Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản gặp mặt doanh nghiệp công nghệ thông tin

Chuyển đổi số của Nhật Bản và khả năng tham gia của các doanh nghiệp công nghệ thông tin (DN CNTT) Việt Nam vào các dự án hợp tác triển khai tiêu biểu với doanh nghiệp, tập đoàn, cũng như chính phủ và các địa phương của Nhật Bản. Đây là nội dung trọng tâm trong Chương trình Gặp mặt doanh nghiệp công nghệ thông tin do Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức vào chiều 28/3.

Với chủ đề “Điểm kết nối giữa doanh nghiệp và cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản”, Chương trình Gặp mặt Doanh nghiệp Công nghệ thông tin đã thu hút được khoảng 30 lãnh đạo của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam tại Nhật Bản, đại diện các Hội Trí thức, VYSA, Doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Đại sứ Phạm Quang Hiệu bày tỏ sự vui mừng khi có sự tham gia của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam tại Nhật Bản, dù đây là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức. Đại sứ Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh, hiện nay có nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam mở chi nhánh tại Nhật Bản và đang ngày càng phát triển lớn mạnh cả về chất và lượng, tham gia sâu vào thị trường Công nghệ thông tin, đóng góp tích cực vào các dự án chuyển đổi số của Nhật Bản, cũng như đóng góp lớn vào giá trị sản phẩm và phát triển - giao lưu hợp tác kinh tế - Công nghệ thông tin giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản.

Đại sứ Phạm Quang Hiệu phát biểu khai mạc hội nghị

Đại sứ Phạm Quang Hiệu cho biết: “Khi trao đổi, gặp gỡ các đối tác Nhật Bản đều đánh giá rất cao về lực lượng làm việc trong lĩnh vực IT của Việt Nam tại Nhật Bản. Có thể nói đây là lực lượng đóng góp rất lớn vào công cuộc chuyển đổi số của Nhật Bản. Cộng đồng làm IT Việt Nam đã bắt đầu khẳng định được chỗ đứng, vị thế của mình trong nền kinh tế Nhật Bản. Điều ấy chúng tôi hết sức tự hào. Tuy nhiên, phải thắng thắn thừa nhận vị thế, chỗ đứng đó chưa đồng đều. Tôi kỳ vọng chúng ta cùng lắng nghe, chia sẻ để có được một bức tranh chung về vị thế, chỗ đứng của chúng ta trong bản đồ chuyển đổi số của Nhật Bản, từ đó hỗ trợ nhau phát triển. Tôi cho rằng, đây là mục đích chính của cuộc gặp này. Đây cũng sẽ là chủ đề xuyên suốt trong quá trình hoạt động sau này”.

Đông đảo lãnh đạo các doanh nghiệp CNTT tham gia hội nghị

Đại sứ Phạm Quang Hiệu cũng nhấn mạnh, hiện nay Nhật Bản đang tích cực phát triển các công nghệ tiên tiến để xây dựng Xã hội 5.0, trong đó ngành IT có vai trò quan trọng, là nền tảng và được sử dụng, ứng dụng trong mọi lĩnh vực từ sản xuất - chế tạo, giao thông, xây dựng, y tế, tài chính - ngân hàng…, mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Trong thời gian tới, nhu cầu IT của Nhật Bản sẽ ngày càng mở rộng, đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển và tham gia sâu hơn nữa vào ngành công nghiệp IT của Nhật Bản, qua đó đóng góp tích cực vào hợp tác phát triển kinh tế hai nước, đặc biệt là hợp tác chuyển đổi số - lĩnh vực hợp tác được Lãnh đạo hai nước quan tâm thúc đẩy.

