Đàm phán RCEP - Phép thử quan trọng đối với năng lực quy tụ của ASEAN

Theo hãng tin Kyodo, các bộ trưởng từ 16 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã không đạt được thỏa thuận về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) tại cuộc họp vào ngày 1/11. Tuy nhiên, một số người vẫn lạc quan về khả năng đạt đồng thuận về thỏa thuận này vào cuối năm nay.

Các bộ trưởng từ 16 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã không đạt được thỏa thuận về RCEP, nhưng nhiều người vẫn lạc quan về một cơ hội vào cuối năm. (Nguồn: Asean Thailand 2019)

Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan được tổ chức tại Bangkok/Nonthaburi, Hội nghị Bộ trưởng trù bị của các nước tham gia đàm phán RCEP đã được tổ chức để chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 3.

Những tiến bộ lớn và kỳ vọng cuối năm

Các cuộc đàm phán về RCEP bắt đầu từ tháng 11/2012 với mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế giữa ASEAN và sáu quốc gia mà hiệp hội đã ký hiệp định thương mại tự do là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và New Zealand. Thái Lan mong muốn các cuộc đàm phán RCEP, vốn kéo dài gần 7 năm qua với rất nhiều phiên họp, sẽ kết thúc trong năm nay khi nước này là Chủ tịch luân phiên ASEAN.

Là một hiệp định thương mại tự do quy mô lớn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, RCEP khi được ký kết sẽ bao gồm 16 quốc gia trong một khối thương mại chiếm tới 1/3 GDP toàn cầu. Các nước tham gia RCEP có tổng dân số 3,56 tỷ người và giá trị thương mại hơn 1.030 tỷ USD (tương đương 29% giá trị thương mại toàn cầu).

Trả lời giới truyền thông ở Bangkok, một quan chức cấp cao của Chính phủ Nhật Bản cho biết, các nhà lãnh đạo thuộc RCEP sẽ đưa ra tuyên bố chung sau khi Hội nghị thượng đỉnh kết thúc vào thứ Hai tới (4/11). Tuy nhiên, ông không đưa ra bất cứ thông tin chi tiết nào. Còn theo nguồn tin cấp cao quen thuộc với cuộc đối thoại diễn ra ở Thủ đô Bangkok của Thái Lan này, các bộ trưởng đã đạt được "những tiến bộ lớn".

Nguồn tin cho hay vẫn có sự lạc quan về việc các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ đề xuất công bố một thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh tổ chức ngày 4/11, nhưng tuyên bố này sẽ chỉ ở mức sơ bộ vì các bên vẫn còn hai tháng nữa để đàm phán chi tiết.

Các nước thành viên RCEP đã kết thúc đàm phán trong 18/20 lĩnh vực, nhưng dường như vẫn chưa đồng ý về các lĩnh vực chính gồm thuế quan, thương mại dịch vụ, tiếp cận thị trường và đầu tư.

Ấn Độ đã miễn cưỡng hạ thấp các rào cản thương mại, vì nước này có thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc trong nhiều năm. Ấn Độ lo ngại rằng, thỏa thuận thương mại tự do sẽ dẫn đến việc các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp giá rẻ như điện thoại thông minh từ Trung Quốc đổ vào thị trường nội địa, khiến thâm hụt thương mại tiếp tục gia tăng.

Trong khi đó, Trung Quốc muốn kết thúc đàm phán RCEP càng sớm càng tốt, vì nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại, giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ tiếp diễn. Các cuộc thảo luận về Hiệp định này bắt đầu từ năm 2012 và đã được đẩy nhanh trong thời điểm cuộc chiến thương mại đang diễn ra.

Martin Marty Natalegawa, cựu Ngoại trưởng Indonesia nói với hãng tin Reuters rằng, việc hoàn tất quá trình đàm phán RCEP sẽ là một thử nghiệm quan trọng đối với năng lực của ASEAN về khả năng quy tụ mà khối thường nhấn mạnh.

Cũng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này, lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á dự kiến sẽ lên tiếng bày tỏ quan ngại về sự gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, khi mà nhiều ý kiến cho rằng Mỹ dường như đang “lơ là” khu vực này.

