Đại tá NSND Lê Thị Quỳnh Như: Trọn đời vì nghiệp múa

Đại tá NSND Lê Thị Quỳnh Như nay đã về hưu và vui vầy cùng con cháu, không còn tất bật lo toan với công việc của Đoàn Văn công Quân khu 4, nhưng khi kể về những ngày tháng sôi động, huy hoàng của một chiến sĩ làm công tác nghệ thuật đôi mắt chị vẫn ánh lên niềm vui khôn xiết.

Đam mê và dấn thân

Đại tá, NSND Quỳnh Như. Ảnh: Đình Tuyên

Đại tá NSND Quỳnh Như (SN 1964) , sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, bố mẹ chị cũng là những diễn viên ca, múa nổi tiếng của Đoàn Văn công Quân khu 4, vì thế từ nhỏ chị đã được tắm trong không khí nghệ thuật của gia đình. Từng lời ca, điệu múa, từng nốt nhạc và cả tinh thần “ăn ngủ cùng nghệ thuật” dường như đã ngấm vào máu thịt của chị từ thuở thiếu thời. Ngay những ngày tháng đó, chị đã yêu thích, mê đắm với nghệ thuật kể chuyện bằng ngôn ngữ cơ thể.

Đến năm 14 tuổi, chị tham gia tuyển sinh vào Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội và trúng tuyển vào ngành múa trong sự mừng vui và kỳ vọng của gia đình. Ai cũng biết, để trúng tuyển vào bộ môn nghệ thuật này không phải là điều dễ dàng. Bởi học sinh bộ môn múa phải có tỷ lệ cơ thể thực sự phù hợp, và đặc biệt phải cực kỳ đam mê, dấn thân. Ngay từ thời điểm đó, chị đã xác định đến với múa là đến với ngành nghề nhiều hiểm nguy vất vả, chỉ có đam mê mới theo đuổi được nghề. Thế nhưng, cô bé còn tuổi ăn tuổi lớn là Lê Thị Quỳnh Như đã sớm trang bị cho mình “tinh thần thép” để sẵn sàng chịu đựng cường độ tập luyện cao.

Những ngày rèn luyện trong môi trường kỷ luật giúp chị nhận rõ, để đến được với nghề, ngoài năng khiếu, sự chịu khó và bền bỉ, người nghệ sĩ múa phải có khả năng sáng tạo. Vì thế, người diễn viên giỏi được giao vị trí solist (múa chính) là những người không chỉ giỏi kỹ thuật mà còn thăng hoa, sáng tạo trên nền tư tưởng của biên đạo. Và sau 4 năm học, chị được về Đoàn Văn công Quân khu 4 và nhận vị trí solist trong sự tin tưởng và mến phục của mọi người.

Những ngày tháng làm diễn viên múa với Quỳnh Như là chặng đường nghệ thuật nhiều dấu ấn khó quên. Chị được sống trong nhiều vai diễn, được đi đến nhiều nơi, nhiều môi trường và được tiếp xúc với rất nhiều người hoạt động trong quân ngũ. Có những năm tháng chị đi lưu diễn rất nhiều nơi với thời gian kéo dài, nhưng không bao giờ những người diễn viên như chị cảm thấy mệt mỏi, vất vả bởi đi đâu các chị cũng nhận được thật nhiều tình cảm của bộ đội.

Chị kể: Có lần, đoàn chị đến biểu diễn cho bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới. Các anh ở đây thiếu thốn đủ bề từ vật chất đến tinh thần, nhưng khi nghe tin có diễn viên Quân khu đến thì từ nhiều ngày trước đó, mọi người đã dự trữ nhu yếu phẩm, còn đi hái cả chua me rừng cho chị em diễn viên. “Các anh xem chúng tôi như những viên ngọc để nâng niu, chỉ cần được trò chuyện, được ngồi cạnh là các anh được thấy gia đình, được trở về quê hương. Thế nên, đi diễn phục vụ bộ đội chỉ là một phần thôi, phần nữa chúng tôi đến để trò chuyện, giúp các anh thấy mình đang gần lắm với người thân, gia đình” - Đại tá Lê Thị Quỳnh Như nói.

Có lần, diễn viên Đoàn Văn công Quân khu 4 đi biểu diễn phục vụ lính đảo Trường Sa, nhiều diễn viên sức khỏe yếu, ra đến nơi đã là một kỳ tích, nhưng không phải lúc nào cũng vào được đảo. Ở những đảo nổi, đoàn có thể cập bến để lên đảo, nhưng những nơi đảo chìm, gặp khi sóng to, đoàn chỉ có thể bắc loa hát vọng. Các chiến sĩ trên đảo chỉ có thể nghe câu được, câu mất, 2 bên, người trên đảo kẻ dưới boong tàu cứ thế nhìn nhau nước mắt giàn giụa. “Đó là những kỷ niệm thiêng liêng đâu dễ gì có được trong cả chặng đường làm nghề. Thế nên chúng tôi nâng niu vô cùng và luôn xem đó là hành trang, là tài sản để mình bước qua mọi gian nan vất vả trên con đường nghệ thuật” - NSND Quỳnh Như nói.

