Đám rước bên sông Tô

Hội Láng từng là một trong những hội lớn và hấp dẫn nhất phía Tây thành Thăng Long. Do nhiều nguyên nhân, một thời gian dài, nhiều nghi thức cổ truyền không được thực hành đầy đủ. Năm 2023, các nét văn hóa đặc sắc của lễ hội đã được khôi phục sau 70 năm.

Lễ rước kiệu Đức Thánh Láng

Sáng 26.4 (mùng 7.3 năm Quý Mão), chùa Láng chính thức khai hội, thu hút đông đảo nhân dân của 7 làng thuộc Tổng Hạ, phủ Phụng Thiên (nay thuộc quận Ðống Ða) và làng Thượng Ðình (nay thuộc quận Thanh Xuân), làng Yên Quyết (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Đoàn rước kiệu gồm 8 kiệu và 18 đội rước đi dọc bờ sông Tô Lịch phần nào tái hiện không khí hội mùa xuân của cả vùng Láng và nhiều làng ở hai bên bờ sông xưa. Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: “Hàng năm, mùa xuân, cứ đến ngày bảy tháng ba, dân chúng tụ tập ở chùa, là hội vui nhất vùng”. Còn trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca dao: “Nhớ ngày mồng bảy tháng ba/ Trở vào hội Láng, trở ra hội Thầy”…

Lễ rước kiệu Đức Thánh Láng và các nghi thức cổ truyền được phục dựng sau 70 năm. Ảnh: Th. Nguyên

Ông Nguyễn Văn Duy, Phó Ban quản lý di tích phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: chùa Láng có tên chữ là Chiêu Thiền tự, được xây dựng từ thời vua Lý Anh Tông (1138 - 1175). Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh và hiện thân của Ngài là vua Lý Thần Tông. Theo tập quán từ lâu đời, hàng năm cứ đến mùng 7.3 âm lịch - ngày Thiền sư Từ Đạo Hạnh hóa ở chùa Thầy, đồng thời là ngày vua Lý Thần Tông được sinh ra, dân làng mở hội. Đêm mùng 6, rạng sáng mùng 7, các cụ làm lễ bao sái tượng Đức Thánh, thay y phục tu hành, mặc triều phục, thể hiện sự tái sinh của thiền sư Từ Đạo Hạnh thành vua Lý Thần Tông. Đến ngày 15.3 âm lịch, nhân dân làm lễ tạ, thay triều phục, mặc áo nhà Phật cho Thánh…

Hội xưa hấp dẫn nhất là đám rước Đức Thánh Láng lên chùa Hoa Lăng (nay thuộc phường Quan Hoa, Cầu Giấy), nơi thờ thân mẫu của Ngài. Năm nào hạn hán thì rước Thánh xuống chùa Tam Huyền (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) thăm cha. Tuy nhiên, chỉ những năm "hòa cốc phong đăng, dân khang vật thịnh", các làng mới tổ chức rước Thánh.

Trong đám rước có nghi thức “độ hà” xưa được thực hiện bằng việc trai đinh khiêng kiệu lội qua sông Tô Lịch, không đi trên cầu, hàm ý “con không đi trên đầu cha”, do trước kia thân phụ của Thiền sư Từ Đạo Hạnh là Từ Vinh bị người xấu sát hại và ném xác xuống sông. Nghi thức “đấu thần” cũng được thực hiện, mô phỏng lại trận đấu giữa Thiền sư Từ Đạo Hạnh và Pháp sư Đại Điên xưa kia... Sau lễ rước, từ mồng 8.3 trở đi, các vị chức sắc kỳ mục, các cụ phụ lão lần lượt tế ở chùa Láng. Đây là nét đặc biệt, chỉ có ở một vài nơi tế trong chùa, bởi chùa vừa thờ Phật, vừa thờ Thánh…

Qua thăng trầm lịch sử, hội Láng không thực hành đầy đủ các nghi thức rước, tục hèm. Nhất là từ năm 1953 đến nay, chùa Láng thường chỉ tổ chức hội lệ (tế, lễ tại chùa). Đến năm 1995 đám rước được khôi phục, nhưng chỉ rước kiệu lên chùa Nền (tại Đường Láng, phường Láng Thượng - tương truyền hình thành từ ngôi nhà cũ của cha mẹ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, nơi Đức Thánh được sinh ra) để Ngài thăm cha mẹ.

