truy cập các website di trú của New Zealand đã tăng đột biến. (Nguồn: Washington Post).

Trong tuần này, rất nhiều người dân Mỹ bỗng nhiên bắt đầu tìm cách để chuyển tới sống ở gần vùng phía Bắc sát biên giới Canada; họ thậm chí còn tìm đến một đất nước cách đó rất xa về phía Nam bản đồ thế giới, nơi mà loài cừu nhiều gấp 6 lần dân số.

Với dân số chỉ khoảng 4,4 triệu người, môi trường sống và các chính sách đầy khuyến khích, New Zealand luôn được xếp hàng trong top các quốc gia đáng sống nhất trên thế giới do các hãng nghiên cứu toàn cầu thực hiện.

Trong tháng này, Viện Legatum có trụ sở ở London đã xếp hạng New Zeland ở vị trí đứng đầu xét về chỉ số thịnh vượng toàn cầu. “Trong suốt một thập kỷ qua, New Zealand liên tiếp chứng kiến thặng dư tài sản nhờ một cộng đồng mạnh mẽ, tự do và các thị trường cởi mở, và sự tự do của con người”, viện trên kết luận.

Hòn đảo này cũng khá tách biệt, mất khoảng 12 giờ bay từ Los Angeles hay khoảng 12 giờ nếu bay từ các thành phố lớn của châu Á như Hong Kong, Singapore và Tokyo. Phần lớn đất nước này nhìn giống như những cảnh đẹp trong các bộ phim thần thoại, và nó chủ yếu xuất hiện trên các bản tin quốc tế là nhờ các câu chuyện kỳ lạ về động vật, như chuyện về một con bạch tuộc thoát khỏi lưới đánh cá, hay một chú mèo bị biến thành túi xách…

Ý tưởng về New Zealand như một nơi định cư an toàn không còn gì mới. Hòn đảo Nam Thái Bình Dương này đã chứng kiến một đợt bùng nổ giá bất động sản kể từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, khi người dân Mỹ tự đặt ra câu hỏi cho bản thân rằng: Đâu là nơi cuối cùng trên trái đất mà lũ khủng bố muốn tấn công?

Hồi tháng 7 vừa qua, tờ New York Times đã thực hiện phỏng vấn với một số người muốn rời tới quốc đảo này. “Giờ là lúc để chúng tôi chuyển tới New Zealand”, Ginsburg nói với tờ báo này, thêm rằng chồng bà sẽ làm vậy nếu Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ.

Một người tham gia phỏng vấn khác là ông Billy Crystal cũng có ý tưởng tương tự: “Tôi có thể cân nhắc về việc tìm đến một trang trại ở New Zealand, dù là ở đó chỉ có động vật không thôi cũng được”.

Thế nhưng sau ngày bầu cử vừa qua, lượng truy cập từ Mỹ tới các website chuyên phụ trách vấn đề di trú của chính phủ New Zealand đã tăng đột biến.

Website di trú của New Zealand, website của Bộ Di trú nước này, thường chỉ có lượng truy cập khoảng 2.300 đến từ các địa chỉ ở Mỹ mỗi ngày. Thế nhưng trong vòng 24 giờ bắt đầu từ 9h00 sáng 10/11, các website này đã đạt lượng truy cập từ Mỹ lên tới 56.300, tức gấp 25 lần lưu lượng bình thường.

Cùng thời điểm đó, website có tên “New Zealand Now” - có chứa thông tin về việc sinh sống, làm việc, học tập và đầu tư ở quốc gia này - đã nhận được 70.500 lượt truy cập từ nước Mỹ, trong khi thông thường website này chỉ có khoảng 1.500 lượng truy cập mỗi ngày, theo ông Greg Forsythe đến từ cơ quan Di trú của New Zealand.

“Trong vòng 24 giờ qua, chúng tôi đã nhận được 7.287 đơn đăng ký đến từ công dân Mỹ - tức gấp đôi số lượng đăng ký ở các tháng cao nhất” - ông Forsythe nói.

Dữ liệu của trang tìm kiếm Google cũng cho thấy số lượng người tìm kiếm cụm từ “Làm cách nào để chuyển tới New Zealand” tăng đột biến trong tuần này, chủ yếu đến từ các khu vực như Washington, Oregon và California.

Bà Cindy Mullins, một tư vấn truyền thông đến từ bang Alabama (Mỹ) và đã sống ở New Zealand trong suốt 4 năm qua, cho hay bà đã nhận được “rất nhiều lời đề nghị” đến từ bạn bè sống ở Mỹ để giúp họ tới được New Zealand. “Chúng tôi có thể đến sống cùng bạn nếu Trump đắc cử không?”; bà Mullins kể lại lời một người bạn của mình, nói.

Liz Carlson, một công dân Mỹ khác cũng đang sinh sống tại New Zealand, thì bắt đầu viết blog về cách mà bà tới New Zealand sinh sống để hướng dẫn mọi người làm theo. Theo Carlson, để đến được New Zealand sinh sống, một người phải ở độ tuổi dưới 30 và chỉ được cấp visa nếu có 1 trong 4 kỹ năng: Xây dựng, làm bánh, dạy trượt tuyết hoặc chế rượu.

Nếu đã quá 30 tuổi và không biết gì về trượt tuyết, một người Mỹ sẽ không dễ dàng có được visa để sinh sống và làm việc tại quốc đảo xinh đẹp này.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/dan-my-thi-nhau-tim-cach-toi-new-zealand-sinh-song/133685