Đắk Nông với những đột phá từ quy hoạch tỉnh

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31/12/2023. Đây được xem là bước đột phá, thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu, với các nhiệm vụ trọng tâm để nâng tầm, tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Tập trung đầu tư hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất bô xít-alumin-nhôm, sau nhôm; trở thành trung tâm công nghiệp nhôm của quốc gia.

Theo đó, quy hoạch được phê duyệt bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của tỉnh Đắk Nông trên quy mô 6.509,27km2.

Với quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển tỉnh đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên; hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ; là cửa ngõ quan trọng kết nối giao thương giữa vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ; trung tâm công nghiệp bô xít-alumin-nhôm của quốc gia, năng lượng tái tạo của vùng; phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị thị trường; phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đặc trưng và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, xã hội, môi trường, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Đến năm 2050, trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên; kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Phát triển bền vững, toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh; là trung tâm về công nghiệp nhôm và sau nhôm của quốc gia; nền nông nghiệp công nghệ cao, giá trị cao; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái của vùng. Trở thành “Tỉnh mạnh - Dân giàu - Thiên nhiên tươi đẹp - Xã hội nghĩa tình”.

Về phương hướng phát triển các ngành quan trọng và phương án tổ chức các hoạt động kinh tế-xã hội. Quy hoạch xác định các ngành, lĩnh vực quan trọng gồm: ngành công nghiệp; ngành nông, lâm nghiệp; ngành du lịch. Trong đó, phát triển ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất, chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 20%/năm. Tập trung đầu tư hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất bô xít-alumin-nhôm, sau nhôm; trở thành trung tâm công nghiệp nhôm của quốc gia. Đầu tư các dự án năng lượng tái tạo theo quy hoạch quốc gia, ưu tiên phát triển các nguồn điện tự sản, tự tiêu…

Tập trung đầu tư hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất bô xít-alumin-nhôm, sau nhôm; trở thành trung tâm công nghiệp nhôm của quốc gia.

Phát triển nông nghiệp quy mô lớn, giá trị cao, sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và an ninh nguồn nước; hình thành các vùng chuyên canh trồng trọt, chăn nuôi tập trung, gắn liền với công nghiệp bảo quản, chế biến ứng dụng công nghệ cao và liên kết chuỗi giá trị thị trường. Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với công nghiệp bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm. Phát triển nông thôn gắn với nâng cao chất lượng đời sống, thu nhập cho người nông dân…

Đưa Đắk Nông trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn liền với khai thác hiệu quả, phát huy các thế mạnh khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa bản địa và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Phát triển tập trung về khu vực Tà Đùng “Vịnh Hạ Long của Tây Nguyên” và hệ thống di sản, cảnh quan thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, liên kết theo hai tuyến quốc lộ tạo thành kết nối chuỗi du lịch từ vùng Đông Nam bộ-Đắk Nông-Tây Nguyên, từ vùng Duyên hải miền Trung-Lâm Đồng-Đắk Nông-Tây Nguyên. Thu hút đầu tư phát triển các dự án khu, điểm du lịch tiềm năng; phát triển khu du lịch hồ Tà Đùng từng bước trở thành khu du lịch cấp quốc gia, tạo thành đột phá, động lực để phát triển du lịch toàn tỉnh…

Phát triển Khu du lịch hồ Tà Đùng từng bước trở thành khu du lịch cấp quốc gia, tạo thành đột phá, động lực để phát triển du lịch toàn tỉnh.

Ngoài ra, quy hoạch tỉnh còn thể hiện rõ phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực khác như: thương mại và dịch vụ; thông tin, truyền thông và chuyển đổi số; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; lĩnh vực giáo dục và đào tạo; nguồn nhân lực; y tế; văn hóa, thể thao; giảm nghèo, an sinh xã hội; quốc phòng, an ninh.

