Đắk Nông: Thu lãi hàng trăm triệu đồng từ nuôi dúi

Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) mạnh dạn đầu tư nuôi dúi và bước đầu cho kết quả khả quan.

Đầu năm 2020, sau khi tìm hiểu về nghề nuôi dúi tại các địa phương khác, ông Đinh Văn Thiêm, thôn 1 đã mạnh dạn mua 30 cặp dúi mốc lớn về nuôi. Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm nuôi nên dúi phát triển còn chậm, quá trình nhân giống dúi sinh sản kết quả không như mong muốn.

Với phương châm vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, ông Thiêm đã chọn những con dúi giống chất lượng để ghép đôi, sinh sản. Sau một thời gian thử nghiệm, ông Thiêm đã thành công trong việc lai tạo và nắm bắt được đặc tính của dúi để chăn nuôi. Đến nay, gia đình ông đã phát triển được hơn 200 con dúi.

Sau một thời gian mày mò nuôi, chăm sóc, ông Thiêm đã thành công trong việc lai tạo và nắm bắt được đặc tính của dúi

Theo ông Thiêm, dúi là loài động vật rất dễ nuôi, lại không cần cầu kỳ về chuồng trại, thức ăn dễ kiếm và có sẵn trong tự nhiên như tre, mía, bắp… Hiện nay, gia đình ông bán dúi giống ra thị trường dao động khoảng 1,8 triệu-2 triệu đồng/cặp; còn dúi thịt được các nhà hàng trong và ngoài tỉnh mua với giá 550-600 ngàn đồng/kg. Trừ tất cả chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lãi hơn 200 triệu đồng từ việc nuôi dúi.

Hiện nay, nguồn cung cấp dúi thịt và giống của gia đình ông Thiêm ngoài thị trường tương đối ổn định

Ông Thiêm chia sẻ: “So với việc nuôi các loài động vật khác thì nuôi dúi khỏe hơn nhiều, chi phí đầu tư ban đầu rất thấp. Dúi là loài dễ nuôi nhưng cũng rất dễ mắc bệnh về đường ruột nếu không được cho ăn đúng cách. Để phát triển nghề nuôi dúi bền vững, ngoài chất lượng giống dúi tốt thì nguồn cung phải bảo đảm ổn định. Vì vậy, tôi không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ dân trong xã, nhất là hộ có hoàn cảnh khó khăn”.

Tương tự, gia đình anh Lê Văn Phúc, thôn Tuy Đức cũng đã nuôi dúi mốc lớn được 3 năm. Đến nay, đàn dúi của gia đình anh Phúc lên đến hơn 100 con. Theo kinh nghiệm của anh Phúc, loài dúi ngủ ngày, ăn về đêm, ưa bóng tối nên nơi ở phải hạn chế ánh sáng trực tiếp và tiếng ồn. Chuồng nuôi dúi thường được chia thành các ô có kích thước từ 40 - 50cm, chắc chắn, tránh để dúi bò ra ngoài hoặc cắn thủng chuồng; đồng thời phải che chắn phù hợp để tạo độ thoáng mát. Thức ăn ưa thích của dúi là cây tre, thức ăn bổ sung là mía, ngô, sắn, cỏ voi để cấp nước. Loài dúi sinh sản khá nhanh, một năm dúi mẹ đẻ khoảng 4 lứa, mỗi lứa từ 3- 5 con. Dúi con nuôi khoảng 3 tháng đạt trọng lượng 600- 700g có thể xuất bán giống, với giá gần 2 triệu đồng/cặp.

Anh Phúc cho biết: “Nhiều người tới đặt mua dúi thương phẩm và dúi giống nên không đủ bán. Vì vậy, tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, làm chuồng cho những ai có nhu cầu nuôi dúi để cùng phát triển, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”.

Hiện nay, toàn xã Đăk Búk So khoảng 10 hộ nuôi dúi và chủ yếu là giống dúi mốc lớn

Bà Phan Thị Kim Loan, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Đức cho biết, nuôi dúi không phải là mô hình mới nhưng khá phù hợp với điều kiện khí hậu trên địa bàn xã Đắk Búk So. Hiện nay, toàn xã có khoảng 10 hộ nuôi dúi và chủ yếu là giống dúi mốc lớn. Thịt dúi có hàm lượng dinh dưỡng khá cao nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy, để tạo điều kiện phát triển thương hiệu vùng nuôi dúi, Hội Nông dân huyện đang hướng dẫn Hội Nông dân xã Đắk Búk So tiến hành thành lập hợp tác xã nuôi dúi. Việc này sẽ giúp nhiều người có cùng đam mê nuôi dúi hỗ trợ nhau trong chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm, đồng thời mở rộng mô hình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn”.

Mỹ Hằng - Sao Mai

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/dak-nong-thu-lai-hang-tram-trieu-dong-tu-nuoi-dui-191425.html