Dân Dải Gaza mòn mỏi chờ viện trợ và sơ tán, lý do gì cửa khẩu với Ai Cập vẫn chưa mở?

Nhiều nước và tổ chức kêu gọi mở lại cửa khẩu Rafah - nối Dải Gaza với Ai Cập, trong bối cảnh khủng hoảng nhân đạo tại Dải Gaza lan rộng và nghiêm trọng từng giờ từng ngày.

Những ngày qua, xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas không ngừng leo thang.

Sau nhiều ngày hứng không kích từ Israel, Dải Gaza chứng kiến thảm họa nhân đạo nghiêm trọng.

Điện, nước, thuốc men, nhu yếu phẩm dần cạn kiệt. Ngày 16-10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo Dải Gaza sẽ bị đẩy tới "thảm họa thực sự" nếu viện trợ không đến trong vòng 24 tiếng nữa.

Bên cạnh đó, nguy hiểm giao tranh khiến ngày càng nhiều người dân Dải Gaza tìm cách rời vùng đất này, nhưng không thể.

Lý do, vùng đất 2,3 triệu dân này bị Israel phong tỏa toàn diện sau khi xung đột Israel-Hamas nổ ra.

Cửa khẩu Fafah - lối thoát duy nhất

Theo đài NBC News, dân thường tại Dải Gaza có 2 cửa khẩu chính để ra vào vùng đất này. Thứ nhất là cửa khẩu Erez, nối phía bắc Dải Gaza với Israel, cửa khẩu còn lại là Rafah. Cả hai cửa khẩu này thường xuyên đóng cửa trong nhiều năm qua.

Ngoài ra, Dải Gaza còn nối với Israel thông qua cửa khẩu Kerem Shalom. Đây là điểm giao thương hàng hóa duy nhất giữa Israel với Dải Gaza.

Cửa khẩu Rafah nối phía nam Dải Gaza với Ai Cập. Ảnh: AFP

Cửa khẩu Rafah được xem là con đường duy nhất để đi từ Dải Gaza sang Ai Cập. Trong bối cảnh Israel tuyên bố phong tỏa toàn khu vực Dải Gaza, cửa khẩu Rafah đóng vai trò là "lối thoát cuối cùng của người dân Dải Gaza" và là cánh cửa duy nhất nối khu vực này với phần còn lại của thế giới.

Trả lời NBC News, bà Mai Abushaban - một công dân Mỹ gốc Palestine - cho biết bà đã đi qua cửa khẩu Rafah 10 lần. Tuy nhiên, ngay cả trong những điều kiện tốt nhất, việc đi qua cửa khẩu này không đơn giản như nhiều người tưởng.

“Khu vực tiếp giáp giữa Ai Cập và Dải Gaza không giống như biên giới giữa Mỹ và Mexico. Nơi này không đáng tin cậy. Nó nguy hiểm và không ổn định” - bà Abushaban nói.

Năm 2021, sau khi đàm phán với các nhà lãnh đạo chính quyền Palestine và chính quyền tại Dải Gaza, Ai Cập đã quyết định mở cửa khẩu Rafah vô thời hạn.

Tuy nhiên, cửa khẩu Rafah đã không hoạt động kể từ tuần trước, sau khi Hamas tấn công Israel và phía Israel không kích trả đũa nhiều khu vực trên Dải Gaza.

Người dân tập trung tại cửa khẩu Rafah (phía bên Dải Gaza). Ảnh: REUTERS

Ông H.A. Hellyer - chuyên gia về an ninh và địa chính trị tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (Anh) - cho rằng cửa khẩu Rafah không hoạt động có thể là do phía Ai Cập lo ngại về việc lượng lớn người dân Dải Gaza sẽ đi qua nước này.

Theo ông Hellyer, lịch sử cho thấy người Palestine tị nạn ra nước ngoài thường rất ít khi về quê hương mình.

“Đó là lý do tại sao người Ai Cập và nhiều quốc gia láng giềng thường không hăng hái trong việc tiếp nhận người di cư từ Dải Gaza. Họ biết rằng những người di cư sẽ không quay về quê hương của họ” - ông Hellyer nói.

Ngoài ra, ông Hellyer cũng lưu ý rằng Dải Gaza còn tiếp giáp với Israel qua các cửa khẩu khác. Do đó, ông cho rằng cộng đồng quốc tế có thể đề nghị phía Israel mở các cửa khẩu này để tiếp nhận các dân thường.

