Đại Nghĩa, Đình Toàn gây ấn tượng trong vở 'Đức thượng công tả quân Lê Văn Duyệt – người mang 9 án tử'

Đức thượng công tả quân Lê Văn Duyệt người mang 9 án tử của nhà hát kịch IDECAF khiến người xem 'rùng mình' với phần thể hiện của Đình Toàn, Đại Nghĩa và các nghệ sĩ khác.

Nhà hát kịch IDECAF đã tổ chức phúc khảo cho vở kịch lịch sử Đức thượng công tả quân Lê Văn Duyệt – người mang 9 án tử tại Nhà hát Thanh niên (Quận 1) vào tối 3-4.

Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt do Đình Toàn đảm nhận. Ảnh: VĂN HÀ

Đức thượng công tả quân Lê Văn Duyệt – người mang 9 án tử (tác giả Phạm Văn Quý, đạo diễn Hoàng Duẩn) nằm trong chương trình Sân khấu sử Việt học đường của Nhà hát kịch IDECAF.

Đình Toàn, Đại Nghĩa gây ấn tượng trong vở về Lê Văn Duyệt

Đức thượng công tả quân Lê Văn Duyệt – người mang 9 án tử của đạo diễn Hoàng Duẩn kể về những giai đoạn lịch sử đặc biệt trong thời vua Minh Mạng.

Trương Tấn Bửu (Quốc Thịnh) và Lê Văn Duyệt (Đình Toàn)

Quân Xiêm đánh thành Nam Vang, Lê Văn Duyệt nhận nhiệm vụ xuất chinh đánh giặc sau đó về đảm nhận trở lại chức tổng trấn Gia Định thành.

Trong quãng thời gian Lê Văn Duyệt gìn giữ bờ cõi, thành Gia Định do Phó Tổng trấn Huỳnh Công Lý (Đại Nghĩa) cai quản.

Thế nhưng sự tham lam, hung bạo của vị Phó tổng trấn đã khiến con dân lầm than, đói khổ khắp nơi. Và trên đường đi chinh phạt quân xâm lược trở về, Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt đã chứng kiến mọi thứ.

Đại Nghĩa gây ấn tượng với vai Phó tổng trấn Gia Định thành Huỳnh Công Lý

Qua đó, nhiều án tích, câu chuyện xoay quanh Lê Văn Duyệt đã được tái hiện. Một vị quan “không chỉ dày dặn ở mảnh đất này mà còn giỏi thu phục lòng dân” đã được kể lại đầy kịch tính nhưng cũng lắm nỗi lòng chưa thể nói hết.

Với một vở kịch lịch sử, quan tham nịnh thần hay những yếu tố xung đột cũng được làm rõ nét như “tiền trảm hậu tấu” hay dùng cha vợ để chế ngự thế lực trung thần để đẩy vở lên kịch tính.

Vua Minh Mạng (Quang Thảo) và Huỳnh Huệ Phi (Mỹ Duyên)

Như lời vua Minh Mạng (Quang Thảo) nói với Huỳnh Huệ Phi (Mỹ Duyên): "Đối với nàng Lê Văn Duyệt là hoạn quan nhưng với ta Lê Văn Duyệt là thần, thần của muôn dân Gia Định thành".

Đảm nhận vai Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt Đình Toàn khiến người xem bất ngờ

Là vai diễn nặng đô, thế nhưng với từng bước đi, câu thoại Đình Toàn khiến người xem như được nhìn thấy một vị tướng, vị quan thanh liêm vì nước vì dân.

Pháp luật chỉ là ngọn roi nhỏ đánh mơn man trên da thịt… nhưng với ta pháp luật nhiệm mầu phải là từ trên đầu đánh xuống. Trị loạn là trị quan chứ không phải trị dân, là phải bỏ đi những áp bức bất công đè nặng lên người dân hàng bao năm qua phải xây dựng lòng dân vững như tường đồng vách sắt… Lật thuyền cũng dân nhưng nâng thuyền cũng là dân

Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt

Bên cạnh vai về Tả quân Lê Văn Duyệt, vai Huỳnh Công Lý Phó tổng trấn Gia Định Thành do Đại Nghĩa đảm nhận khiến người xem không khỏi "nổi da gà".