Múa là lao động nghệ thuật đặc thù, với nhiều hiểm nguy, chỉ sau ngành xiếc, người diễn viên có thể phải chịu những tai nạn thương tích khi biểu diễn. Có lần, chị đi biểu diễn ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi không có sân khấu hay nhà văn hóa đủ lớn để có thể đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của bà con và bộ đội, đoàn phải dựng tạm sân khấu ngoài trời với những tấm ván gỗ được làm sàn diễn. Tối hôm ấy, chị diễn nhân vật Xúy Vân trong một tác phẩm múa dân gian. Đến trường đoạn Xúy Vân giả dại, với những động tác hình thể, chị vấp phải một tấm ván bập bênh và ngã xuống sàn sân khấu bất tỉnh, thế nhưng người xem vẫn tưởng đó là một phân cảnh trong tiết mục. “Đó là kỷ niệm mà tôi nhớ nhất vì đến lúc anh em trong đoàn hốt hoảng bế tôi vào trong để sơ cứu mà bà con và bộ đội ta vẫn tưởng đó là ý đồ của đạo diễn” - NSND Quỳnh Như kể.

Tiết mục Khúc tráng ca Lực lượng vũ trang Quân khu 4. Ảnh tư liệu NVCC

Rất nhiều tác phẩm múa mà chị sắm vai solist đã đạt Huy chương Vàng, Bạc các hội diễn toàn quân toàn quốc những năm 1992 - 1996. Khi nói về chặng đường này, chị chỉ nghĩ rằng, mình đã hoàn thành sứ mệnh của diễn viên múa khi mang khả năng và tấm lòng phục vụ các chiến sĩ trên khắp mọi miền đất nước. Và cũng ít ai biết, ngay cả khi đi diễn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hay hải đảo, ngay cả khi đang làm việc với cường độ và sức lực như một thanh niên thì chị đang mang trong mình căn bệnh tim, với sức khỏe yếu và cơ thể gầy mòn.

Quả ngọt dâng đời

Tác giả và NSND Quỳnh Như. Ảnh: Đình Tuyên

Đam mê múa và không muốn dừng lại ở vị trí là một diễn viên, chị xin lãnh đạo đoàn đi học biên đạo để được thỏa sức vẫy vùng, để được cống hiến nhiều hơn nữa. Sau khi tốt nghiệp ngành biên đạo, chị lại trở về công tác tại đoàn trên cương vị vừa là diễn viên, vừa là biên đạo và những tiết mục múa đầu tiên ra đời trong sự “thai nghén” đầy nhiệt huyết của người biên đạo trẻ tài năng. Đó là “Tình em trong chiếc áo tơi” Huy chương Vàng hội diễn toàn quốc năm 1999; hay “Hai người mẹ”, “Địa đạo”, “Rừng cười”, “Rước lửa về nhà mới”, “Tình non nước” đều đoạt Huy chương Vàng các hội diễn toàn quốc, toàn quân ở các năm sau đó.

Một tiết mục ca múa đặc sắc của Đoàn văn công Quân khu 4. Ảnh tư liệu do NVCC

Chính những trải nghiệm cuộc sống trong gần 20 năm làm diễn viên múa của Quỳnh Như đã giúp chị trở thành một biên đạo múa xuất sắc. Bởi theo chị, để có thể dựng được một tác phẩm múa xuất sắc, người biên đạo trước hết phải là diễn viên có khả năng đúc kết thực tiễn, khái quát nó thành ngôn ngữ hình thể. Muốn tác phẩm của mình có sức sống, có hơi thở, cần sự nghiên cứu và khả năng sáng tạo của từng nghệ sĩ.

Bởi thế, với một đề tài nhưng mỗi người có cách tiếp cận khác nhau. Với chị, nếu một đề tài dân gian, chị phải đi điền dã sưu tầm có khi cả tháng trời, quên ăn, mất ngủ nếu chưa tìm ra ý tứ. Và tư liệu múa nhiều khi chỉ là một vài động tác bức vẽ trên mộc bản thôi nhưng nó làm nên hồn cốt cho một tác phẩm múa dân gian. Từ những sáng tạo không biết mệt mỏi đó, Quỳnh Như đã có được những quả ngọt cho mình.

Từ năm 2002 - 2010, cùng với các diễn viên của đoàn, biên đạo múa Quỳnh Như đã giành được 7 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 2 giải của Bộ Quốc phòng về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng và bảo vệ Tổ quốc; 1 giải A, 2 giải B, 1 giải C của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam. Đặc biệt, năm 2001, với những cống hiến, thành tích công tác của mình, Lê Thị Quỳnh Như đã được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, đảm nhận cương vị Phó Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân khu 4; năm 2012 là Nghệ sĩ Nhân dân, Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân khu 4… Chị đồng thời đạt Huy chương Vì sự nghiệp nghệ thuật múa Việt Nam, Huân chương Chiến công hạng Nhì, Bằng khen của Tư lệnh Quân khu…

Thanh Nga

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/dai-ta-nsnd-le-thi-quynh-nhu-tron-doi-vi-nghiep-mua-post282914.html