Đại lý bất động sản - 'người gác cổng' chống rửa tiền của Australia

Cùng với luật sư, kế toán viên và nhà kinh doanh đá quý, các đại lý bất động sản ở Australia có thể đảm nhận vai trò mới và quan trọng trong cuộc chiến chống rửa tiền. Dự luật đề xuất, do Bộ trưởng Tư pháp Mark Dreyfus đưa ra hồi tháng 4.2023, có thể yêu cầu họ đóng vai trò là người gác cổng cho cơ chế chống rửa tiền của đất nước. Động thái này là một phần trong việc mở rộng cái được gọi là phần hai của Luật Chống rửa tiền và tài trợ khủng bố năm 2006.

Tác động tiềm tàng của việc bị đưa vào "danh sách xám"

Dự luật bắt buộc các nhóm kể trên phải báo cáo bất kỳ giao dịch đáng ngờ nào và thực hiện thẩm định đối với những khách hàng khả nghi. Mục tiêu là tăng cường khả năng phòng vệ của Australia trước các khoản tiền bất hợp pháp, đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế do Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF) đặt ra. FATF là tổ chức liên Chính phủ, ban hành các chuẩn mực, thúc đẩy việc thực thi có hiệu quả các biện pháp pháp lý, quản lý và hành động nhằm chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và những hiểm họa có liên quan khác đe dọa sự toàn vẹn của hệ thống tài chính toàn cầu.

Theo FATF, Australia là một trong 5 quốc gia duy nhất trên toàn cầu, cùng với Trung Quốc, Haiti, Madagascar và Mỹ, trong số hơn 200 quốc gia, chưa ký vào các nỗ lực quốc tế để chấm dứt hành động rửa tiền dễ dàng của các nhóm khủng bố. Điều này khiến xứ sở chuột túi trở thành điểm đến hấp dẫn đối với những người muốn rửa tiền bất hợp pháp, gây ra rủi ro đáng kể cho hệ thống tài chính của đất nước.

Theo Bộ trưởng Dreyfus,nếu Australia không cải cách các biện pháp chống rửa tiền hiện tại, nước này có nguy cơ bị FATF "đưa vào danh sách xám". Việc bị đưa vào danh sách có thể gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng, vì nó có thể ngăn cản đầu tư nước ngoài, gây tổn hại đến danh tiếng quốc gia cũng như dẫn đến sự giám sát tài chính chặt chẽ hơn. Mối đe dọa trên nhấn mạnh sự cần thiết phải có các quy định chống rửa tiền mạnh mẽ hơn ở Australia, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Tháng 2.2023, cảnh sát Liên bang Australia đã vạch trần một tổ chức rửa tiền trị giá 10 tỷ USD, đồng thời xác nhận các băng nhóm tội phạm đã rửa tiền bẩn trong lĩnh vực bất động sản trong nhiều năm.

Là một phần của những cải cách được đề xuất, Trung tâm Phân tích và báo cáo các giao dịch Australia (AUSTRAC), cơ quan tình báo tài chính của quốc gia chịu trách nhiệm chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, khuyến nghị áp dụng cơ chế đăng ký quyền sở hữu hưởng lợi. Sổ đăng ký này sẽ mang lại sự minh bạch cao hơn về chủ sở hữu cuối cùng của những tài sản đắt giá nhất Australia. Việc đăng ký như vậy sẽ hỗ trợ các chuyên gia như đại lý bất động sản, bảo đảm rằng họ không giao dịch với các quỹ hoặc cá nhân bất hợp pháp trong danh sách trừng phạt quốc tế.

Nguồn: Business Insiders

Thị trường bất động sản và pháp luật chống rửa tiền của Australia

Nói chung, các quy định chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản ở Australia được thiết kế để ngăn chặn việc rửa tiền và các hoạt động tài chính bất hợp pháp khác. Chúng bảo đảm các giao dịch bất động sản được minh bạch và không tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển các quỹ bất hợp pháp. Các quy định này chủ yếu do AUSTRAC thực thi.

Các khía cạnh chính của quy định chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản Australia bao gồm: Thẩm định chi tiết khách hàng: Các chuyên gia bất động sản, bao gồm đại lý bất động sản, luật sư và bên chuyển nhượng, được yêu cầu thực hiện thẩm định chi tiết đối với khách hàng của họ. Điều này liên quan đến việc xác minh danh tính của người mua và người bán, đồng thời đánh giá rủi ro rửa tiền liên quan đến mỗi giao dịch; Nghĩa vụ báo cáo: Nếu các chuyên gia bất động sản nghi ngờ rằng một giao dịch liên quan đến rửa tiền hoặc các hoạt động đáng ngờ khác, họ phải báo cáo việc đó cho AUSTRAC; Giao dịch ngưỡng: Các giao dịch tiền mặt liên quan đến số tiền vượt quá ngưỡng nhất định (thường là 10.000 AUD trở lên) phải được báo cáo cho AUSTRAC và được sử dụng để giám sát các giao dịch tiền mặt lớn.

Lưu giữ hồ sơ: Các chuyên gia bất động sản phải lưu giữ hồ sơ về các hoạt động thẩm định khách hàng cũng như chi tiết về các giao dịch trong ít nhất 7 năm; Quyền sở hữu hưởng lợi: Các quy định về chống rửa tiền yêu cầu các chuyên gia bất động sản phải xác định và xác minh chủ sở hữu hưởng lợi của tài sản, từ đó giúp ngăn chặn việc sử dụng các công ty vỏ bọc và quỹ tín thác để che giấu nguồn tiền; Đánh giá rủi ro: Các chuyên gia bất động sản phải đánh giá rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình, cũng như thực hiện các biện pháp thích hợp để giảm thiểu những rủi ro này; Đào tạo và nâng cao nhận thức: Các chương trình đào tạo là cần thiết để bảo đảm rằng các chuyên gia bất động sản hiểu biết về các quy định chống rửa tiền và có thể nhận biết cũng như báo cáo các hoạt động đáng ngờ.

Khuôn khổ pháp lý của Australia để chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản chủ yếu bao gồm Luật Chống rửa tiền và tài trợ khủng bố năm 2006 và Bộ luật Hình sự năm 1995. Các luật này bao gồm một loạt hoạt động liên quan đến xử lý tiền hay tài sản có liên quan đến lợi nhuận thu được từ phạm tội hoặc có thể được sử dụng làm công cụ phạm tội. Các hình phạt theo cả hai văn bản pháp lý này khác nhau tùy theo giá trị của tiền hoặc tài sản liên quan và trạng thái tinh thần của bị cáo tại thời điểm phạm tội. Ngoài các hình phạt, Luật Chống rửa tiền và tài trợ khủng bố năm 2006 còn cho phép tịch thu số tiền thu được từ các hoạt động tội phạm. Việc tịch thu có thể được thực hiện ngay cả khi bên mua đã vô tình nhận được tiền mua và sử dụng chúng vào hoạt động kinh doanh của mình.

Linh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nghi-vien-the-gioi-viet-nam-va-the-gioi/dai-ly-bat-dong-san-nguoi-gac-cong-chong-rua-tien-cua-australia-i347976/