Đậm đà hương vị rượu nếp than truyền thống

Vị ngọt thanh, màu nâu đậm đẹp mắt, dễ uống,... là những nhận xét của người dùng khi nói về rượu nếp than Miền Tây Kỳ Hà của vợ chồng ông Nguyễn Hữu Kỳ và bà Nguyễn Thị Thu Hà (xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An).

Nếp than sau khi hấp chín sẽ được trộn với men truyền thống và ủ từ 7-10 ngày

Trong một ngày cuối tháng 9, chúng tôi có dịp về xã Bình Thạnh và được nghe giới thiệu sản phẩm rượu nếp than Miền Tây Kỳ Hà vừa được UBND huyện Thủ Thừa công nhận đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao, góp phần giúp địa phương hoàn thành tiêu chí về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa - Võ Thanh Quân chia sẻ: “Rượu nếp than này có vị ngọt, dễ uống. Rượu để càng lâu lên men càng nhiều, uống càng ngon. Ban đầu, nhiều người thấy dễ uống, nồng độ thấp nên uống nhiều, vậy mà say lúc nào không hay”.

Để tìm hiểu kỹ về sản phẩm rượu nếp than Miền Tây Kỳ Hà, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Hữu Kỳ và bà Nguyễn Thị Thu Hà. Vừa đến cổng, đã ngửi được mùi thơm của cơm rượu. Hỏi về nghề nấu rượu nếp than, ông Kỳ vui vẻ nói: “Tất cả công đoạn nấu rượu nếp than đều làm thủ công. Nghề nấu rượu cực, lợi nhuận không nhiều, chủ yếu lấy công làm lời. Dù vậy, vợ chồng tôi chưa bao giờ muốn bỏ nghề, bởi đây là nghề truyền thống của gia đình gần 30 năm”.

Theo ông Kỳ, nguyên liệu chính để nấu rượu nếp than chủ yếu là nước và gạo nếp than. Song, không phải loại gạo nếp than nào cũng nấu rượu đạt chất lượng mà phải chọn loại nếp hạng nhất, không được lẫn với bất cứ loại gạo nào khác, giá mua 30.000 đồng/kg.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà (vợ ông Kỳ) bộc bạch: “Nấu rượu nếp than trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi người nấu phải có kinh nghiệm mới làm ra được rượu ngon, đạt chất lượng. Nếp than sau khi mua về vo thật sạch, để ráo nước và đem hấp thật chín. Sau đó, cơm để nguội trộn với men và ủ từ 7-10 ngày, tùy vào thời tiết. Đây là công đoạn khó nhất bởi người nấu canh thời tiết nắng nóng thì ủ khoảng 7 ngày, còn thời tiết nắng mưa bất thường phải dùng kinh nghiệm xem cơm đã lên men thì mới tiến hành các công đoạn tiếp theo”.

Theo nhiều người đánh giá, điểm khác biệt giữa rượu nếp than của gia đình ông Kỳ so với rượu nếp than nơi khác chính là việc giữ được tinh bột làm cho rượu đậm đà và màu sắc đẹp. Ông Kỳ cho biết: “Sau khi ủ lên men, chúng tôi bắt đầu đem xay nhuyễn và dùng khăn vắt lấy nước, trong nước có lẫn rất nhiều tinh bột. Công đoạn cuối là nấu sôi lên, để nguội và đóng chai. Nấu bằng cách này, tinh bột cùng với men tiếp tục được lên men nên rượu để càng lâu uống càng ngon”.

Rượu để càng lâu lên men càng nhiều, uống càng ngon

Công đoạn vắt lấy nước làm thủ công nên đòi hỏi người có sức khỏe mới làm được, bởi nếu không vắt hết nước thì rượu không đạt sản lượng và chất lượng. Trung bình, hàng tháng, vợ chồng ông Kỳ cung cấp cho thị trường trên 100 lít rượu nếp than, bán giá 50.000 đồng/lít. Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong huyện, người quen và bạn bè. Nhằm quảng bá sản phẩm rượu truyền thống của gia đình, ông Kỳ mạnh dạn làm các thủ tục để sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP.

Tin rằng, với sự nỗ lực và tâm huyết, sản phẩm rượu nếp than Miền Tây Kỳ Hà của vợ chồng ông Kỳ, bà Hà sẽ được nhiều người biết đến, góp phần nâng tầm sản phẩm truyền thống ở địa phương./.

Kim Ngọc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dam-da-huong-vi-ruou-nep-than-truyen-thong-a163511.html