Reuters cho biết, theo một dự thảo tuyên bố về Hội nghị Cấp cao ASEAN mà hãng tin này thấy được, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về căng thẳng thương mại đang gia tăng cũng như việc chủ nghĩa bảo hộ và chống toàn cầu hóa tiếp tục diễn ra. Các quốc gia Đông Nam Á đang chịu ảnh hưởng lớn của cuộc thương chiến Mỹ - Trung, với tăng trưởng của các quốc gia này dự kiến sẽ bị chậm lại ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm nay.

Bên cạnh đó, tại sự kiện lớn của ASEAN lần này, Mỹ chỉ cử Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien đại diện cho Mỹ tới dự các cuộc họp. Điều này đã khiến những người lâu nay vốn xem Mỹ như một đối trọng an ninh với Trung Quốc thấy lo ngại.

Đại cường kinh tế thứ năm

Theo đánh giá của tờ La Tribune mới đây, với 647 triệu dân, ASEAN còn lớn hơn cả Liên minh châu Âu về mặt dân số, GDP của cả khối là gần 3.000 tỷ USD. Đứng đầu ASEAN là Indonesia, với GDP đạt trên 1.000 tỷ USD. Với tổng dân số 265 triệu người, Indonesia chiếm đến 35% sự giàu có của ASEAN và 41% dân số toàn khu vực. Tiếp theo là Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Các nền kinh tế này có GDP hàng năm vào khoảng 240 - 500 tỷ USD, tức có thể sánh bằng với GDP của Bỉ hay Bồ Đào Nha. Ngược lại, Myanmar, Campuchia, Lào và Brunei là những nền kinh tế có quy mô nhỏ hơn rất nhiều.

Nhân tố đầu tiên làm nên thành công của ASEAN là nền kinh tế các quốc gia thành viên bổ sung cho nhau hơn là cạnh tranh. Điều này thấy được từ quốc gia giàu dầu lửa Brunei cho đến các nước chuyên gia công, tận dụng lợi thế cạnh tranh nhờ vào nguồn nhân công giá rẻ, dồi dào (Indonesia, Việt Nam, Campuchia) trên rất nhiều lĩnh vực từ lắp ráp ô tô, dệt may, linh kiện điện tử cho đến hóa chất.

Tóm lại, ASEAN giờ có thể tự khẳng định là “công xưởng” lớn thứ hai trên thế giới và đà tiến của khối rất có thể còn được thúc đẩy nhờ những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Không chỉ có thế, nhiều quốc gia khác bắt đầu lao vào lĩnh vực ủy thác quy trình kinh doanh (BPO - Business Process Outsourcing), như trường hợp của Philippines. Hầu như tất các nước trong khối cũng tận dụng lợi thế du lịch. Bên cạnh đó, cũng cần kể đến những nước may mắn nhất có thể khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên (bất kể là nông nghiệp, quặng hay năng lượng).

Chìa khóa thành công thứ hai là các nước ASEAN đề ra các biện pháp khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài và do vậy ngày càng trở thành những cỗ máy thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các tập đoàn đa quốc gia Nhật Bản (đã có từ lâu), Trung Quốc (ngày càng nhiều) và châu Âu đều nhận thấy ở ASEAN một cơ hội kép: nguồn nhân công giá rẻ và một thị trường nội địa rộng lớn tiềm tàng.

Nhân tố thứ ba cho thành công của ASEAN là vị thế địa chính trị quan trọng. Nét đặc trưng của vùng Đông Nam Á trước hết là có nhiều quốc gia nằm bên bờ một vùng biển nội địa kết nối với phần còn lại của thế giới. Vùng Biển Đông có bảy eo biển dẫn ra bên ngoài, cho phép kết nối giữa châu Á và châu Đại Dương, giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Với mức tăng trưởng trung bình hàng năm 5% từ một thập niên qua, ASEAN không những được xem như là một thành công về kinh tế mà còn là một tác nhân thiết yếu trong khu vực, có thể sánh như đại cường kinh tế thứ năm thế giới và đứng thứ ba tại châu Á, trước cả Ấn Độ.

(theo Kyodo, Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dam-phan-rcep-phep-thu-quan-trong-doi-voi-nang-luc-quy-tu-cua-asean-103822.html