Đắk Lắk: Mua đất không qua chính quyền, người phụ nữ khốn khổ vì bị thu hồi

Bức xúc vì cho rằng chính quyền địa phương tháo dỡ nhà mình một cách vô lý, bà Bùi Thị Kim Lan (SN 1966, ngụ tổ dân phố 11, phường Tân An, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) nhất quyết phản đối. Bà Lan cho rằng mình đã sinh sống và trồng trọt ở mảnh đất trên từ năm 1990, do đó, việc nhà nước cưỡng chế mà không bồi thường là không đúng theo quy định pháp luật.

Bà Lan buồn bã chia sẻ

Phản đối việc tháo dỡ nhà

Theo đơn tố cáo của bà Lan, vào ngày 27 và 28/3, chính quyền phường Tân An đã lập đoàn (gồm khoảng 15 người) đến tháo dỡ một nhà mái tôn, có chiều dài 6m, ngang 16m. Sau khi tháo dỡ, đoàn cũng đã tịch thu các tấm tôn, trụ sắt đưa về trụ sở mà không lập biên bản.

Cũng theo bà Lan, chính quyền địa phương phường Tân An làm như vậy là không đúng theo trình tự, quy định của pháp luật. “Khi thấy các cán bộ dừng xe trước lô đất của mình, tôi yêu cầu đại diện đoàn đọc quyết định tháo dỡ nhưng các cán bộ không thực hiện yêu cầu của tôi mà cứ thế tiến hành đập phá và tịch thu tài sản trên đất là nhà bằng mái tôn của gia đình tôi rồi mang về trụ sở. Đặc biệt, việc đoàn xuống cưỡng chế, gia đình tôi hoàn toàn không được báo trước” – Bà Lan bức xúc.

Theo trình bày của bà Lan, thì đây là lần thứ hai gia đình bà bị chính quyền địa phương lập đoàn xuống cưỡng chế trên mảnh đất này. Nhưng cả hai lần đều không có bất cứ thông báo hay văn bản có liên quan.

Trước đó, vào cận tết Nguyên Đán năm 2016, trên lô đất trên, bà Lan tiến hành xây bờ kè xung quanh và đổ đất, xây hầm thoát nước với mục đích làm nơi để con trai bán hoa. Tuy nhiên, ngày 13/1/2016, chính quyền địa phương bất ngờ xuống ngăn chặn.

Ôm ảnh bác, bà Lan phản đối việc tháo dỡ trên lô đất tranh chấp

Nét mặt buồn bã, bà lan trao đổi: “Sau khi bị phá lần một, vì hoàn cảnh gia đình neo đơn lại có phần khó khăn, gia đình tôi không có khả năng phục hồi nên đành bỏ trống lô đất. Cho đến ngày 25/3 vừa qua, tôi có vay mượn được ít tiền nên mua tôn và trụ sắt về dựng tạm để con trai bán cây cảnh. Nhưng tôi chưa kịp làm gì thì chính quyền địa phương đã lập đoàn bất ngờ xuống tháo dỡ và tịch thu tất cả tài sản trên đất của gia đình tôi mặc cho tôi có giải thích và kêu oan”.

Theo bà Lan, lô đất trên do bà nhận sang nhượng lại của ông Trần Ngô Mai từ năm 1990 với giá 500.000 đồng. Tuy nhiên, vì sự việc diễn ra từ cái thời mua bán đất còn tính bằng đám, khu vực này còn heo hút, người dân thưa thớt nên việc thỏa thuận mua bán hai bên chỉ thống nhất bằng miệng chứ không có bất cứ giấy tờ gì. Sau khi xảy ra tranh chấp, bà có nhờ ông Mai viết một giấy xác nhận sang nhượng bằng tay làm cơ sở. Trong đó, có chữ ký của hàng xóm, những người làm chứng.

“Lô đất tôi có được bằng tiền mồ hôi công sức của mình, tôi không làm gì trái với pháp luật, vậy tại sao bây giờ chính quyền địa phương ngang nhiên đến khống chế. Nếu chính quyền muốn sử dụng vào mục đích chung thì phải có thông báo, thỏa thuận, đền bù hợp lý, giúp dân di dời đi nơi khác thì dân chúng tôi mới phục và giao đất. Nếu họ cho rằng tôi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, thì tại sao không dùng biện pháp này với các hộ giáp ranh mà chỉ khống chế riêng lô đất của gia đình tôi”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Như Căn (tổ trưởng tổ dân phố 11, phường Tân An, TP.Buôn Ma Thuột) cho biết: “Sau khi hoàn thành đường vành đai giai đoạn 2, lãnh đạo phường mới giao bản đồ trong đó có khu đất trên về tổ dân phố quản lý.

Tuy nhiên, việc xử lý tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của phường và cấp trên. Tôi chỉ biết những người dân sinh sống trên khu đất này hầu hết là những người dân ở nơi khác di cư đến làm ăn và sinh sống. Tương tự, bà Lan dù đã sinh sống ở đó khá lâu nhưng không có đăng ký hộ khẩu hay tạm trú ở tổ dân phố này. Do đó, các khoản đóng góp như quỹ hay thuế chúng tôi cũng không tiến hành thu của hộ bà Lan”.

