Đạm Ninh Bình lỗ vượt kế hoạch, xin cứu: ''Thương'' nợ công?

Việc giải cứu một dự án không hiệu quả sẽ là một tiền lệ xấu. Khi đã có tiền lệ ấy, liệu Nhà nước có phải giải cứu dây chuyền?

Kêu khó để xin-cho

UBND tỉnh Ninh Bình vừa đề nghị Chính phủ giải cứu Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình khi dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình vẫn đang lỗ dù đã bước sang năm hoạt động thứ 4 và chưa biết bao giờ mới ngừng lỗ.

Trước đó, lãnh đạo công ty cho rằng, nguyên nhân thua lỗ của Đạm Ninh Bình là do sản xuất ure trong nước đã vượt cầu, cộng thêm nguồn cung từ nhập khẩu giá rẻ, sản xuất nông nghiệp khó khăn khiên nhu cầu phân bón trong nước giảm...

Cũng theo đại diện Đạm Ninh Bình, việc sản xuất được duy trì ở mức phụ tải thấp, tồn kho cao, tiêu thụ khó khăn nên dự kiến lỗ sẽ tiếp tục tăng, đứng trước nguy cơ dừng sản xuất dài hạn do không cân đối được dòng tiền và ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của người lao động trong công ty.

Nhà máy Đạm Ninh Bình chưa biết bao giờ mới ngừng lỗ

PGS.TS Phạm Quý Thọ, Khoa Chính sách công, Học viện Chính sách và Phát triển, chỉ ra rằng, không chỉ dự án Đạm Ninh Bình, mà nhiều dự án kém hiệu quả khác như Nhà máy sợi Đình Vũ, dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên... đều có điểm chung, đó là đều do DNNN đầu tư, mục tiêu đặt ra ban đầu bao giờ cũng rất hay và đẹp đẽ và chúng đều nhận được không ít ưu đãi của Nhà nước. Tuy nhiên, sau khi dự án bắt đầu hay đi vào hoạt động, hàng loạt khó khăn phát sinh và chủ đầu tư phản ứng bằng cách kêu khó khăn, nếu không được giải cứu thì những công trình này sẽ trở thành sắt vụn, gây lãng phí, ảnh hưởng đến GDP của địa phương, không tạo ra công ăn việc làm, người lao động bị thất nghiệp...

"Tuy nhiên, kêu luôn là "bài" của các nhà làm chính sách địa phương, các chủ đầu tư mỗi khi làm ăn không hiệu quả. Đó là kiểu xin-cho núp dưới dạng kêu khó, kêu khổ.

Chẳng hạn, trong trường hợp của Đạm Ninh Bình, họ không thể chỉ đổ lỗi cho khách quan, mà đó còn do nhiều nguyên nhân chủ quan, từ việc quyết định đầu tư, lựa chọn công nghệ lạc hậu khiến chất lượng sản phẩm kém, giá thành cao, không cạnh tranh được với sản phẩm tương tự ở trong nước và nhập khẩu đến quản lý yếu kém...

Thế nhưng, thông thường, khi làm ăn không hiệu quả, người ta không dễ nhận yếu kém về mình mà bao giờ cũng đổ lỗi cho khách quan trước như yếu tố thị trường, cạnh tranh... Thế nhưng tại sao khi đầu tư họ không đặt ra vấn đề đó? Lẽ ra với tình trạng thua lỗ như thế, họ phải trình bày rõ phương án kinh doanh thế nào rồi mới kêu Nhà nước hỗ trợ", PGS Thọ nói.

Hơn nữa, theo vị chuyên gia về chính sách công, nếu giải cứu Đạm Ninh Bình, còn bao nhiêu dự án khác cũng rơi vào trường hợp tương tự thì sao, chẳng lẽ Nhà nước phải giải cứu cả dây chuyền? Nó sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, đặc biệt, nếu tiếp tục được ưu ái, họ sẽ tiếp tục lấn tới, được cái này lại đòi cái khác, khi ấy gánh nặng nợ công sẽ ngày càng lớn, nền kinh tế phải chịu thiệt hại.

Bởi thế, ông cho rằng, đã đến lúc Nhà nước không thể dễ dãi với kiểu đầu tư như vậy, phải thay đổi tư duy, quyết liệt trong việc làm chứ không chỉ trong lời nói. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo rõ, cơ chế hỗ trợ của Nhà nước phải thay đổi theo hướng chấm dứt cơ chế xin-cho, không bao cấp và hỗ trợ cho sự yếu kém.

Thay đổi tư duy, áp đặt lối chơi mới

Nhìn lại hàng loạt dự án của DNNN, trong đó phần nhiều là các dự án công nghiệp quan trọng (đạm, thép, sợi, lọc hóa dầu, xăng sinh học...), hễ thua lỗ là xin giải cứu, PGS.TS Phạm Quý Thọ nhận định, đây là hậu quả của việc đầu tư công kém hiệu quả của thời gian trước để lại, đến bây giờ mới bộc lộ hết. Chúng khiến cho gánh nặng nợ công của Việt Nam không ngừng tăng lên.

Phương án xử lý các dự án này như thế nào - khắc phục, cứu, cho phá sản hay bán, mời gọi đầu tư, M&A..., theo PGS Thọ, phải cân nhắc. Tuy nhiên, ông nhắc lại quan điểm của người đứng đầu Chính phủ: không giải cứu các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/dam-ninh-binh-lo-vuot-ke-hoach-xin-cuu-thuong-no-cong-3318820/