Đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran: Áp lực với Tổng thống Mỹ

Tổng thống Mỹ Joe Biden rơi vào thế khó khi các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran được nối lại ở Vienna (Áo). Ngay cả khi đạt được thỏa thuận, người đứng đầu Nhà Trắng vẫn sẽ đối mặt với áp lực từ lưỡng đảng ở Mỹ rằng một văn bản mới cũng không đủ kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran.

Đặc phái viên của Mỹ về Iran Robert Malley (phải) trao đổi với một quan chức châu Âu trong một lần đến Vienna (Áo) tham gia đàm phán gián tiếp. Ảnh: AP

Hãng thông tấn AFP cho biết, 10 tháng đàm phán gián tiếp về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) đã thất bại. Vòng đàm phán mới được nối lại vào ngày 8-2 với kỳ vọng các bên sẽ đạt được một thỏa thuận.

Chính phủ của Tổng thống Joe Biden cho rằng, việc tham gia trở lại JCPOA là điều cấp thiết khi chương trình hạt nhân của Iran gần đạt bước đột phá về khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân. Năm 2018, Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump đã rút khỏi JCPOA vì cho rằng thỏa thuận còn nhiều điều khoản chưa chặt chẽ, đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Phía Tehran thu hẹp dần các cam kết đối với thỏa thuận này.

Đến nhiệm kỳ Tổng thống Biden, đàm phán nhằm cứu vãn JCPOA được khởi động giữa Iran với nhóm P4+1, Mỹ chỉ tham gia gián tiếp. Song, 8 vòng đàm phán đã thất bại vì không bên nào chịu nhường bên nào. Mỹ yêu cầu Iran tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận, còn Iran kiên quyết kêu gọi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này kể từ năm 2017.

Theo AFP, giờ đây, khi vòng đàm phán thứ 9 được nối lại, hoặc JCPOA được khôi phục, hoặc chính phủ của Tổng thống Biden đối mặt với thất bại ngoại giao. Tuy nhiên, kể cả khi thỏa thuận này sống lại, ông Biden cũng gặp áp lực từ lưỡng đảng ở trong nước rằng JCPOA không đủ kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran.

Trong những ngày gần đây, những người ủng hộ và phản đối thỏa thuận đã lên tiếng ở Mỹ khi các báo cáo cho biết có thể vài tuần nữa Iran sẽ có đủ nhiên liệu phân hạch để chế tạo vũ khí nguyên tử. Hãng tin AFP cho hay, cũng như hầu hết các nghị sĩ Dân chủ, Thượng nghị sĩ đảng này - ông Chris Murphy - ủng hộ chính phủ khôi phục JCPOA và tin rằng chiến lược “gây sức ép tối đa” của Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump đối với Iran là phản tác dụng.

Thượng nghị sĩ Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ đối ngoại Thượng viện là một trong số những người Dân chủ bày tỏ hoài nghi về JCPOA. “Tôi nghĩ chúng ta đang ở thời điểm quan trọng, thời điểm nghiêm trọng và chúng ta sẽ xem mọi chuyện rẽ theo hướng nào”, ông Menendez phát biểu với AFP. Hồi đầu tháng 2 này, ông Menendez cảnh báo Nhà Trắng không nên khôi phục JCPOA.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình MSNBC ngày 10-2, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman bác bỏ những nhận định rằng Iran đang chiếm ưu thế. “Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ điều gì mà Iran đề nghị. Chúng tôi sẽ tham gia trở lại JCPOA một cách đầy đủ nếu Iran duy trì cam kết tuân thủ thỏa thuận”, bà Sherman nói và nhấn mạnh tất cả sự lựa chọn vẫn nằm trên bàn.

Các nghị sĩ Cộng hòa không đồng ý dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran. Ông Mark Dubowitz, đứng đầu Tổ chức Dân chủ Quốc phòng vốn phản đối JCPOA, nói rằng người Iran biết Tổng thống Biden mong có một thỏa thuận nên muốn phía Mỹ phải nhượng bộ. Ông Dubowitz ủng hộ việc trở lại chiến lược “gây sức ép tối đa” nhằm vào Iran mà ông Donald Trump từng áp dụng.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ngày 10-2 nói rằng, các nhà đàm phán của nước này chưa bao giờ rời khỏi bàn đàm phán và luôn tham gia các cuộc thảo luận với quyết tâm cùng các sáng kiến. Trong lúc đó, theo Reuters, Iran đã xuất khẩu được 1,2 triệu thùng dầu thô/ngày trong tháng 1-2022 bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ. Nếu đàm phán tạo ra đột phá sẽ là cơ hội để Iran ngay lập tức tăng nguồn cung dầu mỏ ở mức 2,5 triệu thùng/ngày, như trước thời điểm Mỹ áp đặt trừng phạt.

PHÚC NGUYÊN

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5408/202202/dam-phan-ve-thoa-thuan-hat-nhan-iran-ap-luc-voi-tong-thong-my-3904531/