Đắk Nông và hành trình hiện đại hóa nông thôn

Nhiều 'gam màu' tươi sáng đã xuất hiện trên các vùng quê ở Đắk Nông. Trong đó, ấn tượng hơn hết là các hoạt động tối ưu hóa trong sản xuất, từng bước hiện đại hóa nông thôn.

Cơ giới hóa trong khâu hu hoạch lúa ở huyện Krông Nô đạt 100% diện tích gieo trồng

Sau 2 thập niên hình thành và phát triển, các vùng nông thôn của Đắk Nông đang từng bước chuyển mình, khởi sắc. Từ địa phương có kết cấu cơ sở hạ tầng yếu kém, tỷ lệ cơ giới hóa ở mức thấp, thiếu đồng bộ, giao thông liên vùng rất khó khăn... đến nay, mang lưới giao thông, hạ tầng phục vụ sản xuất, cơ giới hóa nông nghiệp từng bước hiện đại.

Cơ giới hóa nông nghiệp

Trước đây, sản xuất nông nghiệp của người dân tỉnh Đắk Nông gặp rất nhiều khó khăn. Do quy mô đất canh tác nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu dựa trên sức người. Từ lối sản xuất tự cấp, tự túc, nhiều hộ chủ yếu lo cái ăn hàng ngày, đến nay, bà con đã chuyển sang nông nghiệp sản xuất hàng hóa.

Tại huyện Krông Nô, trong những năm qua, để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm tổn thất trong thu hoạch, giảm chi phí, sức lao động… địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Gia đình anh Đoàn Đức Tuấn, thôn Thanh Sơn, xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô, canh tác hơn 10ha lúa nước. Mặc dù sản xuất với diện tích lớn, nhưng anh Tuấn vẫn xuống giống đồng loạt, tuân thủ đúng lịch thời vụ của địa phương.

Theo anh Tuấn, nếu như trước đây, gia đình anh làm khoảng 3 sào lúa, ngay từ đầu vụ cả gia đình 2-3 người ra đồng cày cuốc hàng chục ngày, có khi trễ vụ. Chưa hết, quá trình canh tác, anh còn phải đổi công, thuê người làm cỏ, thu hoạch.

Anh Tuấn cho biết: “Hiện nay, việc làm lúa của gia đình không cần nhiều người như trước đây. Mà một người cũng có thể đảm đương hàng chục ha ruộng lúa. Bởi hiện nay, việc áp dụng máy móc vào các khâu sản xuất đã giúp tiết kiệm được nhân công, giảm chi phí sản xuất”.

Nghề cơ khi đang trở thành ngành công nghiệp nông thôn hỗ trợ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp

Theo lãnh đạo huyện Krông Nô, đến nay, trong canh tác lúa, tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu đã đạt khá cao. Cụ thể, trong khâu làm đất đạt 98% diện tích gieo trồng; chăm sóc đạt 80%; tưới đạt 95%; thu hoạch đạt 100%.

Còn đối với cây trồng cạn, nhiều vùng trồng sầu riêng, cà phê đã sử dụng robot cắt cỏ, máy cắt cỏ tự động, máy bay không người lái, máy phun thuốc tự động, tưới nước tiết kiệm…

Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Krông Nô cho hay: “Việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần giảm sức lao động, tiết giảm chi phí đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động cho nông dân. Đồng thời giúp nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tăng hiệu quả kinh tế cho ngành nông nghiệp địa phương”.

Tiếp sức cho công nghiệp nông thôn

Bên cạnh đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, Đắk Nông cũng đã chú trọng hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. Đây là tiền đề giúp các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

HTX Sản xuất TM - DV Bình Minh, ở xã Ea Pô, huyện Cư Jút (Đắk Nông) được hỗ trợ máy chế biến hồ tiêu từ chương trình khuyến công

Theo Sở Công thương Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có hơn 2.800 cơ sở hoạt động sản xuất công nghiệp. Trong đó, phần lớn là các cơ sở công nghiệp nông thôn, với các sản phẩm chế biến chủ yếu như: Cà phê, tiêu, điều, mắc ca, ca cao, chanh dây…

Năm 2023, Công ty TNHH dịch vụ và thương mại Tài Đức, huyện Đắk Mil, được hỗ trợ 1 máy bắn màu, phân loại hạt trong sản xuất cà phê. Khi các công đoạn sản xuất được tự động hóa, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty thuận lợi hơn.

Giám đốc Công ty Lương Thị Hương cho biết, nhờ được hỗ trợ máy bắn màu đã giúp tỷ lệ phân loại cà phê chính xác hơn. Những hạt cà phê chất lượng kém, bị hư hỏng, nấm mốc, chưa chín được loại bỏ. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ được hương vị tự nhiên của hạt cà phê.

Việc đưa thiết bị mới vào sản xuất giúp công ty giảm khoảng 80% công lao động tuyển lựa cà phê. Giá trị sản phẩm ra thị trường tăng lên gấp đôi so với trước.

Theo ông Nguyễn Thanh Tòng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công thương, năm 2023, thông qua Đề án Khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, Đắk Nông đã có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp được hỗ trợ đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ hiện đại, thực hiện chuyển đổi số vào sản xuất.

Trải qua 20 năm phát triển, đó cũng là cuộc hành thay đổi mạnh mẽ ở các vùng nông thôn Đắk Nông. Nổi bậc là tỷ lệ hộ được sử dụng điện đến nay đã tăng lên 99% so với 57% năm 2004; tỷ lệ phủ sóng di động băng rộng đến 99,7% thôn, buôn, bon, tổ dân phố.

Năm 2004, tỷ lệ đô thị hóa từ 7%, đến năm 2022 đạt 28%. Từ một tỉnh chưa có đô thị loại IV, đến nay tỉnh Đắk Nông đã có 9 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại III là TP. Gia Nghĩa.

Chế biến chanh dây xuất khẩu trên địa bàn TP. Gia Nghĩa

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN – PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, để thực hiện thành công mục tiêu về phát triển “tam nông” của Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho tỉnh đề ra các quyết sách quan trọng, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ đó, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo, từng bước góp phần sớm đưa tỉnh Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực Tây Nguyên theo mục tiêu đề ra.

Đắk Nông hiện có 38/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 60%; 1 xã nông thôn mới nâng cao; bình quân mỗi xã đạt 16,8 tiêu chí nông thôn mới; có 2/7 huyện có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. TP. Gia Nghĩa đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Văn Tâm

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/dak-nong-va-hanh-trinh-hien-dai-hoa-nong-thon-197804.html