Với vai diễn của mình, Đại Nghĩa dường như lột tả được hết sự tham lam, nham hiểm độc ác của một tham quan, cậy quyền thế khiến dân lầm than.

Từng ánh mắt, nụ cười, … của Đại Nghĩa càng cho thấy thêm sự lộng hành, coi mạng con dân như cỏ rác của nhân vật Huỳnh Công Lý.

Những phân đoạn “tay đôi” giữa Đình Toàn và Đại Nghĩa cho thấy sự phân rõ thiện ác, tham quan và công thần.

Ngoài Đình Toàn, Đại Nghĩa, nhân vật vua Minh Mạng (Quang Thảo), Đỗ Thị Phận (Hoàng Trinh), Lê Văn Khôi (Hòa Hiệp), Huỳnh Huệ Phi (NSUT Mỹ Duyên)… cũng góp phần giúp vở kịch tính nhưng cũng đầy sự lắng đọng…

Sân khấu Sử Việt học đường và nỗ lực của IDECAF

Sân khấu Sử Việt học đường là ấp ủ từ lâu của Nhà hát kịch IDECAF và ông bầu Huỳnh Anh Tuấn.

Theo ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, chương trình sẽ hướng đến khán giả trẻ là những bạn học sinh, sinh viên.

Cuộc đối đầu giữa Lê Văn Duyệt và Huỳnh Công Lý

Chủ trương của chương trình không chỉ tái hiện những câu chuyện lịch sử mà còn là sân chơi, nơi học tập, tìm hiểu về sử Việt của các bạn trẻ thông qua trang phục, âm nhạc đạo cụ.

Trước đó, Nhà hát kịch IDECAF đã từng thành công rất nhiều vở mang yếu tố Sử Việt như Bí mật vườn lệ chi, Ngàn năm tình sử, Vua thánh triều Lê…

Trở lại với Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử sau thời gian dài, có thể nói Nhà hát kịch IDECAf đã cho thấy sự cố gắng nỗ lực của các diễn viên mà còn là mức độ đầu tư khủng với vở.

Trang phục trong vở được khen ngợi

Cụ thể, để có những trang phục một cách đúng tinh thần lịch sử, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đã tự ra đến Huế tìm hiểu và đến những xưởng cổ phục để đặt may 90 bộ trang phục vua quan cho các diễn viên.

Chia sẻ với PLO trước đó, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết riêng với trang phục ông đã đầu tư hơn 120 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn phải hỗ trợ tiền xe cho các khán giả học sinh sinh viên khi đến xem.

Bên cạnh đó, sự đầu tư về âm nhạc, bối cảnh dàn dựng sân khấu cũng rất công phu. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn dự tính mỗi suất mình sẽ bù lỗ khoảng 20 triệu nhưng với ông điều vui nhất là “học sinh sinh viên là người có lợi nhất”.

Có thể nói, với vở Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử, nhà hát kịch IDECAF đã mang đến một câu chuyện, góc nhìn rất khác góp phần giúp người xem nhìn nhận một cách rõ nét hơn về Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt, người để lại dấu ấn sâu đậm đối với vùng đất Gia Định – Sài Gòn.

Đức thượng công tả quân Lê Văn Duyệt – người mang 9 án tử được dàn dựng từ kịch bản mang tên Người mang 9 án tử của tác giả Phạm Văn Quý

Trước đó, kịch bản của tác giả Phạm Văn Quý đã ra mắt năm 2008 với tên Tả quân Lê Văn Duyệt.

Đến năm 2020, Hoàng Duẩn một lần nữa dựng lại thân thế và sự nghiệp của Tả quân Lê Văn Duyệt qua vở cải lương Án tử

Lần trở lại này, Nhà hát kịch IDECAF đã dựng vở dựa theo kịch bản đã được sửa chữa, biên tập của biên đạo Võ Tử Uyên, đạo diễn Hoàng Duẩn với tên gọi Đức thượng công tả quân Lê Văn Duyệt – người mang 9 án tử.

VĂN HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/dai-nghia-dinh-toan-gay-an-tuong-trong-vo-duc-thuong-cong-ta-quan-le-van-duyet-nguoi-mang-9-an-tu-post783883.html