Đàm phán hiệp định đại dịch thất bại: Vẫn còn nhiều rào cản

Vòng đàm phán cuối cùng về 'hiệp ước đại dịch' của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thất bại, cho thấy nỗ lực tìm kiếm một giải pháp ứng phó với các đại dịch toàn cầu vẫn đối mặt những rào cản hết sức nan giải. Để kiến tạo giải pháp chung mang lại hiệu quả cao nhất cho cuộc chiến chống lại những đại dịch trong tương lai, các quốc gia cần nỗ lực nhiều hơn nữa để tìm được sự đồng thuận.

Sau đại dịch Covid-19, các quốc gia cần ưu tiên lợi ích chung toàn cầu trong nỗ lưc đẩy lùi các đại dịch trong tương lai. Ảnh Detroit News

Sau đại dịch Covid-19, các quốc gia cần ưu tiên lợi ích chung toàn cầu trong nỗ lưc đẩy lùi các đại dịch trong tương lai. Ảnh Detroit News

Vòng đàm phán cuối cùng về "hiệp ước đại dịch" của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thất bại, cho thấy nỗ lực tìm kiếm một giải pháp ứng phó với các đại dịch toàn cầu vẫn đối mặt những rào cản hết sức nan giải. Để kiến tạo giải pháp chung mang lại hiệu quả cao nhất cho cuộc chiến chống lại những đại dịch trong tương lai, các quốc gia cần nỗ lực nhiều hơn nữa để tìm được sự đồng thuận.

Vòng đàm phán cuối cùng về "hiệp ước đại dịch" có sự tham gia của các nhà đàm phán từ 194 thành viên của WHO và nhiều tổ chức liên quan. Dự thảo hiệp ước bao gồm một loạt cập nhật đối với quy tắc hiện hành nhằm củng cố khả năng phòng vệ của thế giới chống lại các mầm bệnh mới sau khi đại dịch Covid-19 cướp đi sinh mạng của hàng triệu người. Tuy nhiên, thảo luận đã kết thúc mà không đạt mục tiêu đề ra.

Dự thảo hiệp ước hướng đến mã hóa việc chia sẻ dữ liệu về các chủng vi khuẩn, vi rút hoặc tác nhân có khả năng gây ra đại dịch, đồng thời bảo đảm rằng tất cả các quốc gia đều được hưởng lợi một cách công bằng từ việc nghiên cứu vắc xin, thuốc điều trị và phương pháp xét nghiệm. Với mục tiêu này, dự thảo bao gồm một điều khoản yêu cầu các nhà sản xuất dược phẩm quyên góp 10% sản phẩm cho WHO và dành 10% với mức giá phải chăng, để phân phối đến các nước nghèo hơn trong trường hợp khẩn cấp về y tế.

Nói cách khác, dự thảo yêu cầu các nước giàu hơn hỗ trợ giảm bớt gánh nặng cho các nước nghèo, qua đó giúp thế giới đối phó với đại dịch. Tuy nhiên, đây cũng là điểm mấu chốt dẫn đến bất đồng. Một quan chức tham gia cuộc đàm phán cho biết, mặc dù hầu hết các quốc gia đều ủng hộ cam kết tiếp cận vắc xin công bằng hơn, nhưng chưa thể tìm tiếng nói chung trong việc chia sẻ vắc xin sao cho công bằng.

Theo các nguồn tin, Vương quốc Anh từ chối ký hiệp định về đại dịch của WHO vì chưa chấp thuận cung cấp 20% số vắc xin của mình. Người phát ngôn Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cho biết, London sẽ chỉ ủng hộ hiệp định nếu thấy phù hợp với lợi ích quốc gia của Vương quốc Anh và tôn trọng chủ quyền quốc gia”. Người phát ngôn này không bình luận về chi tiết của các đề xuất khác trong hiệp định, song khẳng định “không đồng ý đề xuất nào”.

Nhiều vấn đề khác trong dự thảo cũng gây tranh cãi. Thứ nhất là việc các nước đang phát triển lo ngại, dự thảo có thể buộc họ phải cung cấp mẫu vi rút cho các nước giàu để phát triển vắc xin và phương pháp điều trị, nhưng sau đó lại không đủ khả năng chi trả cho những sản phẩm này. Thứ hai là những tác động trong vấn đề quyền sở hữu trí tuệ. Thực tế, một nhóm các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ cũng gửi một lá thư tới chính quyền của Tổng thống Joe Biden vào tuần trước, chỉ trích dự thảo vì tập trung vào các vấn đề như "ảnh hưởng tới quyền sở hữu trí tuệ" và "trao cho WHO quá nhiều quyền lực". Thứ ba, một số nhà phân tích cho rằng, dự thảo nên yêu cầu các nước giàu hỗ trợ các nước nghèo thiết lập hạ tầng sản xuất vắc xin tại chỗ để bảo đảm khả năng tiếp cận cho mọi người.

Dù vậy, hy vọng về việc hình thành một “hàng rào phòng thủ” chung của nhân loại vẫn còn đó, khi các bên đàm phán sau thất bại lần này đã nhất trí sẽ thảo luận sau về một số chi tiết gây tranh cãi nhất của hiệp ước, trong đó có nội dung liên quan đến “hệ thống tiếp cận mầm bệnh và chia sẻ lợi ích”, với thời hạn 2 năm.

Bình luận về kết quả đàm phán lần này, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các quốc gia nhất trí về hiệp định kịp thời, để giúp chống lại các đại dịch trong tương lai. Người đứng đầu tổ chức đa phương toàn cầu cũng nhấn mạnh, những nước không hoàn toàn đồng ý với dự thảo này cũng không nên ngăn cản sự đồng thuận giữa các thành viên WHO. Một số ý kiến chuyên gia cũng chỉ ra, thỏa thuận cuối cần cân nhắc bổ sung những biện pháp ràng buộc đủ mạnh để bảo đảm các quốc gia tuân thủ, qua đó đạt hiệu quả phòng chống đại dịch trong tương lai.

Dễ dàng nhận thấy, hiệp ước phòng chống đại dịch của WHO tuy có mục tiêu cao đẹp, nhưng dự thảo trước mắt dường như chưa phù hợp với thực tế và chưa tính đến các yếu tố chính trị nhạy cảm. Trong bối cảnh đó, việc các bên nhất trí tiếp tục cân nhắc, đàm phán tạm thời có thể coi là kết quả đáng hoan nghênh dù tất cả đều hiểu rằng đang có nhiều rào cản. Không còn cách nào khác, các thành viên WHO phải vượt qua những rào cản đó, tiến tới sự thống nhất chung, nhằm sớm cho ra đời "hiệp ước đại dịch".

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dam-phan-hiep-dinh-dai-dich-that-bai-van-con-nhieu-rao-can-666064.html