Đại tướng Đoàn Khuê góp phần phát triển tư duy, lý luận quân sự của Đảng trong thời kỳ đổi mới

Đại tướng Đoàn Khuê, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà chính trị, quân sự xuất sắc. Trong suốt 60 năm hoạt động, dù ở đâu và trên cương vị nào, Đại tướng Đoàn Khuê cũng luôn cống hiến hết mình và đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam.

Từ năm 1986 đến 1998, Đại tướng Đoàn Khuê được Đảng, Nhà nước cử giữ các trọng trách: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương. Từ tháng 2-1998, Đại tướng được Bộ Chính trị phân công chỉ đạo công tác bảo vệ chính trị nội bộ và công tác tổng kết Đảng lãnh đạo chiến tranh cách mạng. Trong giai đoạn này, Đại tướng Đoàn Khuê đã góp phần phát triển tư duy, lý luận quân sự của Đảng trong thời kỳ đổi mới.

Đại tướng Đoàn Khuê. Ảnh tư liệu

Từ thực tiễn lãnh đạo và chỉ huy, Đại tướng Đoàn Khuê đã viết nhiều bài, nhiều công trình đề cập đến những vấn đề cơ bản về đường lối quân sự của Đảng, về nghệ thuật chỉ đạo, chỉ huy trên chiến trường, về chiến tranh nhân địa phương, củng cố quốc phòng và xây dựng Quân đội chính quy, từng bước hiện đại, kết hợp kinh tế với quốc phòng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có thể kể đến, như: Về chiến tranh nhân dân địa phương và công tác quân sự địa phương (NXB QĐND, Hà Nội, 1989), gồm một số báo cáo tổng kết và bài viết chọn lọc của Đại tướng Đoàn Khuê về chiến tranh nhân dân địa phương và công tác quân sự địa phương, phản ánh sự vận dụng sáng tạo quan điểm chiến tranh nhân dân của Đảng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng đất nước.

Hay như quan điểm cơ bản bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (NXB QĐND, Hà Nội, 1994), nêu bật những quan điểm của Đại tướng Đoàn Khuê về đẩy mạnh công tác quốc phòng, xây dựng QĐND Việt Nam để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; đồng thời, nêu lên những vấn đề cơ bản của đường lối quân sự của Đảng trong giai đoạn mới; Nửa thế kỷ chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng (NXB QĐND, Hà Nội, 1995), là những ý kiến tổng kết của Đại tướng Đoàn Khuê về đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh qua thực tế chiến đấu và xây dựng QĐND Việt Nam; Xây dựng Quân đội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (NXB QĐND, Hà Nội, 1997), thể hiện những luận điểm cơ bản của Đại tướng Đoàn Khuê về củng cố quốc phòng, xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…

Đặc biệt, trong thời gian được Đảng, Nhà nước giao trọng trách làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Đoàn Khuê đã đề xuất những luận điểm về chiến lược quốc phòng bảo vệ Tổ quốc hết sức kịp thời là: Kết hợp chặt chẽ bảo vệ Tổ quốc với xây dựng đất nước, quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, dựng nước đi đôi với giữ nước; bảo vệ Tổ quốc gắn chặt với bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc; quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, xây dựng ba thứ quân của lực lượng vũ trang nhân dân; nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự cường kết hợp với tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi. Những luận điểm này của Đại tướng Đoàn Khuê được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và được chính thức thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (1991).

Tổng Bí thư Lê Duẩn dẫn đầu đoàn công tác đi Buôn Ma Thuột. Đồng chí Đoàn Khuê (ngoài cùng bên trái), Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5 tham gia trong đoàn công tác. Ảnh tư liệu

Về nghệ thuật quân sự Việt Nam, Đại tướng Đoàn Khuê tổng kết: Kinh nghiệm xây dựng, chiến đấu của Quân đội ta trong nửa thế kỷ qua đã làm giàu thêm kho tàng nghệ thuật quân sự độc đáo của Việt Nam. Đó là nghệ thuật quân sự của một nước nhỏ, chưa phát triển về kinh tế, chống lại kẻ thù có tiềm lực quân sự, kinh tế mạnh hơn. Đó là nghệ thuật quân sự toàn dân đánh giặc, nghệ thuật lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, lấy mưu kế, thế trận, thời cơ và sức mạnh tổng hợp thắng sức mạnh của quân đội xâm lược với vũ khí, trang bị hiện đại.

