Đàm phán Mỹ - Trung tại G20: Bắc Kinh không vội vã, Washington hạ thấp kỳ vọng

Diễn biến cuộc đàm phán thương mại bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày càng rắc rối…

Cuộc đàm phán giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập tại G20 ngày một không chắc chắn. (Nguồn: AFP)

Khi các cuộc đàm phán vẫn ở trạng thái bế tắc, giới chuyên gia đang kỳ vọng một cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập và Tổng thống Trump tại cuộc họp G20 ở Nhật Bản. Dù chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa tới cuộc họp này nhưng vẫn còn nhiều điều không chắc chắn đến từ cả hai phía.

Mỹ cần thể hiện sự chân thành

Trước lời đe dọa của ông Trump sẽ tăng thuế 25%, hoặc cao hơn nhiều so với 25% đối với hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc nếu ông Tập không đến cuộc gặp G20, ngày 13/6, đại diện phía Trung Quốc cho biết, có khả năng Chủ tịch Tập sẽ tham dự cuộc họp này.

Tuy nhiên, để đạt được thỏa thuận thương mại, đại diện phía Trung Quốc nhấn mạnh, Mỹ phải đồng ý với một số điều kiện nhất định. Cụ thể như: Hủy bỏ tất cả các mức thuế bổ sung và tuân theo các điều khoản mà Trung Quốc coi là bình đẳng.

Theo ông Liang Ming, Giám đốc Viện Thương mại Quốc tế, một đơn vị nghiên cứu thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, chính Mỹ là người ‘‘châm ngòi’’ cho cuộc chiến thương mại nhưng tại G20, Trung Quốc lại có niềm tin lớn hơn Mỹ. ‘‘Nếu Mỹ vẫn giữ những quy tắc của riêng mình thì Trung Quốc không muốn có các cuộc đàm phán. Nền kinh tế Trung Quốc vẫn có thể chịu được áp lực bởi căng thẳng thương mại kéo dài’’, ông Liang Ming nói.

‘‘Chúng tôi biết rằng, bắt đầu từ ngày 18/6, Tổng thống Trump sẽ bước vào chiến dịch tổng tuyển cử mới. Vì vậy, không chỉ Trung Quốc, ông Trump cũng rất mong muốn đạt được thỏa thuận. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào toàn bộ tình hình, Trung Quốc không vội vàng vì thời gian đứng về phía chúng tôi’’, Giám đốc Viện Thương mại Quốc tế khẳng định.

Theo phía Trung Quốc, để các cuộc đàm phán được tiếp tục, Mỹ phải điều chỉnh hành động sai trái của mình bằng sự chân thành.

Ông Liang Ming đã đặt ra hai điểm để Mỹ thể hiện sự chân thành trong hành động của mình. Đầu tiên, Mỹ phải đồng ý hủy bỏ tất cả các mức thuế bổ sung. Thứ hai, Bắc Kinh muốn Mỹ giảm bớt đáng kể các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các sản phẩm xuất khẩu công nghệ cao. Điều này sẽ khiến Trung Quốc tăng nhập khẩu hàng hóa của Mỹ lên ít nhất 1,2 nghìn tỷ USD.

Trung Quốc không nhún nhường

Zhu Guangyao, cựu thứ trưởng Bộ Tài chính và cố vấn cho chính phủ Trung Quốc về thương mại đã khẳng định, Trung Quốc đang chờ Mỹ đồng ý với các điều khoản của Bắc Kinh. Ông Zhu Guangyao cho biết, ông hy vọng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tham dự cuộc họp G20. Nhưng ông hoàn toàn không kỳ vọng vào bất kỳ sự nhún nhường nào từ phía Trung Quốc.

Zhu nói: ‘‘Kể từ khi các cuộc đàm phán diễn ra, cả hai bên bắt đầu đặt những 'lằn ranh đỏ' về những điều cả có thể thương lượng và những điều không thể thương lượng. Vì vậy, quyền lợi của mọi người, chủ quyền quốc gia, phẩm giá quốc gia, chắc chắn là 'lằn ranh đỏ' và không ai có thể vượt qua điều đó’’.

Trước tình hình trên, Tổng thống Trump dường như hạ thấp kỳ vọng về cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20.

Ngày 14/5, theo trang Fox News, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, việc ông Tập có gặp ông hay không điều đó “không thành vấn đề”.

“Nếu ông ấy (Tập Cận Bình) xuất hiện thì tốt. Còn nếu ông ấy không, trong thời gian đó, chúng tôi sẽ kiếm được hàng tỷ USD mỗi tháng từ việc thu thuế của hàng hóa Trung Quốc”, ông Trump nói.

Tổng thống Trump cũng lặp lại tuyên bố của mình rằng, các nhà xuất khẩu Trung Quốc sẽ phải chịu gánh nặng thuế quan. Bên cạnh đó, ông cũng bác bỏ sự đồng thuận của các nhà kinh tế về vấn đề chi phí thuế quan sẽ “đè nặng” lên người tiêu dùng và các doanh nghiệp Mỹ.

“Trung Quốc đã trợ cấp cho ngành công nghiệp của họ, vì vậy, người dân của chúng tôi không mất thêm chi phí”, ông Trump khẳng định.

(theo CNBC)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dam-phan-my-trung-tai-g20-bac-kinh-khong-voi-va-washington-ha-thap-ky-vong-95944.html