“Tôi không nghe thấy nhiều người kêu gọi Israel mở cửa khẩu để tiếp nhận những thường dân Palestine - những người không liên quan đến cuộc tấn công hôm 7-10. Việc kêu gọi Israel mở cửa biên giới đáng lẽ nên xảy ra” - theo ông Hellyer.

Nỗ lực kêu gọi mở lại cửa khẩu Rafah

Phát biểu tại lễ tốt nghiệp tại một trường quân sự hôm 12-10, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã so sánh tình hình ở Ai Cập như là một ngôi nhà đơn độc trong khu phố đang bốc cháy. Ông el-Sisi cũng cho rằng tin đồn về việc Ai Cập không tìm cách giúp đỡ người dân Dải Gaza là sai sự thật.

“Chúng tôi đang đảm bảo rằng viện trợ, dù là y tế hay nhân đạo sẽ đến được Dải Gaza. Chúng tôi thông cảm với người dân dải đất này” - ông el-Sisi nói.

Tuy nhiên, ông el-Sisi cho biết khả năng giúp đỡ của Ai Cập là có giới hạn.

“Tất nhiên là chúng tôi thông cảm. Nhưng hãy cẩn thận, trong khi thông cảm, chúng ta phải luôn sử dụng trí óc của mình để đạt được hòa bình và an toàn theo cách mà chúng ta không phải trả giá nhiều” - theo ông el-Sisi.

Hôm 16-10, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cho biết phía Israel không hợp tác mở lại cửa khẩu Rafah, ám chỉ việc Israel vẫn tiến hành pháo kích gần khu vực cửa khẩu, theo hãng tin Reuters.

“Nhu cầu cấp thiết là giảm bớt nỗi đau khổ của thường dân Palestine ở Dải Gaza. Cho đến nay, chính phủ Israel vẫn chưa có quan điểm mở cửa khẩu Rafah từ bên phía Dải Gaza, để cho phép hàng viện trợ tiếp cận và công dân của các nước ra vào” - ông Shoukry nói.

Nhân viên y tế và đoàn xe tải chở hàng viện trợ tập trung tại cửa khẩu Rafah (bên phía Ai Cập). Ảnh: AFP

Trước đó, trả lời CNN hôm 14-10, Ngoại trưởng Ai Cập Shoukry cho biết cửa khẩu Rafah đã được mở trở lại nhưng các cuộc không kích đã khiến các con đường dẫn đến cửa khẩu ở phía Gaza “không thể hoạt động được”.

Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đang nỗ lực kêu gọi Ai Cập và Israel khôi phục lại hoạt động của cửa khẩu Rafah.

Theo CNN, phía Mỹ đã tổ chức các cuộc đàm phán với Israel và Ai Cập về việc đảm bảo lối đi an toàn cho người Mỹ và những thường dân khác ra khỏi Gaza. Người phát ngôn Nhà Trắng - ông John Kirby cho biết các quan chức Mỹ kỳ vọng cửa khẩu Rafah sẽ hoạt động trong vài giờ vào cuối ngày 16-10.

Trong khi đó, theo người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) - ông Stephane Dujarric, xung đột khiến việc chuyển hàng viện trợ qua cửa khẩu Rafah trở nên "rất khó khăn".

“Nói một cách nhẹ nhàng, chúng ta cần phải có một cơ chế vì nó liên quan đến nhiều bên. Một số bên trong số họ không có ý định đàm phán. Chúng tôi đang làm việc về vấn đề đó với các đối tác chủ chốt” - ông Dujarric nói.

Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề nhân đạo và Điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của LHQ - ông Martin Griffiths cũng cho biết ông sẽ tới Trung Đông vào ngày 17-10 "để cố gắng hỗ trợ trong các cuộc đàm phán" về viện trợ.

“Chúng tôi đang thảo luận với phía Israel, Ai Cập và các bên liên quan khác” - ông Griffiths nói.

Anh là một trong những nước có công dân thiệt mạng do xung đột Israel-Hamas. Ngày 16-10, Thủ tướng Anh Rishi Sunak kêu gọi cả Israel và Ai Cập mở cửa khẩu Rafah để cho phép viện trợ tiếp cận với người dân tại Dải Gaza.

“Chúng ta phải đảm bảo rằng viện trợ nhân đạo sẽ đến được với dân thường ở Gaza. Để đạt được điều này, chúng ta cần Ai Cập và Israel cho phép hàng viện trợ được vào Dải Gaza" - ông Sunak nói trong một cuộc họp tại Hạ viện Anh.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/dan-dai-gaza-mon-moi-cho-vien-tro-va-so-tan-ly-do-gi-cua-khau-voi-ai-cap-van-chua-mo-post756862.html