Dân chủ đảm bảo, doanh nghiệp ổn định và phát triển

Xác định việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) tốt sẽ góp phần ổn định quan hệ lao động tại các doanh nghiệp (DN), thời gian qua, Công đoàn các Khu công nghiệp (CKCN) tỉnh Tiền Giang đã tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn Công đoàn cơ sở (CĐCS) ở các DN đẩy mạnh thực hiện QCDC theo quy định của pháp luật.

Theo đó, các CĐCS trực thuộc Công đoàn CKCN tỉnh Tiền Giang đã phát huy vai trò chủ động tham gia phối hợp với lãnh đạo DN xây dựng và ban hành QCDC tại DN. Nhờ đó, kết quả hằng năm có 100% DN tổ chức Hội nghị Người lao động (NLĐ), đối thoại theo quy định; hơn 90% DN ký kết Thỏa ước lao động tập thể có từ 3 nội dung trở lên có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật.

ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN QCDC TRONG DN

Việc thực hiện QCDC trong DN có vai trò rất quan trọng, góp phần giữ mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, hạn chế tình trạng tranh chấp, phản ứng lao động tập thể. DN nào thực hiện tốt QCDC sẽ đảm bảo được sự phát triển lâu dài, bền vững. Nghị định 145 ngày 14-12-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động năm 2019 về điều kiện lao động và quan hệ lao động trao quyền tự chủ cho DN trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện QCDC tại nơi làm việc.

Chính sách phúc lợi tốt sẽ giúp công nhân yên tâm làm việc, gắn bó với DN và tổ chức CĐ. (Trong ảnh: Chủ tịch Công đoàn CKCN tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Chiến trao quà cho công đoàn viên khó khăn).

Việc thực hiện QCDC tại DN dựa trên các nguyên tắc: Thiện chí, hợp tác, trung thực, bình đẳng, công khai và minh bạch; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên; không trái với các quy định của pháp luật và đạo đức xã hội. Thời gian qua, Công đoàn CKCN tỉnh Tiền Giang đã có nhiều hoạt động chăm lo công đoàn viên gắn với tham gia thực hiện dân chủ ở cơ sở, quan tâm và thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lãnh đạo, chỉ đạo hướng dẫn các CĐCS trực thuộc chủ động phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở theo tinh thần Nghị định 145 của Chính phủ. Đồng thời, triển khai đến các CĐCS thực hiện nội dung Kết luận 120 ngày 7-1-2016 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, Bộ luật Lao động năm 2019...

Công đoàn CKCN tỉnh Tiền Giang chú trọng công tác tuyên truyền đến các CĐCS bằng nhiều hình thức, tổ chức tập huấn cho cán bộ CĐCS triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở. Nội dung QCDC thể hiện đầy đủ quyền của NLĐ được biết, được bàn, được quyết định và được tham gia kiểm tra, giám sát. Nâng cao số lượng, chất lượng và duy trì tổ chức Hội nghị NLĐ và đối thoại tại nơi làm việc, chú trọng đối thoại đột xuất để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách của NLĐ. Đảm bảo cho NLĐ được quyết định những công việc đã được quy định trong QCDC tại DN như ký kết hợp đồng lao động, tham gia xây dựng Thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, xây dựng các quy chế, quy định quản lý nội bộ...

Công đoàn CKCN tỉnh Tiền Giang cũng đã phân công 1 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách tư vấn pháp luật, tư vấn viên pháp luật Công đoàn kịp thời tư vấn giúp đỡ công đoàn viên. Tại các CĐCS, tổ chức đối thoại giúp các DN kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ; đồng thời, quán triệt trách nhiệm, nghĩa vụ của NLĐ về chấp hành nghiêm nội quy, hoạt động của DN. Trong việc định hướng tham gia xây dựng thỏa thuận với chủ DN về các nội dung quy định, quy chế, chế độ chính sách, phúc lợi ở các công ty, DN luôn đặt quyền và lợi ích của NLĐ lên trên, nhưng đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật và xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của NLĐ, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện, góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định tiến bộ trong DN.

XÂY DỰNG MỐI QUAN HỆ HÀI HÒA, TIẾN BỘ TRONG DN

Với phương châm “Hiểu đúng để hành động đúng”, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, công nhân, lao động luôn được Công đoàn CKCN tỉnh Tiền Giang phối hợp với các ngành chức năng quan tâm thực hiện tốt, bằng nhiều hình thức khác nhau. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, tác động trực tiếp đến ý thức, hành vi của đoàn viên, công nhân, lao động chấp hành tốt pháp luật và quy định của pháp luật trên cơ sở tự nguyện, hiểu biết.

Phát huy vai trò giám sát, phản biện của các CĐCS trong xây dựng và thực hiện các quy chế, quy định, Thỏa ước lao động tập thể; tham gia giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách có liên quan đến quyền lợi của NLĐ, như: Tiền lương, các chế độ bảo hiểm, chế độ độc hại, khen thưởng, kỷ luật… đảm bảo công khai, dân chủ theo đúng quy định của nhà nước. Trong thời gian qua, Công đoàn CKCN tỉnh đã chủ động lựa chọn, định hướng những nội dung mà cán bộ, công đoàn viên, NLĐ đang quan tâm để trao đổi, bàn bạc, thống nhất tại Hội nghị NLĐ, các buổi đối thoại tại DN.