Các hoạt động kinh tế-xã hội được tổ chức theo mô hình “Một trung tâm-Ba cực động lực tăng trưởng-Bốn hành lang kinh tế-Bốn tiểu vùng phát triển”. Trong đó, Một trung tâm được xác định là Thành phố Gia Nghĩa. Đây là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học-công nghệ của tỉnh; là đô thị hạt nhân của tiểu vùng Nam Tây Nguyên, liên kết với vùng Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ba cực động lực tăng trưởng gồm: Cực động lực trung tâm hình thành từ chuỗi đô thị Đắk R’Lấp-Gia Nghĩa-Quảng Khê, với hạt nhân trung tâm là đô thị Gia Nghĩa. Cực động lực phía Bắc hình thành từ đô thị hạt nhân Ea T'ling (huyện Cư Jút) và đô thị Đắk Mâm (huyện Krông Nô) và Cực động lực phía Tây Bắc chạy dọc hành lang kinh tế biên giới với hạt nhân trung tâm là đô thị Đắk Mil (huyện Đắk Mil) và đô thị Đức An (huyện Đắk Song), đô thị Đắk Búk So (huyện Tuy Đức).

Bốn trục hành lang kinh tế gồm: Trục hành lang đường Hồ Chí Minh-Quốc lộ 14 phát triển theo hướng bắc-nam, đóng vai trò huyết mạch giao thương của tỉnh với các tỉnh trung tâm vùng Tây Nguyên, các tỉnh Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh. Trục hành lang đường Quốc lộ 28 phát triển về phía tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh duyên hải miền Trung, kết nối từ đô thị Gia Nghĩa đến huyện Đắk Glong và nhánh hướng lên phía bắc, kết nối với huyện Krông Nô. Trục hành lang đường Quốc lộ 14C phát triển theo biên giới phía tây, phát triển kinh tế mậu biên, kết hợp bảo vệ an ninh quốc phòng. Trục hành lang kết nối các huyện Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Mil, Cư Jút và Trục hành lang đường Cao tốc CT02 (hình thành sau khi đầu tư hoàn thành các đoạn tuyến của dự án): Cơ bản theo trục hành lang Hồ Chí Minh-Quốc lộ 14, với chất lượng cao hơn, trọng điểm hơn, thúc đẩy phát triển nhanh hơn.

Bốn tiểu vùng kinh tế-xã hội gồm: Tiểu vùng trung tâm (đóng vai trò là Cực động lực trung tâm): gồm thành phố Gia Nghĩa và huyện Đắk R’Lấp; Tiểu vùng phía bắc: gồm huyện Đắk Mil và huyện Cư Jút; Tiểu vùng phía đông: gồm huyện Krông Nô và huyện Đắk Glong; Tiểu vùng phía tây: gồm huyện Đắk Song, huyện Tuy Đức.

Đối với Phương án quy hoạch hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn. Phấn đấu đến năm 2030 có 10 đô thị, bao gồm: 1 đô thị loại II (thành phố Gia Nghĩa), 1 đô thị loại III (thị xã Đắk Mil), 2 đô thị loại IV (thị xã Đắk R’Lấp, thị xã Cư Jút), phấn đấu đạt 4 đô thị loại IV (Đắk Mâm, Đức An, Quảng Khê, Đắk Búk So) và 2 đô thị loại V (Quảng Sơn, Nâm N’Jang).

Bố trí hệ thống điểm dân cư nông thôn trên cơ sở hiện trạng phân bố dân cư, địa điểm xây dựng các điểm dân cư nông thôn ít bị tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, không thuộc khu vực nguy cơ sạt lở; kết nối với các tuyến đường liên xã, liên vùng. Tổ chức và định hướng đầu tư vùng dân cư nông thôn theo 3 vùng: Vùng I là dân cư vùng ven đô thị; Vùng II là dân cư sản xuất nông nghiệp; Vùng III là dân cư vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, phân bố phân tán, rải rác.

