Đắk Song định hình các vùng nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp của Đắk Song (Đắk Nông) ngày càng quy mô, chuyên nghiệp, hiệu quả. Trong đó, huyện đã định hình được các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC).

Người dân xã Thuận Hạnh (Đắk Nông) ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác hồ tiêu

Năm 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đắk Song đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/HU về phát triển nông nghiệp theo hướng bềnh vững giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến 2030.

UBND huyện cũng xây dựng các kế hoạch, chương trình thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng bền vững, tạo kết nối giữa vùng sản xuất và thị trường tiêu thụ.

Huyện đề ra phương hướng phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến ngành hàng nông nghiệp theo chuỗi liên kết; hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn...

Theo ông Võ Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC được địa phương lực chọn theo hướng hữu cơ, bền vững, tạo ra sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường. Từ đó, giúp nâng cao giá trị nông sản gắn với thị trường tiêu thụ.

Ngành Nông nghiệp huyện chú trọng hướng dẫn nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học, các loại phân bón, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học trong chăm sóc, bảo vệ cây trồng.

Huyện tích cực chuyển giao các quy trình kỹ thuật canh tác cho người dân, nhất là đối với sản xuất rau xanh, cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái... theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, hữu cơ…

Môi trường đất tại vườn tiêu được phục hồi nhờ canh tác hữu cơ

Đến nay, trên địa bàn huyện đã có nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư trang trại chăn nuôi CNC; trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất hồ tiêu hữu cơ; sản xuất cà phê UTZ, hữu cơ… mang lại giá trị kinh tế cao.

Ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Đắk Song cho biết, huyện đã có 2.332 ha hồ tiêu đạt chứng nhận các loại. Trong đó, có 178 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP; 352 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế; 767 ha đạt tiêu chuẩn Rain forrest; 725 ha đạt tiêu chuẩn Grown for good…

Trong thời gian qua, huyện cũng xây dựng chứng nhận VietGAP cho 35 ha rau xanh tại xã Nam Bình; chứng nhận hữu cơ Việt Nam cho 3 ha rau xanh tại xã Trường Xuân.

Đối với cây ăn trái, trên địa bàn có 40 ha sầu riêng tại xã Thuận Hạnh, 25 ha bơ tại Thuận Hà được cấp chứng nhận VietGAP. Huyện có hàng trăm tổ chức, trang trại sản xuất được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Canh tác cà phê theo hướng ứng dụng CNC, giúp ông Lê Thanh Mười, HTX Đoàn Kết, xã Nam Bình đạt hiệu quả cao

Đến năm 2022, Đắk Song đã có 2 vùng trồng hồ tiêu tại xã Thuận Hà, Thuận Hạnh được công nhận Vùng nông nghiệp ứng dụng CNC (đạt 16% kế hoạch), với tổng diện tích trên 1.549 ha.

Huyện đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận Vùng sản xuất cà phê CNC, với diện tích 300 ha. Một số vùng cây ăn trái, chăn nuôi; vùng sản xuất rau, củ quả… huyện hiện đang trong quá trình phấn đấu đạt chuẩn về quy trình kỹ thuật để trở thành Vùng sản xuất CNC.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song Võ Quốc Tuấn, việc ứng dụng thành công khoa học kỹ thuật, các công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng cũng như giá trị sản phẩm, đem lại hiệu quả cao cho người nông dân.

Huyện đang nỗ lực hướng đến sản xuất bền vững, với nòng cốt là các trang trại, HTX, doanh nghiệp đã thúc đẩy nông nghiệp Đắk song từng bước phát triển hiện đại, hiệu quả, bền vững.

Kim Ngân

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/dak-song-dinh-hinh-cac-vung-nong-nghiep-cong-nghe-cao-164320.html