Đắk Nông: Ghi nhận ca mắc bệnh vi khuẩn 'ăn thịt người' Whitmore đầu tiên

Một bệnh nhân nam 66 tuổi, trú huyện Cư Jut (tỉnh Đắk Nông) có kết quả dương tính với vi khuẩn 'ăn thịt người' Whitmore.

Sáng 20/4, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cho biết vừa ghi nhận 1 trường hợp đầu tiên mắc Whitmore (bệnh vi khuẩn ăn thịt người) đầu tiên trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, bệnh nhân là nam giới, tên T.V.S (sinh năm 1957, trú tại thôn 15, xã nam Dong, huyện Cư Jút). Bệnh nhân có khối u vùng đỉnh đầu cách đây hơn 1 năm, có đi khám nhiều nơi và được chẩn đoán là u mỡ.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông giám sát, khử khuẩn tại khu vực nhà bệnh nhân (thôn 15, xã nam Dong, huyện Cư Jút). Ảnh: SYT Đắk Nông

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông giám sát, khử khuẩn tại khu vực nhà bệnh nhân (thôn 15, xã nam Dong, huyện Cư Jút). Ảnh: SYT Đắk Nông

Ngày 14/4, bệnh nhân được người nhà đưa vào khám và nhập viện tại Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh (tỉnh Đắk Lắk) do bệnh nhân cảm thấy đau tức nhiều tại khối u, sờ thấy căng cứng. Bệnh nhân được chẩn đoán Viêm xương sọ chẩm (P)/tụ mủ dưới da đầu đỉnh chẩm (P)/đái tháo đường type II.

Ngày 17/4, bệnh nhân được xử trí nạo xương viêm, dẫn lưu mủ vùng đỉnh chẩm (P) và lấy mẫu làm xét nghiệm, đến ngày 19/4 có kết quả dương tính với vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei.

Hiện tại, bệnh nhân đã được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Sau khi ghi nhận trường hợp mắc bệnh Whitmore, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông đã phản hồi thông tin cho đơn vị liên quan, đồng thời tổ chức điều tra và giám sát tại cộng đồng để phòng tránh bệnh lây lan.

Bệnh vi khuẩn “ăn thịt người” Whitmore (hay còn gọi là melioidosis) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cấp tính do vi khuẩn gram âm có tên Burkholderia pseudomallei gây nên. Bệnh do bác sĩ Afred Whitmore mô tả năm 1912 tại Miến Điện (Myanmar ngày nay), từ đó lấy tên Whitmore. Vi khuẩn này sống trên bề mặt nước và trong đất đặc biệt là bùn đất, lây sang người qua vết trầy xước trên da hoặc qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất hoặc giọt nước li ti trong không khí có chứa vi khuẩn, nhất là vào mùa mưa.

Người nhiễm bệnh vi khuẩn “ăn thịt người” Whitmore có tỷ lệ tử vong từ 40-60%. Trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh. Cách hiểu đúng về tên gọi bệnh “ăn thịt người” là do vi khuẩn có thể làm hoại tử và chết các mô trong cơ thể, ở da thì gây viêm loét hay áp xe, ở phổi thì gây viêm phổi, trong máu thì gây nhiễm trùng máu,…

Đức Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dak-nong-ghi-nhan-ca-mac-benh-vi-khuan-an-thit-nguoi-whitmore-dau-tien-251081.html