Công đoàn CKCN tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các CĐCS tham gia với người sử dụng lao động thực hiện QCDC ở cơ sở, giám sát việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, tổ chức Hội nghị NLĐ và một số nội dung khác về thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc. Qua đó, hằng năm có 100% DN tổ chức Hội nghị NLĐ, đối thoại theo quy định; hơn 90% DN ký kết Thỏa ước lao động tập thể, trong đó có từ 3 nội dung trở lên có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật, như: Tiền lương tối thiểu cao hơn quy định của Chính phủ, hỗ trợ tiền xăng, tổ chức xe đưa rước cho công nhân, tăng tiền ăn giữa ca; trợ cấp đám cưới, đám tang; tổ chức tặng quà sinh nhật, hỗ trợ tiền thuê nhà trọ; tiền gửi con nhà trẻ, mẫu giáo, tiền tham quan, du lịch; công nhân làm việc 4 năm được nghỉ thêm 1 ngày phép năm, tăng ngày nghỉ hằng năm từ 12 lên 14 ngày trong điều kiện làm việc bình thường; bản thân NLĐ kết hôn nghỉ 4 ngày; hỗ trợ bữa ăn sáng, ăn chiều cho công nhân, mua sữa cho công nhân uống hằng ngày, xây dựng nhà giữ trẻ trong DN...

Anh Lê Võ Hữu Hạnh, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Freeview Industrial (Khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cho biết, lãnh đạo công ty tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức CĐ phát huy vai trò, chức năng và nhiệm vụ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân, lao động, tham gia quản lý DN, góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa và tiến bộ trong DN. CĐCS đã tranh thủ và thỏa thuận tổ chức ký kết Thỏa ước lao động tập thể với Ban Giám đốc công ty những điều khoản có lợi hơn cho NLĐ, cụ thể như: Hỗ trợ chi phí cuộc sống thường ngày cho NLĐ 400.000 đồng/người/tháng, trợ cấp gửi trẻ 50.000 đồng/người/tháng, tiền thưởng lễ 1-5 là 300.000 đồng/người; tiền thưởng Tết Trung thu 300.000 đồng/người, tiền thưởng Tết Nguyên đán mỗi NLĐ được hưởng từ 1 đến trên 2 tháng lương cơ bản theo hợp đồng lao động tùy theo thâm niên làm việc.

Công ty còn tặng thưởng Bằng khen, quà kỷ niệm là 1 chỉ vàng 24K đối với những NLĐ làm việc tròn 10 năm; NLĐ làm việc tròn 20 năm sẽ được tặng Bằng khen và quà kỷ niệm là 1,5 chỉ vàng 24k. Chế độ phụ cấp trách nhiệm của an toàn vệ sinh viên, tiền hỗ trợ thường xuyên của Đội trưởng, Đội phó Đội phòng cháy, chữa cháy... góp phần giúp cho công đoàn viên, công nhân, lao động an tâm làm việc, gắn bó với công ty và tổ chức CĐ. Chính vì thế, Công ty TNHH Freeview Industrial tuy có số lao động lớn, với 18.763 lao động, nhưng không xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc hay những vụ thắc mắc, khiếu nại của NLĐ.

Chị Huỳnh Thị Kim Ngọc, công nhân Công ty TNHH Freeview Industrial chia sẻ, chị cảm thấy yên tâm và hài lòng khi các chế độ của DN luôn đảm bảo cho NLĐ. Cụ thể như công ty có lắp đặt bố trí phòng vắt trữ sữa cho lao động nữ đang trong thời gian thai sản. Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 2 được bố trí ghế ngồi làm việc, được điều động sang công việc khác nhẹ hơn nhưng tiền lương vẫn đảm bảo không thấp hơn mức lương cũ. Công ty quan tâm, chăm lo tốt đời sống cho công nhân, lao động như: Tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vào các dịp lễ, tết; tổ chức các giải thể thao, cắm hoa... cùng nhiều khoản phụ cấp khác. Đó là những phúc lợi tốt để công nhân, lao động nỗ lực, yên tâm làm việc, gắn bó với DN.

Thời gian qua, có thể thấy nhiều DN đã rất chú ý đến việc thực hiện QCDC trong DN. Điều này thể hiện qua việc thường xuyên tổ chức những hội nghị đối thoại, gặp gỡ NLĐ. Thông qua những buổi gặp gỡ này, lãnh đạo DN có dịp trao đổi, cung cấp nhiều thông tin liên quan đến tình hình sản xuất, kinh doanh và chiến lược phát triển để NLĐ hiểu và chia sẻ. Qua các buổi đối thoại, NLĐ cũng có cơ hội để bày tỏ nguyện vọng, mong muốn của mình, nhất là những vấn đề còn khó khăn, bất cập nảy sinh chưa được giải quyết ổn thỏa trong quá trình làm việc. Sau hội nghị đối thoại, có nhiều chế độ, chính sách được thay đổi trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích của DN và NLĐ. Từ đó, NLĐ cảm thấy tiếng nói của mình được tôn trọng, sẽ gắn bó hơn với công việc, DN mình đang làm việc.

Để có được những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực lớn của tổ chức CĐ, góp phần thực hiện có hiệu quả chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ. Đồng thời, nâng cao vai trò, vị thế của CĐCS trong công tác thương lượng tập thể, đề xuất nội dung đối thoại, phản ánh nguyện vọng của đa số NLĐ đến người sử dụng lao động, ký kết những bản Thỏa ước lao động tập thể chất lượng, nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật. Điều đó chính là động lực, là nguồn động viên to lớn giúp công đoàn viên và NLĐ gắn bó với Công đoàn, với DN.

LÝ OANH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202311/dan-chu-dam-bao-doanh-nghiep-on-dinh-va-phat-trien-995757/