Đầm Môn - Chuyện xưa kể lại

1. Nhìn trên bản đồ, bán đảo Hòn Gốm như một ống tay áo vươn ra biển, dài khoảng 30 cây số, bắt đầu từ đèo Cổ Mã. Đứng trên Quốc lộ 1, dễ dàng nhìn thấy đồi cát trắng xóa chạy dài, chở trên lưng là những rừng phi lao, dương liễu lúp xúp, rập rờn ra tận ngoài biển. Ngày xưa còn có tên gọi là Truông Tràm bởi một rừng tràm dày đặc trên cồn cát làm nhiệm vụ chắn gió. Trên bán đảo có 2 thôn, Tuần Lễ thuộc xã Vạn Thọ, tiếp giáp với Quốc lộ 1 và Đầm Môn thuộc xã đảo Vạn Thạnh, gần như bị cô lập với đất liền bởi các cồn cát lớn liên tiếp chạy dọc theo bờ biển.

Con đường từ đèo Cổ Mã vào Đầm Môn.

Từ Đầm Môn qua Tuần Lễ phải băng qua cồn cát dài hơn 10 cây số, đi bộ mỏi rã đôi chân, cát nóng bỏng, chập chùng trắng lóa; trước mặt, xung quanh một màu trắng chói chang, bốn bề gió thổi cát bay, ít ai đi bộ qua cồn cát này. Từ Tuần Lễ, người ta đi đường bộ theo Quốc lộ 1 hơn 10 cây số đến khu thị tứ của huyện Vạn Ninh, rồi từ đó xuống bến đò Vạn Giã đi ghe mất 2 giờ qua Đầm Môn.

Những ngôi nhà chìm trong cát ở thôn Tuần Lễ. (Ảnh chụp năm 2001)

Tuần Lễ phía đàng tây, một dải đất hẹp, sau lưng là cát, trước mặt là biển. Ông già bà cả kể chuyện rằng, ngày xưa những con rùa lần hồi bò chậm chạp trên cát tìm nơi sinh sống, cuộc di dân từ đầu thôn đến cuối thôn vừa đúng một tuần. Người ta đặt tên làng Tuần Lễ do sự tích những con rùa này. Từ tháng 9 đến tháng Giêng là mùa tố, gió thường xuyên mạnh cấp 4, cấp 5 đã tạo nên những ụ cát liên tiếp nhau kiểu bát úp và gây ra dịch chuyển của các ụ cát này. Cát di động mạnh có nơi xâm lấn dần các khu dân cư và đất sản xuất. Có người trong đời phải dời nhà ra mé biển đến 5 - 7 lần, cát lấp đến đâu, múc không nổi thì dời nhà đến nơi khác. Mùa tố thì cát bay, cát nhảy, mùa nồm thì không một ngọn gió, hanh và oi bức. Trong khi đó, Đầm Môn nằm khuất sâu trong vịnh, kín đáo, khí hậu dễ chịu, ấm áp quanh năm, bãi biển cát mịn, núi đồi hùng vỹ bao quanh.

Đường vào thôn Đầm Môn.

Phần lớn dân Đầm Môn là dân chài lưới từ Phú Yên, Bình Định vào, thấy yên lành định cư lại làm nghề, giọng nói có phần hơi lai Phú Yên. Đầm Môn hạ là nơi phồn thịnh nhất, khu vực đất bằng phẳng, có đường bê tông trên cát chạy dài một đoạn quanh khu vực chợ đến trạm y tế, trường học, bưu điện, UBND xã… Người ta gọi Đầm Môn thượng bởi ở đây có một con dốc cao leo lên đồi cát mênh mông. Cát ở đây được bồi từ vùng biển Hòn Gầm. Mùa tố, gió thổi săn, mỗi đợt sóng từ Hòn Gầm ầm vô là cát hốt theo bồi lần đưa dốc cát lên càng cao, đến mùa nồm, gió ngược lại, tuy nhiên cát từ bên trong đưa ra không đáng kể. Cuộc sống ở Đầm Môn thượng gần như yên bình tuyệt đối, chỉ rộn lên mỗi khi có tàu vào lấy cát tại cầu cảng của Minexco. Nhà nhà quay mặt ra biển, những chiếc tàu đánh cá lớn, nhỏ là vật sở hữu thể hiện điều kiện kinh tế của chủ nhân.

Cảng cá nhộn nhịp.