Trục hành lang đường Hồ Chí Minh-Quốc lộ 14 phát triển theo hướng bắc-nam, đóng vai trò huyết mạch giao thương của tỉnh với các tỉnh trung tâm vùng Tây Nguyên, các tỉnh Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với phương án phát triển các khu chức năng. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, hoàn thiện hạ tầng và thu hút đầu tư, đạt tỷ lệ lấp đầy cao đối với 3 khu công nghiệp hiện có, gồm: Tâm Thắng, Nhân Cơ, Nhân Cơ 2. Sau năm 2030, thành lập thêm 4 khu công nghiệp: Đắk Ru, Quảng Sơn, Đắk Song I và Đắk Song II. Phấn đấu bảo đảm các điều kiện để phát triển thêm 1 Khu công nghiệp trước năm 2030.

Hình thành các cụm công nghiệp theo hướng là vệ tinh cho các khu công nghiệp, di dời các cơ sở sản xuất phân tán vào các cụm công nghiệp. Phấn đấu mỗi đơn vị cấp huyện thành lập 1 cụm công nghiệp, ưu tiên các vị trí phù hợp, thuận lợi, bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất.

Đầu tư, thu hút đầu tư phát triển các khu nghiên cứu, đào tạo trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Đắk Nông tại thành phố Gia Nghĩa. Thu hút đầu tư, gắn liền với công tác bảo tồn, phát huy các cảnh quan thiên nhiên, di sản địa chất, hồ, thác, rừng trở thành các khu, điểm du lịch hấp dẫn, phát triển thành các khu du lịch trọng điểm của tỉnh, phát triển khu du lịch Hồ Tà Đùng gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông định hướng trở thành khu du lịch cấp quốc gia.

Đầu tư phát triển các khu thể dục thể thao đồng bộ, hiện đại. Xây dựng Khu liên hiệp thể thao tỉnh tại thành phố Gia Nghĩa. Nghiên cứu, thu hút đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn tại các khu du lịch, tổ hợp khách sạn, nghỉ dưỡng-thể thao, khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Bảo tồn, tu bổ, cải tạo, phát triển các di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh được công nhận trên địa bàn tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2030 hình thành 25 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung với diện tích trên 10.000 ha; định hướng đến năm 2050, hình thành 35 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô diện tích trên 14.300 ha; xây dựng19 vùng/khu khuyến khích phát triển cơ sở chăn nuôi tập trung với diện tích trên 4.500 ha.

Phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, giảm nghèo bền vững trên địa bàn các xã thuộc khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn và các thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh

Xây dựng khu quân sự, khu an ninh bảo đảm thế trận quốc phòng trong khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc, các khu vực sẵn sàng phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội từng khu vực, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Quy hoạch cũng thể hiện rõ các phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật; kết cấu hạ tầng xã hội; phân bổ và khoanh vùng đất đai; quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng tài nguyên, đa dạng sinh học; phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Xác định danh mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện, các dự án lớn, có tính chất quan trọng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội để đầu tư và thu hút đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ.

Có 6 giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch, gồm: giải pháp về huy động vốn đầu tư; giải pháp phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về môi trường, khoa học, công nghệ; giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển; giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Hiện nay, Đắk Nông đang xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và định hướng phát triển của Quy hoạch đã đề ra; xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án; xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực thực hiện Quy hoạch tỉnh.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh sẽ tập trung vào 5 nội dung chủ yếu gồm: Hoàn thiện đồng bộ hệ thống các quy hoạch; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; các chương trình, dự án để triển khai thực hiện quy hoạch; xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2025 và Kế hoạch sử dụng đất tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2026-2030 bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch, Luật Đất đai và các quy định pháp luật có liên quan; xác định nguồn lực để thực hiện Quy hoạch tỉnh.

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/dak-nong-voi-nhung-dot-pha-tu-quy-hoach-tinh-204048.html