ĐẢM BẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) ĐƯỢC THỰC THI ĐỒNG BỘ KHI CÓ HIỆU LỰC THI HÀNH

Dự án luật Đất đai (sửa đổi) đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 23, dự kiến sẽ tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Tại phiên họp, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm giải quyết chồng chéo, mâu thuẫn với các luật liên quan đến quản lý đất đai, đảm bảo luật được thực thi đồng bộ khi có hiệu lực thi hành.

Giải quyết chồng chéo, mâu thuẫn với các luật liên quan đến quản lý đất đai

Tại Phiên họp thứ 23, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15, tại Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân được thực hiện từ ngày 03/01/2023 đến ngày 15/3/2023. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đăng tải nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các tài liệu liên quan trên website lấy ý kiến Nhân dân (luatdatdai.monre.gov.vn). 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân. Nhiều bộ, ngành mặc dù Nghị quyết số 170/NQ-CP không yêu cầu nhưng cũng đã ban hành Kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân để triển khai trong bộ, ngành mình.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, chuyên sâu, bảo đảm thực chất và hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đến tận cơ sở xã, phường, thị trấn, khu dân cư, tổ dân phố, huy động được hầu hết các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các giai tầng trong xã hội tham gia, thu hút được sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp Nhân dân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thực sự trở thành cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng, sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng. Các ý kiến tham gia của Nhân dân đều thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm.

Tiếp thu ý kiến của nhân dân, nhà khoa học, các chuyên gia, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo phối hợp các cơ quan có liên quan hoàn thiện Báo cáo Tổng hợp ý kiến của Nhân dân, Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến Nhân dân, Báo cáo Đánh giá tác động bổ sung đối với những nội dung mới và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, về áp dụng pháp luật, đa số ý kiến đồng ý với quy định về áp dụng pháp luật như trong Dự thảo Luật, đồng thời đề nghị quy định Luật Đất đai là luật gốc, các luật liên quan đến đất đai phải thống nhất với Luật Đất đai. Có ý kiến đề nghị bổ sung việc áp dụng một số trường hợp đặc thù của pháp luật chuyên ngành. Có ý kiến đề nghị không quy định nội dung này mà áp dụng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý một số nội dung tại Điều này cho phù hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Về việc đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, hiện tại có 02 loại ý kiến. Một số ý kiến nhất trí với kiến nghị tại Tờ trình số 136/TTr-CP, đối với nội dung quy định tại các Luật đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đề nghị rà soát, bảo đảm sự thống nhất giữa quy định tại các dự án Luật này với quy định tại dự án Luật Đất đai (sửa đổi) khi ban hành. Đối với các Luật chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đề nghị xây dựng dự án Luật Sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến Luật Đất đai, tương tự như Luật sửa đổi, bổ sung quy định tại các luật có liên quan đến quy hoạch. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị xác định rõ tại dự thảo Luật danh mục văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành trái với quy định của Luật Đất đai sau khi có hiệu lực thi hành để sửa đổi, bổ sung trước khi văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực.

Bên cạnh đó, một số đại biểu đề xuất phương án thứ hai: đề nghị rà soát các luật có liên quan, trường hợp có mâu thuẫn, xung đột đề nghị có phương án sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ để quy định cụ thể tại Điều 246 dự thảo Luật, bảo đảm phù hợp với Luật Đất đai sau khi có hiệu lực thi hành.

Đảm bảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thực thi đồng bộ khi có hiệu lực thi hành

Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, khác với việc sửa đổi các luật, pháp lệnh để phù hợp với Luật Quy hoạch có đối tượng điều chỉnh là các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia được quy định tại Luật Quy hoạch, đồng thời xác định các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành theo quy định tại pháp luật chuyên ngành để triển khai các nội dung của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; Luật Đất đai và các luật có liên quan điều chỉnh về các quan hệ pháp luật giữa các chủ thể dưới góc độ quản lý chuyên ngành khác nhau, liên hệ mật thiết với nhau, đối tượng điều chỉnh của các Luật không có quan hệ giữa “tổng thể” và “bộ phận” mà là cùng một hoạt động của tổ chức, cá nhân có sử dụng đất cùng phải chịu sự điều chỉnh bởi Luật Đất đai và các luật khác có liên quan tùy thuộc tính chất của hoạt động đó, nhưng phải “khớp” với nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, việc sửa đổi Luật Đất đai và các luật khác có liên quan phải mang tính đồng bộ, tránh để tình trạng ách tắc, hoạt động của tổ chức, cá nhân bị đình trệ vì phải “chờ” quy định tại các luật khác được sửa đổi. Cũng với tinh thần đó, Quốc hội đã quyết định đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022-2023 các dự án luật có liên hệ mật thiết với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) như dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) theo tiến độ phù hợp; các cơ quan của Quốc hội đang thẩm tra, xem xét, cho ý kiến đồng thời các dự án luật để bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật. Cách tiếp cận theo hướng này cũng sẽ bảo đảm tính căn cơ, ổn định, lâu dài đối với hệ thống pháp luật; phân định rõ ràng, rành mạch phạm vi và đối tượng điều chỉnh của từng dự án luật có liên quan đến Luật Đất đai. Trên cơ sở đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với loại ý kiến thứ 2 và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự án luật Đất đai (sửa đổi) có liên quan đến hơn 100 dự án luật khác nhau, trong đó, có các dự án luật mà Quốc hội đang sửa như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, v.v. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra cần phải rà soát để đảm bảo tương thích những điều khoản dự thảo trong này với những luật mà chúng ta đang trình Quốc hội cũng thảo luận trong kì họp này, để đảm bảo các bên phải tương thích, đồng bộ, thống nhất với nhau, không chồng chéo, mâu thuẫn. Đối với các luật có liên quan với luật Đất đai còn lại chưa được sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần có sự điều chỉnh, sửa đổi phù hợp để đảm bảo tính khả thi của luật khi được ban hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Cùng quan tâm đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, cần áp dụng hợp lý và linh hoạt cả hai phương án sửa đổi đã nêu. Theo đó, với những vấn đề sửa được ngay trong Luật Đất đai, cụ thể là đối với những luật có một vài điều, một vài điểm hoặc thay đổi tên cơ quan, thay đổi một vài từ ngữ thì sửa luôn trong Luật Đất đai. Đối với những nội dung có liên quan đến nhiều luật, thì phải dùng một luật sửa nhiều luật. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần khẩn trương xây dựng kế hoạch trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung vào chương trình, để có thể thông qua đồng thời với Luật Đất đai vào Kỳ họp thứ 6, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=75743