Đảm bảo an toàn cho học sinh

Thời gian qua, trên cả nước liên tiếp xảy ra các sự việc học sinh (HS) bị tai nạn, thương tích do cháy nổ, cây đổ, sập tường rào, cổng trường, ngộ độc thực phẩm… Điều đó dấy lên mối lo ngại về nguy cơ mất an toàn trường học nếu không có các giải pháp chủ động phòng tránh.

Tuyên truyền phòng tránh các nguy cơ

Buổi tuyên truyền về phòng, chống đuối nước, tai nạn, thương tích cho HS Trường Tiểu học Cam Nghĩa 1 (TP. Cam Ranh) mới đây được mở đầu bằng tiểu phẩm “Bài học nhớ đời” do các HS lớp 5 biểu diễn. Từ câu chuyện nhóm bạn nhỏ đi chăn bò ngoài đồng, rủ nhau xuống ao tắm, bị đuối nước và được người dân cứu kịp thời, các HS đã truyền tải thông điệp về việc nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng tránh những nguy hiểm có thể xảy ra. HS cũng tham gia giao lưu trả lời câu hỏi trắc nghiệm và được nhân viên y tế thông tin về một số vụ tai nạn đuối nước, vấn đề xâm hại trẻ em xảy ra ở một số tỉnh trong thời gian qua. Từ đó, các em trang bị cho mình kỹ năng xử lý tình huống an toàn, phòng tránh tai nạn. Cô Bùi Thị Xuân Linh - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cam Nghĩa 1 cho biết, việc tuyên truyền về đảm bảo an toàn cho HS, phòng tránh tai nạn, thương tích là nội dung được lồng ghép trong môn Giáo dục kỹ năng sống và các môn học khác, đồng thời được thực hiện thông qua các giờ chào cờ đầu tuần, giờ sinh hoạt lớp cuối tuần, các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm… Từ đầu năm học đến nay, nhà trường còn tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; tập huấn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy… cho giáo viên và HS toàn trường.

Học sinh Trường Tiểu học Cam Nghĩa 1 thực hành kỹ năng sử dụng bình chữa cháy.

Trường Tiểu học Tân Lập 1 (TP. Nha Trang) cũng vừa tổ chức các buổi tuyên truyền cho HS về kỹ năng tự vệ, phòng vệ bản thân; phòng, chống cháy, nổ và thoát nạn khi có hỏa hoạn; truyền thông môi trường không khói thuốc; phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng tránh bị xâm hại. Đồng thời, tổ chức cắt tỉa cây xanh trước mùa mưa bão; triển khai các giải pháp duy trì an toàn giao thông trước cổng trường như: Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, chia khung giờ ra về cho các khối lớp; cử bảo vệ, giáo viên trực tuần hướng dẫn phụ huynh dừng, đỗ xe đúng quy định…

Hoạt cảnh tuyên truyền về phòng, chống tai nạn đuối nước tại Trường Tiểu học Cam Nghĩa 1.

Ông Nguyễn Đức Sơn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích là công việc trọng tâm, thường xuyên của mỗi nhà trường, được ưu tiên triển khai và là một trong các tiêu chí để đánh giá, công nhận nhà trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục, đạt chuẩn quốc gia. Hàng năm, sở đều chỉ đạo các trường quan tâm công tác này, trong đó có việc tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao ý thức cảnh giác cho HS trước các nguy cơ mất an toàn tiềm ẩn; các thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo sử dụng các sản phẩm độc hại, chất gây nghiện; trang bị cho các em kỹ năng tự bảo vệ mình... Dù vậy, thời gian qua, ở một số trường vẫn còn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông trước và sau mỗi buổi học; bán hàng rong trước cổng trường; HS bị chấn thương do nô đùa, va chạm; các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn phòng cháy, chữa cháy…

Tăng cường đảm bảo an toàn

Mới đây, thực hiện công điện của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT đã có văn bản đề nghị các phòng GD-ĐT, đơn vị trực thuộc sở tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn trường học. Theo đó, các trường cần kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất, kiên quyết không sử dụng các công trình đã hết niên hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn và kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền lên kế hoạch cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây mới; có kế hoạch bảo đảm an toàn trường học trước thiên tai và khi có thiên tai xảy ra; trang bị cho HS kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng, tránh tai nạn thương tích; tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, các tệ nạn xã hội, tình trạng bạo lực học đường. Mặt khác, tăng cường kiểm tra, giám sát các điểm có nguy cơ mất an toàn cao như cháy nổ, ngập, sạt lở, đặc biệt là các khu nội trú, phòng thí nghiệm... Cùng với đó, tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học; chủ động phối hợp chặt chẽ với cha mẹ HS, cơ quan chức năng tại địa phương khuyến cáo HS không sử dụng và có biện pháp ngăn chặn thực phẩm đồ uống không có nhãn mác, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; phòng, chống tiền chất ma túy có trong thực phẩm, các sản phẩm thuốc lá mới, các chất kích thích, gây nghiện…

Ở một số nơi vẫn còn xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông trước cổng trường.

Bộ GD-ĐT cũng vừa ban hành Thông tư số 18 hướng dẫn xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên (có hiệu lực thi hành từ ngày 12-12). Ông Nguyễn Đức Sơn cho biết, tại thông tư này, Bộ GD-ĐT đã đưa ra các tiêu chí đánh giá trường học an toàn, yêu cầu các trường phải triển khai đánh giá hàng năm, có biện pháp khắc phục hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền khắc phục đối với các tiêu chí chưa đạt. Trên cơ sở đó, Sở GD-ĐT, các đơn vị trực thuộc sẽ xây dựng kế hoạch kiểm tra kết quả đánh giá xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích đối với các trường thuộc thẩm quyền quản lý.

H.NGÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/202312/dam-bao-an-toan-cho-hoc-sinh-0fd2e59/