Bi quan sau nhiều lần bị thu hồi đất

Cách không xa lô đất trên, gia đình bà Lan từng có nhiều lần bị cưỡng chế thu hồi khác. Theo đó, năm 2008, bà Lan đã giao 2219m2 đất để làm đường vành đai phía Tây TP.Buôn Ma Thuột. Năm 2011, bà tiếp tục giao cho Tập đoàn Phú Thái 470m2 đất... Theo bà Lan, trong quá trình giải tỏa và đền bù giải tỏa tất cả các công trình trên, bà đều không được hưởng đền bù theo đúng quy định của pháp luật. Bà đã gửi đơn kiến nghị lên cơ quan chức năng nhưng cho đến nay cũng chưa được giải quyết thỏa đáng.

Bên cạnh đó, bà còn một phần đất ở do bố ruột sang nhượng của bà Đỗ Thị Vò (ngụ phường Tân Lợi) giấy sang nhượng có khối trưởng của phường Tân Lợi xác nhận là không có tranh chấp và gia đình bà đã ở ổn định cả ba thế hệ từ năm 1990 cho đến nay. Nhưng ngày 25/6/2015, khi bà làm lán cho con trai rửa xe thì chính quyền phường Tân An cũng xuống cưỡng chế.

Giấy xác nhận sang quyền sử dụng đất bà Lan dùng làm căn cứ

“Con trai tôi do đó mà trở nên bi quan, sau khi đi nghĩa vụ quân sự về nó chỉ ở vậy không chịu làm gì. Mỗi lần tôi khuyên bảo nó thì nó chỉ bảo thôi mẹ ạ, cứ dựng lên rồi lại bị phá thì làm làm gì cho mất công” – Bà Lan thở dài nói.

Được biết, sau khi kết hôn được 2 năm, bà Lan có được một cậu con trai. Tuy nhiên, sau đó, vì nhiều lý do nên bà và chồng quyết định “đường ai nấy đi”. Với hai bàn tay trắng, năm 1990, bà Lan dắt con về mảnh đất này, vào cái thời ấy còn heo hút để lập nghiệp. Bà ở vậy, một thân một mình làm lụng nuôi con cho đến giờ.

Dù bà Lan là con gái trong nhà, nhưng vì thương con, thương cháu nên bố mẹ bà Lan đã dọn tới ở cùng hai mẹ con. Hiện nay, ông bà đều đã ngoài 80 nên sức khỏe yếu. Ngặt nỗi, cha già do di chứng từ thời chiến tranh lại mắc bệnh tai biến, còn mẹ bị tật ở chân đi lại khó khăn. Khi nhà nước mở con đường đi qua trước nhà, bà Lan mở quán bán hàng lặt vặt, vốn liếng không nhiều nên mỗi ngày hàng quán bà cũng chỉ kiếm được vài đồng.

Bà Lan cho rằng diện tích đất từ trước đến giờ gia đình mình vẫn sinh sống và canh tác có tổng cộng hơn 5 sào (5000m2). Sau khi trừ 3,7 sào (3700m2) đất liên kết thì số còn lại là đất do bà mua lại và khai hoang mà có được. Nếu giờ bị thu hồi hết đất đai, nhà cửa thì bà không biết gia đình mình sẽ đi đâu và về đâu?

Chính quyền nói sao?

Nói về sự việc này, ông Hà Song Tùng (cán bộ địa chính phường Tân An) cho biết: “Giấy xác nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của bà Lan không qua chính quyền địa phương, không có tọa độ rõ ràng nên không có đủ tính chất pháp lý. Khu đất trên đã được nhà nước quy hoạch từ trước đó, thuộc vào hành lang an toàn giao thông của đường tỉnh lộ, không phải đất ở. Bà Lan và những người dân trong khu vực do không có chỗ ở ổn định mà ở trên đất nằm trong quy hoạch nên chính quyền không thể giải quyết việc nhập khẩu cho các hộ này”.

Ông Tùng cho biết thêm: “UBND TP.Buôn Ma Thuột cũng như UBND phường đã nhiều lần nhắc nhở thậm chí cưỡng chế giải tỏa nhưng bà Lan vẫn tiếp tục tái phạm. Đến đêm 25/3, chúng tôi phát hiện bà Lan có hành vi dựng nhà trên lô đất trên. Ngay sáng 27/3, đoàn chúng tôi gồm đại diện UBND phường, lực lượng công an phường và trật tự đô thị đã xuống làm việc với bà Lan.

Bà Lan cho biết chỉ có đất nhà bình bị tháo dỡ, còn hộ giáp ranh vẫn đang làm ăn bình thường

Tuy nhiên, sau 3 lần mời làm việc nhưng bà Lan không ra, chúng tôi đã tiến hành lập biên bản sau đó cho lực lượng tháo dỡ nhằm ngăn chặn hành vi xây dựng nhà trái phép của công dân trên đất hành lang an toàn giao thông. Đây không phải là cưỡng chế nên không có thông báo trước. Còn đối với những hộ nằm trong diện quy hoạch ở lân cận đã và đang sử dụng đất lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, chúng tôi đã nhắc nhở và họ cũng đã cam kết sẽ tháo dỡ, di dời”.

Tố Uyên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nhip-cau/dak-lak-mua-dat-khong-qua-chinh-quyen-nguoi-phu-nu-khon-kho-vi-bi-thu-hoi-331205.html