Đạm Ninh Bình lỗ ngàn tỷ: Nhân nhượng thầu Trung Quốc quá!

Việc Việt Nam tiến hành nghiệm thu và thanh toán gần hết chi phí xây dựng cho nhà thầu Trung Quốc khi dự án còn nhiều vấn đề là không phù hợp.

Nhà thầu Trung Quốc lách luật

Ban quản lý Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình - thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem, vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về những tồn tại của hợp đồng EPC với nhà thầu HQC.

Theo Ban quản lý, hợp đồng EPC với nhà thầu Hoàn Cầu (HQC, Trung Quốc) có hiệu lực từ 30/4/2008. Sau khi hoàn thành xây dựng, lắp đặt, chạy thử từng hạng mục trong nhà máy, kết quả chưa hoàn toàn đạt yêu cầu về thông số trên hợp đồng EPC song đến ngày 24/9/2012, HQC đã bàn giao quyền điều hành cho chủ đầu tư Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình.

Tháng 11/2013, khi công suất từng công đoạn lên 90% thiết kế và vận hành chạy máy dài ngày, nhà thầu HQC đã đề nghị chủ đầu tư cho phép được khảo nghiệm lần hai, kết quả là 5/46 thông số chưa đạt giá trị bảo đảm theo hợp đồng EPC.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) cho rằng cần phải xem xét lại thận trọng việc Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình tiếp nhận quyền điều hành khi dự án chưa hoàn thành 100% theo hợp đồng.

Theo PGS.TS Thịnh, về nguyên tắc, khi bàn giao các dự án đầu tư xây dựng người ta thường chia ra làm các bước cụ thể. Thứ nhất là bàn giao các hạng mục công trình đã hoàn thành. Thứ hai là bàn giao toàn bộ các dự án công trình hoàn thành.

Trong trường hợp nhà thầu Trung Quốc hoàn thiện 1 số hạng mục và tiến hành bàn giao thì phía Việt Nam sẽ phải kiểm tra. Nếu các công trình đảm bảo chất lượng theo yêu cầu về mặt kỹ thuật, xây dựng, lắp đặt của các dự án thì chúng ta nghiệm thu. Sau khi bàn giao dần dần từng phần như vậy thì cuối cùng phía Việt Nam sẽ nhận bàn giao tổng thể dự án đã hoàn thành.

“Việc dự án còn nhiều hạng mục chưa hoàn thành cũng như chưa đạt yêu cầu theo hợp đồng EPC mà phía nhà thầu HQC đã giao quyền điều hành cho Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình là chưa hợp lý, không phù hợp với các quy định của pháp luật. Còn phía Đạm Ninh Bình tiếp nhận bàn giao cũng không đúng", ông Thịnh nêu quan điểm,

Phân tích thêm, vị chuyên gia thẳng thắn cho rằng, khi dự án chưa hoàn thiện 100% mà phía Việt Nam đã tiếp nhận đồng nghĩa với việc đánh đổi rất mạo hiểm. Nếu khai thác thì hiệu quả cũng không cao, công suất cũng không đạt được mức quy định. Bằng chứng cụ thể nhất là nhà máy Đạm Ninh Bình sau hơn 4 năm đi vào hoạt động liên tục thua lỗ kéo dài. Tính đến thời điểm cuối năm 2016, tổng lỗ lũy kế đã lên tới hơn 3.300 tỷ đồng và vẫn có thể kéo dài trong thời gian tới.

"Bản thân nhà thầu Trung Quốc là người lắp đặt thiết bị máy móc chạy thử còn không được 100% công suất thì chúng ta nhận dự án làm gì? Liệu có lợi ích nhóm gì ở đây không? Tôi thấy rất lạ”, PGS.TS Thịnh nêu quan điểm.

Đạm Ninh Bình xin thêm ưu đãi: Sao bắt dân gánh lỗ?

Vì sao thanh toán gần hết?

Một vấn đề khác được vị chuyên gia nhắc đến, đó là việc dù còn hàng loạt vấn đề không thống nhất tại công trình này, song tính đến 20/12/2016, chủ đầu tư Đạm Ninh Bình là Vinachem đã thanh toán cho HQC 463 triệu USD, số tiền còn lại là 48,8 triệu USD.

PGS.TS Thịnh nhận định, khi tiến hành các hợp đồng EPC với phía nhà thầu Trung Quốc thì đều có các quy định rõ ràng về thời gian thanh toán, chi trả các hạng mục công trình. Nếu nhà thầu HQC đảm bảo đúng tiến độ trong hợp đồng thì dù chúng ta có hoạt động kinh doanh thua lỗ vẫn phải thanh toán theo đúng thời hạn.

Nhà máy đạm Ninh Bình

“Những dự án này có vốn đầu tư rất lớn nên tùy theo từng dự án mà có thể đầu tư theo phần việc hoặc đầu tư theo hạng mục. Khi đã nghiệm thu toàn bộ công trình thì phía Việt Nam phải thanh toán toàn bộ dự án. Tất nhiên chúng ta có giữ lại từ 10-15% gọi là chi phí đảm bảo chất lượng của dự án và những phần liên quan đến khâu bảo trì, bảo dưỡng trong thời gian đang còn bảo hành của dự án.

Ở đây, vấn đề thanh toán phải dựa trên khối lượng thực tế hoàn thành và chất lượng dự án. Như thông tin đã đưa, nhà thầu Trung Quốc chỉ hoàn thành khoảng 90% so với yêu cầu, chưa đảm bảo các thông số trong hợp đồng mà phía Việt Nam vẫn thanh toán thì phải xem xét.

Do dự án Đạm Ninh Bình có yếu tố nhà thầu quốc tế cho nên việc trả nợ và thanh toán cho các dự án này chúng ta cũng phải lưu tâm đến việc các dự án này phải được ký kết trong hiệp định giữa chính phủ của 2 quốc gia và theo tiến độ hoàn thành dự án đã được các bên thống nhất với nhau”, ông Thịnh lưu ý.

Một vấn đề khác được vị chuyên gia chỉ ra, đó là Việt Nam đang hoàn toàn bị động trước nhà thầu Trung Quốc. Không chỉ dự án nhà máy Đạm Ninh Bình mà thời gian qua nhiều công trình khác chúng ta đều gặp khó khăn trước nhà thầu Trung Quốc.

“Các dự án phía Trung Quốc làm chủ thầu thường giá ban đầu rất rẻ. Sau đó họ sẽ tìm cách kéo dài thời gian triển khai xây dựng để nâng dần giá trị của nó lên. Phía Trung Quốc thường đưa ra các nguyên nhân khác nhau như giá thành vật liệu, nhân công đắt lên từ đó kéo theo tình trạng đội vốn khó kiểm soát.

Về mặt chất lượng thì các nhà thầu Trung Quốc chất lượng cũng không cao, kỹ thuật cũng có giới hạn. Do công nghệ của Đạm Ninh Bình là của Trung Quốc nên không thể đảm bảo yếu tố về kỹ thuật như các quốc gia EU từ đó giá thành sản xuất sẽ bị đẩy lên cao, khó cạnh tranh được với các nước.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/dam-ninh-binh-lo-ngan-ty-nhan-nhuong-thau-trung-quoc-qua-3326754/