Đảm bảo tương lai nghề cá Thái Bình Dương

Ngành đánh bắt cá ngừ ở Thái Bình Dương trị giá 6 tỷ USD, là nguồn lực kinh tế quan trọng đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ của khu vực này. Khoảng một nửa nguồn cung cá ngừ của thế giới được đánh bắt ở phía Tây và Trung tâm Thái Bình Dương. Đảo san hô Majuro, nơi tọa lạc thủ đô của quần đảo Marshall, là cảng trung chuyển cá ngừ nhộn nhịp nhất thế giới.

Cá ngừ được gắn thẻ điện tử để theo dõi trong thời gian thực. Ảnh: Euronews

Linh hoạt chuyển đổi

Theo cơ quan phát triển bền vững của khu vực, ngành công nghiệp cá ngừ đã tạo ra 25.000 việc làm trên toàn khu vực thuộc Cộng đồng Thái Bình Dương (SPC). Ông Glen Joseph, Giám đốc Cơ quan Tài nguyên biển quần đảo Marshall, cho biết Liên bang Micronesia, Kiribati, quần đảo Marshall, Nauru, Palau, Papua New Guinea, quần đảo Solomon, Tuvalu và Tokelau đã ký Thỏa thuận Nauru (PNA) vào năm 1982 để quản lý nghề cá.

Ngoài ra, quần đảo Marshall và 8 quốc gia láng giềng đã tập hợp các nguồn lực và thống nhất về các chiến lược chung nhằm ngăn chặn việc đánh bắt quá mức thông qua Ủy ban Thủy sản Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC). Theo đó, nghề cá ở phía Tây và Trung tâm Thái Bình Dương bao phủ 1/5 bề mặt Trái đất và phải tuân theo các quy tắc kiểm soát thu hoạch để đảm bảo trữ lượng được duy trì bền vững.

Theo ông Stephen Domenden, cán bộ của Cơ quan Tài nguyên Hàng hải quần đảo Marshall (MIMRA), tất cả tàu lưới vây đều được bảo hiểm 100%. “Chúng tôi phân công mỗi tàu một người quan sát. Vì vậy, trong quá trình chuyển tải, họ có thể theo dõi hoạt động của tàu và cũng có thể xác minh trọng tải trên tàu”, ông Stephen Domenden nói thêm. Một trung tâm giám sát ở Majuro cũng theo dõi từng tàu và có quyền truy cập vào hồ sơ đánh bắt được số hóa, ngay cả trước khi quá trình chuyển tải bắt đầu.

Tuy nhiên, việc trung chuyển dần mang lại ít giá trị, đó là lý do quần đảo Marshall đầu tư vào các dự án kinh doanh mới. Quần đảo này nằm trong dự án FISH4ACP, do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc điều phối với sự tài trợ của Liên minh châu Âu và Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Liên bang Đức.

Chương trình kéo dài 5 năm, cải thiện từng bước của chuỗi giá trị cá ngừ, như giúp xây dựng các cơ sở bảo quản lạnh mới để mở rộng chế biến cá ngừ. Mục tiêu của ngành này là đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết để thâm nhập thị trường châu Âu, bù đắp cho sự bất ổn của giá cá tại khu vực xuất xứ. Hiện giấy phép đánh cá chiếm một nửa doanh thu của quần đảo Marshall. Nước láng giềng Kiribati tạo ra 70% doanh thu từ giấy phép đánh cá và Tokelau là 80%.

Gắn thẻ cá ngừ

Báo cáo đặc biệt của Liên hợp quốc về tác động của biến đổi khí hậu đối với đại dương cảnh báo cá ngừ vằn và cá ngừ vây vàng đang phân bố lại về phía Đông, cách xa các khu vực đánh bắt truyền thống, ảnh hưởng tới doanh thu cho các quốc đảo Thái Bình Dương. Các ước tính cho thấy tổn thất hàng năm là 60 triệu USD phí đánh bắt cá và doanh thu của chính phủ giảm tới 15% mỗi năm vào năm 2050 tại 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đảo Thái Bình Dương (PICT).

Để quản lý nguồn tài nguyên cá ngừ của mình, SPC thực hiện chương trình gắn thẻ cá ngừ. Việc gắn thẻ là rất quan trọng, cho thấy mức độ ảnh hưởng của nhu cầu đánh bắt cá và biến đổi khí hậu ảnh hưởng đối với sức khỏe nghề cá. Kể từ năm 2006, SPC đã gắn thẻ gần 500.000 con cá ngừ, tạo ra bộ dữ liệu toàn diện nhất về quản lý cá ngừ trên thế giới. Bà Pamela Maru, Thư ký Bộ Tài nguyên biển của quần đảo Cook, cho biết: “Việc tiếp tục đầu tư và thực hiện chương trình gắn thẻ cá ngừ rất quan trọng, để sau đó chúng tôi có thể học cách tiếp cận các chiến lược quản lý nghề cá của mình”.

Gắn thẻ thông thường bao gồm việc gắn một thẻ nhựa mỏng có một mã duy nhất và hướng dẫn cho bất kỳ ai bắt được cá trả lại thẻ để nhận một phần thưởng nhỏ. Thẻ này ghi lại kích thước và vị trí của cá tại thời điểm gắn thẻ và vị trí của nó khi bị bắt lại. Mỗi tháng, có hàng ngàn thẻ được trả về từ các nhà máy chế biến cá ngừ trên khắp thế giới. Còn thẻ điện tử theo dõi và ghi lại chuyển động của cá cũng như nhiệt độ nước xung quanh, tạo ra bộ dữ liệu phong phú cho các nhà nghiên cứu, tăng cường khả năng tiếp cận các đàn cá ngừ vây vàng bằng cách cung cấp các vị trí thời gian thực hàng ngày của các thiết bị.

Ông William Gibbons, Giám đốc Hiệp hội Thuyền cá ngừ Mỹ, thành viên điều hành 24 tàu đánh bắt cá ngừ lớn ở Thái Bình Dương, cho biết: “Chúng tôi có thể chia sẻ thông tin trong thời gian thực với chuyến đi gắn thẻ”. Kiểu hợp tác này truyền cảm hứng cho các sáng kiến tương tự ở nơi khác, ví dụ Công ty vệ tinh Tây Ban Nha Satlink đã hợp tác với Chính phủ Kiribati để hỗ trợ quản lý nghề cá bền vững.

VIỆT ANH tổng hợp

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dam-bao-tuong-lai-nghe-ca-thai-binh-duong-post730184.html