Đại sứ Phạm Sanh Châu: UNESCO cần thúc đẩy hòa bình và cải cách

Chiều 27.4, tại Paris (Pháp) Đại sứ Phạm Sanh Châu - Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Đặc phái viên của Thủ tướng về các vấn đề UNESCO, bước vào vòng phỏng vấn kéo dài 90 phút, ứng tuyển vị trí Tổng Giám đốc UNESCO.

Đại sứ Phạm Sanh Châu. Ảnh: Q.T.

Hòa bình và phát triển bền vững

Trong tóm tắt tài liệu về tầm nhìn đã đệ trình từ đầu tháng 3.2017, Đại sứ Phạm Sanh Châu chọn chủ đề “Một UNESCO mạnh hơn vì hòa bình và phát triển bền vững trong một thế giới đang thay đổi”.

Ông khẳng định: UNESCO cần đảm bảo rằng hòa bình sẽ thắng thế và trở thành mẫu số chung trong mọi tranh luận và chương trình trong UNESCO để tổ chức này đại diện cho lợi ích chung của toàn hể cộng đồng thế giới. Giáo dục công dân toàn cầu cần được hiện thực hóa. Văn hóa tranh luận, sự khoan dung, chấp nhận khác biệt, tôn trọng đa dạng phải là những giá trị phổ quát mà UNESCO tiếp tục khuyến khích các quốc gia ủng hộ mạnh mẽ. Giải quyết các khác biệt với sự tôn trọng nhiệm vụ của UNESCO thông qua đồng thuận.

Đóng góp của UNESCO với chương trình nghị sự năm 2030 của LHQ cũng là ưu tiên cao, trong đó UNESCO đi đầu trong việc hình thành Mục tiêu phát triển bền vững số 4 về Giáo dục. Giáo dục cho tất cả mọi người và bao phủ toàn cầu tiếp tục là nhu cầu khẩn cấp. Các tư tưởng của UNESCO về xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập, học tập suốt đời, giáo dục cho trẻ em gái và phụ nữ cần được thúc đẩy. UNESCO cũng cần chú trọng đến giáo dục kỹ thuật số, làm cho hình thức này dễ tiếp cận hơn với các nước đang phát triển.

Các chương trình di sản văn hóa, mặc dù khó khăn tài chính, cần tiếp tục được ủng hộ mạnh mẽ cả về đạo lý và tài chính. UNESCO cần làm nhiều hơn để bảo tồn bền vững, với việc giám sát chặt chẽ hơn và có cơ chế báo cáo, lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội liên quan đến các di sản. Cần có sự điều phối tốt hơn và làm việc gắn kết hơn giữa các cơ quan điều hành của tất cả các thể chế văn hóa, đó là những điều phải được ưu tiên.

Trong khi nhiều nước đang trải qua biến đổi xã hội, UNESCO phải xác lập các giá trị và nguyên tắc phổ quát, chẳng hạn như đoàn kết toàn cầu, có sự tham gia của tất cả mọi người, chống phân biệt đối xử, bình đẳng giới, tính trách nhiệm, để thực hiện 17 Mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ. Chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn là rất cần thiết. Các giá trị về tự do biểu đạt, tiếp cận thông tin, ký ức thế giới cần được coi trọng trong chương trình nghị sự về thông tin và đó là những quyền nền tảng và trách nhiệm của chúng ta với quá khứ.

Ngoài ra Đại sứ cũng nhấn mạnh tầm nhìn về bình đẳng giới, ưu tiên cho Châu Phi, thúc đẩy cải cách trong UNESCO, giải quyết các khó khăn tài chính.

Tổ chức của lương tâm

Trong buổi trả lời phỏng vấn, thuyết trình, Đại sứ Phạm Sanh Châu nói rằng việc đại diện ra tranh cử Tổng Giám đốc UNESCO là niềm vinh dự lớn với ông. Ông nêu ra 3 tầm nhìn chính trong đề cương phát triển UNESCO của mình, đó là thúc đẩy hòa bình, nhu cầu phải cải cách, và đặc biệt là UNESCO cần phải thay đổi cách tiếp cận, cách truyền thông.

Trả lời câu hỏi của đại diện Đức rằng nếu được bầu làm Tổng Giám đốc, ông sẽ đảm đương trách nhiệm đó như thế nào. Ông khẳng định sẽ nỗ lực trở thành người bạn tin cậy, lắng nghe, quan tâm và kết nối của tất cả các thành viên.

Đại diện Iran đặt câu hỏi về vấn đề đạo đức nói chung và ở trong UNESCO nói riêng?. Đại sứ Châu trả lời, vấn đề đạo đức và lương tâm cần được đặt lên hàng đầu, vì UNESCO là tổ chức của lương tâm, là tổ chức gìn giữ những gì tốt đẹp nhất của loài người. Ưu tiên số 1 của ông là sẽ bảo đảm UNESCO là một tổ chức trong sạch, không có tham nhũng và bê bối.

Đại biểu Argentina đưa ra câu hỏi về tầm ảnh hưởng của UNESCO trong tương lai và nếu như được bầu thì ông Châu sẽ làm như thế nào để có thể kêu gọi được nguồn tài trợ cần thiết cho tổ chức. Đại sứ Phạm Sanh Châu nêu rõ UNESCO hiện nay có 2 nguồn tài trợ đó là đóng góp tài chính bắt buộc và tự nguyện. Trong đó, khoản đóng góp tự nguyện là lĩnh vực mà UNESCO cần phải chú trọng hơn.

Đại diện El Salvador đặt câu hỏi: “UNESCO cần làm gì để chống lại làn sóng cực đoan?”. Ông Phạm Sanh Châu trả lời: Một trong những mục tiêu của UNESCO là thúc đẩy hòa bình và UNESCO cần tiếp tục giữ vững và phát triển mục tiêu đó. UNESCO cũng cần nhấn mạnh rằng truyền bá hòa bình là ưu tiên của tổ chức, đồng thời cần hỗ trợ và giúp đỡ Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guttierez ngăn chặn các thảm họa xảy ra. Ông Châu cho rằng con người cần tôn trọng những khác biệt vốn có của nhau, mới có thể thấu hiểu, chia sẻ và cùng chung sống trong hòa bình. Không chỉ vậy, giáo dục cũng là tối quan trọng trong việc dẫn đến hòa bình.

Có tất cả 9 ứng cử viên từ các châu lục trả lời phỏng vấn trong 2 ngày 26 và 27.4.

V.N (tổng hợp)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/dai-su-pham-sanh-chau-xuat-sac-lot-vong-tiep-theo-tranh-cu-tong-giam-doc-unesco-659828.bld