Người quen sống ở đất liền, đến Đầm Môn thấy cái gì cũng hay, cũng lạ. Bờ biển hình vòng cung. Ở đây chỉ có cát và cát, buổi chiều gió mát, nhà nhà kéo nhau ra đường ngồi tán gẫu, khách lạ đến hỏi chuyện, chủ trong rào, khách ngoài rào cứ thế ngồi bệt trên cát hàn huyên. Người ta còn nằm dài trên cát nói chuyện, có người mang cả võng được mắc trên giá là những cây gỗ tròn đóng lại, nằm đung đưa, vừa thiu thiu, vừa chuyện trò. Vài quán bán nước ngọt, chè, bánh, kẹo; thỉnh thoảng cũng nghe tiếng nhạc xập xình từ đâu đó vọng ra. Buổi sáng, nhà nhà ra đường, ra sân mang theo cái giừng (giống như cái sàng gạo, nhưng lỗ nhỏ hơn), chỗ nào có rác, xúc vào rồi giừng cát, rác đọng lại bên trên giừng được gom lại, đổ đi, cả xóm cùng làm, cứ ngỡ như cả làng đang được mùa thóc.

Đầm Môn thượng chưa có đường bê tông nên chỉ có đi bộ trên cát. Ở đây chẳng thấy ai mang dép, cát trắng phau, sạch sẽ, có thể đi chân đất cả ngày. Người ta còn nằm dài ngoài đường, trên cát nói chuyện đấy thôi!

2. Con đường mới dài 18,5 cây số bắt đầu từ dưới chân đèo Cổ Mã, thi công năm 2002, lấy đất thịt ở 2 vùng Cổ Mã và Đầm Môn để làm nền chạy thẳng đến ngã ba dốc Cô Đơn rồi nhập vào con đường đất đã có sẵn, băng qua vùng cát bay cát nhảy, qua khu rừng ngập mặn ở Tuần Lễ, xẻ cồn cát làm đôi chạy đến Đầm Môn.

Con đường hình thành, thông xe qua lại 2 làng Tuần Lễ và Đầm Môn, xã đảo cuối cùng của Khánh Hòa có đường ô tô về tận nơi. Khỏi phải nói sự sung sướng như thế nào của người dân nơi đây. Có người cả đời chưa hề biết ngồi trên chiếc xe đạp, xe máy để tự mình chạy. Thế là, cả làng Đầm Môn, già trẻ, lớn, bé thi nhau tập xe đạp. Nhà nhà mua xe đạp, xe máy. Người có đầu óc tính toán làm ăn thì mở cửa hàng xe đạp, hay bán phụ tùng xe máy. Con đường mới như một luồng gió xoáy thổi tốc lên, cuốn sinh hoạt của người dân rộn ràng theo nhịp sống của đất liền.

3. Thật không thể nhận ra Đầm Môn ngày nào khi chúng tôi có dịp đến đây vào một ngày tháng 9. Con đường xẻ cát dẫn vào Đầm Môn vẫn đẹp, đồi cát một bên, biển xanh một bên. Biển vắng đẹp đến nao lòng.

Tuy nhiên, càng gần đến Đầm Môn, bức tranh nhộn nhịp có phần hối hả của cuộc sống nơi đây khiến tôi hơi bị hẫng. Lối xuống cảng cá, xe đông lạnh lấy hàng, cảnh mua bán nhộn nhịp trên bến dưới thuyền. Dừng lại chụp tấm hình kỷ niệm nơi bến cá cũng thấy khó khăn vì chung quanh ken người, hàng hóa và xe.

Một vòng trong làng, những con đường bê tông ngang dọc, hàng quán... Tôi ghé lại một hàng nước, nói câu chuyện vẩn vơ với chị bán hàng. Chị bảo: “Cô không tìm ra Đầm Môn ngày xưa đâu, cái thời gần cô lập với đất liền. Cuộc sống giờ đây khá lên rất nhiều tất nhiên cũng bận rộn hơn. Chắc ít ai còn nhớ thời quét sân bằng cái giừng cát”.

Chúng tôi quay ra, rùng rùng những xe ủi đang thi công những con đường mới, mở rộng Đầm Môn. Hơn 20 năm qua rồi, tôi chép lại câu chuyện Đầm Môn như để giữ lại một vùng ký ức không xa, nên thơ, nhẹ nhàng và thật êm đềm như cổ tích của Đầm Môn ngày ấy.

ĐÀO THỊ THANH TUYỀN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/nhung-vung-ky-uc/202311/dam-mon-chuyen-xua-ke-lai-cb33adf/