Ông Nguyễn Văn Duy chia sẻ: “sau 70 năm chúng tôi mới có thể phục dựng nghi thức rước Thánh theo truyền thống xưa. Chúng tôi có nghiên cứu từ các ghi chép trong sử sách, tài liệu lưu trữ trong dân, qua lời kể của các cụ trong làng từng được tham dự lễ rước năm 1953… để phục dựng. Các phương án phục hồi đám rước cùng các nghi thức “độ hà”, “đấu thần” đã được tính toán phù hợp với hoàn cảnh thực tế mà không làm mất đi nét đặc sắc vốn có”.

Bức tranh sinh động về sinh hoạt văn hóa dân gian xưa

Vào làm lễ Đức Thánh từ sớm, cụ Trần Thị Nhiễu, 85 tuổi, cho biết: “tôi sinh ra và lớn lên ở làng Láng Trung, phường Láng Thượng. Từ nhỏ đã được tham gia lễ rước lớn từ chùa Láng qua chùa Hoa Lăng. Tuy nhiên, do chiến tranh, đời sống khó khăn… lâu nay đám rước chưa được tổ chức, dù dân làng mong mỏi đã nhiều năm. Rất mừng là đến tuổi xưa nay hiếm tôi vẫn có thể đi hội, chứng kiến những hình ảnh linh thiêng theo lệ cổ. Năm nay hội được tổ chức lớn hơn, đẹp hơn những ngày đời sống dân làng còn nghèo khổ. Gia đình tôi có 6 người, cả con trai và con dâu đều tham gia phục vụ lễ hội…”

Hội diễn ra chủ yếu tại chùa Láng, song ngoài đoàn rước của làng Láng Thượng, lễ rước Đức Thánh Láng còn có sự tham gia của các làng lân cận như: Láng Hạ, Thành Công, An Hòa… Có thể thấy, lễ hội đã thể hiện một bức tranh sinh động về những nghi thức sinh hoạt văn hóa dân gian của người dân vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long xưa, thể hiện sự gắn kết giữa đạo và đời.

Theo Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Thị Lan Anh, lễ hội chùa Láng là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, liên kết sâu sắc giữa các cộng đồng tham gia lễ hội. Lễ hội thể hiện bức tranh tổng hòa các giá trị văn hóa phi vật thể, từ ngữ văn truyền khẩu là các câu chuyện truyền thuyết về Thiền sư Từ Đạo Hạnh, nghệ thuật trình diễn qua các tích trò, tập quán xã hội và tín ngưỡng với các tục hèm, đến tri thức dân gian thể hiện qua nghệ thuật sắp lễ… góp phần duy trì thuần phong mỹ tục của địa phương…

Nói về việc khôi phục đám rước của lễ hội chùa Láng, GS.TS. Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng: đám rước này có từ lâu đời, thời gian vừa qua do điều kiện kinh tế, xã hội và điều kiện giao thông khó khăn, nên bị lãng quên, nay người dân 7 làng Tổng Hạ, Thượng Quyết xưa tha thiết đề nghị khôi phục. Đây là đám rước vô cùng hoành tráng và ý nghĩa, rước kiệu Thánh Từ Đạo Hạnh từ chùa Láng qua sông Tô Lịch, sau đó đi dọc bờ sông về phía Cầu Giấy, qua chùa Hoa Lăng thăm mẹ, chùa Tam Huyền thăm cha. Một hành trình dọc bờ sông kéo dài mấy cây số về gần Cầu Giấy, đi qua các làng cổ bên sông Tô xưa thật sự là một đám rước tuyệt đẹp ngay giữa khu vực nay đã thuộc nội thành Hà Nội!

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/dam-ruoc-ben-song-to-i325926/