Đại sứ Phạm Quang Hiệu bày tỏ tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam tại Nhật Bản sẽ ngày càng phát triển, hợp tác có hiệu quả với doanh nghiệp Nhật Bản, đóng góp vào tăng trưởng công nghiệp IT cũng như sự phát triển kinh tế Nhật Bản. Qua đó tạo nhiều việc làm giá trị cao cho người lao động Việt Nam và Nhật Bản, trở thành các doanh nghiệp tiên phong, uy tín và thành công của Việt Nam tại Nhật Bản, đồng thời là cầu nối, mang các công nghệ, ứng dụng IT thành công tại Nhật Bản vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Doanh nghiệp chia sẻ tại hội nghị

Trên cơ sở đó, Đại sứ Phạm Quang Hiệu đề xuất thành lập Hiệp hội các Doanh nghiệp Công nghệ thông tin Việt Nam tại Nhật Bản, qua đó tạo “nhịp cầu kết nối”, hợp tác giữa các doanh nghiệp để cùng phát triển.

Đại diện cho lãnh đạo của các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam tại Nhật Bản, ông Đỗ Văn Khắc - Giám đốc Điều hành của FPT tại Nhật Bản chia sẻ, hiện nay, Nhật Bản đang chạy đua với chuyển đổi số, tăng cường các chuỗi cung ứng, trong đó lựa chọn Việt Nam là một đối tác chiến lược dựa vào vị thế là tâm điểm mới tại châu Á trong lĩnh vực IT, phát triển và vận hành hệ thống phần mềm. Đây là thử thách, đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam nắm bắt, hợp tác và phát triển.

Ông Đỗ Văn Khắc - Giám đốc Điều hành của FPT tại Nhật Bản chia sẻ tại cuộc gặp mặt

“Tôi rất vui mừng nếu như cộng đồng các doanh nghiệp làm về công nghệ, làm về IT, chuyển đổi số của Việt Nam tại Nhật Bản gắn kết lại với nhau, chia sẻ, trao đổi thông tin cho nhau để tạo ra một sức mạnh cho chính các doanh nghiệp. Cơ hội đang có rất nhiều, nếu chúng ta bắt tay nhau, cùng tạo ra nguồn lực, cùng định hướng, tôi tin chắc chắn cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin sẽ lớn mạnh”, ông Đỗ Văn Khắc nói.

Đồng quan điểm trên, ông Trần Xuân Khôi - Giám đốc Điều hành của Công ty VTI tại Nhật Bản cho biết: “Buổi gặp mặt các doanh nghiệp công nghệ thông tin diễn ra rất đúng thời điểm. Việt Nam đang đứng trước những cơ hôi vô cùng to lớn khi các doanh nghiệp Nhật Bản đang phải nỗ lực tìm kiếm các đối tác IT mới và Việt Nam gần như là sự lựa chọn duy nhất của họ. Về đề xuất của Đại sứ Phạm Quang Hiệu về việc tạo ra một hiệp hội các doanh nghiệp công nghệ thông tin ở Nhật Bản là rất tuyệt vời. Chắc chắn VTI sẽ tham gia và đóng một vai trò trong hiệp hội đó”.

Đại sứ Phạm Quang Hiệu và lãnh đạo các doanh nghiệp bày tỏ quyết tâm

Ông Trần Xuân Khôi cũng khẳng định, với vai trò là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực IT lớn của Việt Nam tại Nhật Bản, VTI sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm cho các doanh nghiệp mới hoặc nhỏ hơn để cùng phát triển, đặc biệt là phát triển đội ngũ, nguồn nhân lực Việt Nam làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Nhật Bản ngày càng đông và mạnh mẽ hơn.

Theo thống kê nhanh trong bản đăng ký các doanh nghiệp tham dự buổi gặp mặt do Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức, trong số 17 doanh nghiệp cung cấp thông tin, có tổng số nhân lực tại Nhật Bản là 4.460 nhân viên, doanh thu năm 2023 tại Nhật Bản khoảng 540 triệu đôla (tương đương 13.400 tỷ VNĐ). So với cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản (hiện khoảng gần 600.000 người), tỷ lệ nhân lực trong ngành IT còn khá ít nhưng có đóng góp rất lớn vào giá trị sản phẩm và phát triển - giao lưu hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản.

PV/VOV-Tokyo

Nguồn VOV: https://vov.vn/nguoi-viet/dai-su-quan-viet-nam-tai-nhat-ban-gap-mat-doanh-nghiep-cong-nghe-thong-tin-post1085711.vov