Đại tướng Đoàn Khuê thường căn dặn cán bộ những kinh nghiệm và truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam như một kho báu mà các thế hệ người Việt Nam có trách nhiệm giữ gìn và truyền từ đời này qua đời khác. Trong huấn luyện bộ đội và đào tạo cán bộ phải quán triệt sâu sắc và nhuần nhuyễn tư tưởng cơ bản, cốt lõi của nghệ thuật quân sự Việt Nam; cần vận dụng tư tưởng lấy ít thắng nhiều, lấy nhỏ thắng lớn một cách hết sức linh hoạt, tùy theo điều kiện cụ thể mà quyết định quy mô đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn, cách đánh du kích hay tập trung; phải lấy hiệu suất chiến đấu và thắng lợi cuối cùng làm thước đo nghệ thuật dùng binh, nghệ thuật đánh giặc. Những ý kiến chỉ đạo đó của Đại tướng Đoàn Khuê được áp dụng trong huấn luyện bộ đội và xây dựng chương trình, nội dung giáo dục ở các học viện, nhà trường Quân đội cũng như trong công tác bồi dưỡng cán bộ ở các địa phương, đơn vị.

Trong những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 thế kỷ XX, trước những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, khu vực và trong nước, đặc biệt là khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đại tướng Đoàn Khuê có nhiều đóng góp về lý luận bảo vệ Tổ quốc; nêu bật những quan điểm cơ bản về xây dựng Quân đội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong điều kiện mới và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đó trong thực tiễn.

Đại tướng Đoàn Khuê là người tham mưu, để xuất và trực tiếp triển khai thực hiện chủ trương xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) và quan điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng trên cả nước; từng bước giải quyết những vướng mắc về nhận thức cũng như hoạt động thực tiễn kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh trong quá trình hoạch định và triển khai thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đại tướng Đoàn Khuê có đóng góp to lớn vào việc xác định và thực hiện chủ trương xây dựng Quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó việc xây dựng QĐND về chính trị là nhiệm vụ hàng đầu, là cơ sở để xây dựng Quân đội vững mạnh về mọi mặt. Trong xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, về phương diện lý luận cũng như trong chỉ đạo thực tiễn, Đại tướng luôn coi trọng công tác đảng, công tác chính trị, xây dựng sức mạnh chính trị - tinh thần, xây dựng phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ; chăm lo công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học quân sự, nghệ thuật quân sự, lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh...

Đồng chí Đoàn Khuê, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia đến dự Đại hội mừng công Mặt trận 979, năm 1983. Ảnh tư liệu

Tháng 2-1992, theo Chỉ thị số 72/CT-TW của Bộ Chính trị, Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị được thành lập. Đồng chí Đoàn Khuê được phân công làm Trưởng ban. Theo đó, công tác tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được tiến hành khẩn trương. Trong quá trình thực hiện, Đại tướng Đoàn Khuê thường xuyên quan tâm, động viên và có những ý kiến chỉ đạo sâu sắc về nội dung tổng kết. Tại cuộc họp Bộ Chính trị và Ban Bí thư về bản thảo công trình “Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước" (ngày 23-4-1994), Đại tướng Đoàn Khuê đã báo cáo những vấn đề xin ý kiến Bộ Chính trị. Vì chưa có một công trình nào tổng kết sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp lãnh đạo cao nhất đối với toàn cuộc kháng chiến, cho nên cần có kết luận chính thức những vấn đề chiến lược đã được nhất trí hoặc còn có ý kiến khác nhau để góp phần thống nhất nhận thức, thống nhất tư tưởng trong Đảng, trong nhân dân, kịp thời phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bộ Chính trị đã cho ý kiến về bản thảo tổng kết và kết luận một số vấn đề lớn. Do đó, cuốn sách “Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học” hoàn thành. Tiếp đó, Đại tướng Đoàn Khuê có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình hoàn thành công trình “Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học”, “Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 - Thắng lợi và bài học”…

Đặc biệt, năm 2007, công trình “Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 - Thắng lợi và bài học” được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với lời ghi nhận: “Đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về khoa học và công nghệ, góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, khoa học, công nghệ trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Đồng chí Lê Khả Phiêu trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trong “Lời tựa” khẳng định cuốn sách “Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945 - 1975 - Thắng lợi và bài học” là một trong những công trình tổng kết cơ bản nhất từ trước tới nay về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với chiến tranh cách mạng Việt Nam.

Cuốn sách trình bày khái quát những sự kiện và tiến trình lịch sử chủ yếu; những nhận định, đánh giá về sự lãnh đạo của Đảng đối với chiến tranh cách mạng Việt Nam; đúc kết những bài học cơ bản trong sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với quá trình 30 năm cách mạng và chiến tranh cách mạng liên tục… Cuốn sách phần nào đáp ứng sự mong mỏi của đồng bào và chiến sĩ muốn tìm hiểu về một chặng đường lịch sử đầy sóng gió, song vô cùng oanh liệt và hào hùng, rực rỡ chiến công và nhân dân ta, của dân tộc ta và Đảng ta.

Thành công của những công trình trên có dấu ấn to lớn của Đại tướng Đoàn Khuê, qua đó góp phần vào sự phát triển tư duy, lý luận quân sự của Đảng trong thời kỳ đổi mới.

Đại tá, PGS, TS NGUYỄN VĂN SÁU, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/dai-tuong-doan-khue-gop-phan-phat-trien-tu-duy-ly-luan-quan-su-cua-dang-trong-thoi-ky-doi-moi-748724