Đắm đuối với hoa đào

'Đối với tôi, hoa đào là tình yêu, sự đắm đuối đang dần lớn lên theo sự mai một của làng đào đất Tây Hồ, khiến tôi càng muốn níu kéo, giữ lại qua những nét vẽ…' - đó là những chia sẻ của họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa nhân dịp đầu Xuân mới Giáp Thìn.

Hoa đào - loài hoa đặc trưng cho mùa Xuân miền Bắc đã được họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa khai thác bằng nhiều sắc thái.

Họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa sinh năm 1973 tại Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội. Anh tốt nghiệp Khoa Điêu khắc, Đại học Mỹ thuật Việt Nam nhưng lại tự nghiên cứu hội họa và bắt đầu sáng tác năm 2008. Sinh ra và lớn lên ở làng đào, vẻ đẹp loài hoa mang lại sức Xuân trong mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc luôn là cảm hứng cho anh sáng tác hội họa. “Hơn nữa, cái lạnh là nét thú vị của Tết miền Bắc, do vậy tôi chỉ muốn đưa thêm chút ấm áp qua màu sắc của hoa đào vào tác phẩm, tạo không khí Xuân tươi vui, ấm cúng hơn. Càng vẽ càng say, tôi cảm thấy mình có cái duyên với loài hoa này” – Nguyễn Hữu Khoa tâm sự.

Dù là loài hoa đặc trưng trong ngày Tết của người Bắc nhưng lại có rất ít họa sĩ vẽ về hoa đào. Bản thân họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa cũng phải mất nhiều năm tìm tòi, thể nghiệm mới thực sự bắt được hồn của hoa đào. Anh chia sẻ, cái khó đầu tiên là màu sắc, mặc dù đã thử rất nhiều hãng sơn dầu nhưng vẫn không ra được sắc tươi thắm đặc trưng của hoa đào. Rồi tổng thể các bức tranh phải tạo sự khác biệt, mặc dù vẽ nhiều nhưng không được lặp lại về bút pháp, bố cục... Bởi hoa đào có rất nhiều loại, như đào bích, đào phai, đào thất thốn...

Họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa chia sẻ, hoa đào, thoạt nhìn tưởng rất dễ vẽ nhưng đó chỉ là bề nổi, còn tạo được hồn cốt, cấu trúc hoa mới là chi tiết mà ít người sáng tác để ý đến. Một bức tranh hoa đào đẹp không khó, nhưng để vẽ hàng trăm bức cùng đề tài mà người xem luôn thấy mới, không nhàm chán, đấy mới là cái trăn trở của người cầm cọ.

Thách thức với người họa sĩ là hoa đào có cấu trúc rất phức tạp, như cách sắp xếp cành tay, mắt đào to nhỏ, nụ trắng, nụ hồng. Mỗi cây đào có hàng trăm, hàng ngàn bông hoa, nếu nhìn thoáng qua sẽ tưởng chúng giống nhau nhưng khi nhìn kỹ, mỗi bông hoa có một dáng vẻ, sắc thái, đặc điểm khác nhau, cũng như có hàng tỷ người trên trái đất, mỗi người đều có khuôn mặt khác nhau. “Phải hiểu rõ, hiểu cấu trúc của nó thì vẽ mới sinh động, ra sắc thái. Có những bức vẽ được vài ba năm rồi, tôi lại mang ra sửa cho hoàn thiện hơn. May mắn nhất là thấy mình vẫn tìm được cái hay hơn, đó là sự thành công riêng của bản thân” – anh Nguyễn Hữu Khoa chia sẻ.

Hoa đào trong tranh của họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa mang đặc trưng của đào đất Bắc với những nụ mập mạp, bông thắm, lộc biếc. Những tranh vẽ từ người hiểu đào Nhật Tân, Phú Thượng khác hẳn các bức vẽ cành đào phai, đào thế thường bày bán trên các phố tranh chép.

Điều đáng mừng, sau khi xem những bức tranh hoa đào của họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa, nhiều người thân, bạn bè và cả những người dân trồng đào cảm nhận được sự gần gũi, tinh tế của mỗi tác phẩm.

Tính đến nay, họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa đã vẽ được hơn 400 bức tranh hoa đào với nhiều sắc thái khác nhau. Càng yêu, càng gắn kết với hoa đào, họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa càng trăn trở về sự tồn tại của làng đào. Trước nhịp điệu đô thị hóa, nhiều người lo rằng, chỉ vài năm nữa, làng nghề trồng đào truyền thống như Nhật Tân, Phú Thượng sẽ dần mai một rồi biến mất. Điều đau xót không phải là diện tích đất trồng đào bị mất mà mất mát lớn về kinh nghiệm nghề trồng đào tích lũy qua nhiều thế hệ.

Cứ đến dịp cận Tết, họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa thường đi loanh quanh khắp làng để chụp ảnh, lưu lại những gốc đào cổ đẹp, cũng là tìm nguồn cảm hứng mới để sáng tác. Anh chia sẻ, sẽ tiếp tục hành trình cầm cọ vẽ hoa đào cho đến khi nào vẫn còn cảm xúc, làm sao để tranh hoa đào mỗi năm đều có sự khác biệt và mang lại cảm xúc rạo rực mùa Xuân cho người xem.

Họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa từng được biết đến trên báo chí với các bút danh Còm, Khoái, NHK… được nhiều người nhớ tới với loạt tranh vẽ ký họa các văn nghệ sĩ và người nổi tiếng. Bên cạnh đó anh còn là họa sĩ thiết kế bìa sách có “gu” riêng.

Thanh Tuấn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dam-duoi-voi-hoa-dao.html