ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN TP HCM LẦN THỨ XII (NHIỆM KỲ 2023 - 2028): Chủ động thích ứng, tìm cơ hội trong khó khăn

Mục tiêu mà Công đoàn TP HCM hướng tới là thực hiện tốt chức năng của tổ chức Công đoàn, tăng cường củng cố niềm tin, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp người lao động

Đại hội Công đoàn TP HCM khóa XII (nhiệm kỳ 2023-2028) đã bế mạc vào sáng 24-9 sau 4 phiên làm việc chính thức. Tại phiên làm việc trọng thể sáng 24-9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên và ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đã đến dự.

Nâng cao năng lực đại diện

Trong 4 phiên làm việc, 549 đại biểu đã dành thời gian, trí tuệ thảo luận, góp ý phương hướng hoạt động của tổ chức Công đoàn và phong trào CNVC-LĐ 5 năm tới, các chương trình trọng tâm, hệ thống các chỉ tiêu cũng như đưa ra những giải pháp cụ thể để thực hiện.

Trong nhiệm kỳ mới, hệ thống Công đoàn thành phố sẽ tập trung triển khai ba khâu đột phá theo định hướng của Tổng LĐLĐ Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028 gồm: Tập trung đối thoại, thương lượng tập thể, mang lại lợi ích cho đoàn viên, người lao động (NLĐ), trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, điều kiện và thời giờ làm việc; xây dựng đội ngũ chủ tịch Công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch Công đoàn tại doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động, ưu tiên lĩnh vực quản lý đoàn viên và tài chính.

Đồng thời, Công đoàn thành phố sẽ triển khai 3 chương trình trọng tâm gồm nâng cao năng lực đại diện, hiệu quả thương lượng tập thể, đối thoại tại nơi làm việc, thực hành dân chủ ở cơ sở; nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở, đổi mới công tác vận động, tập hợp NLĐ vào Công đoàn; đẩy mạnh hoạt động trợ vốn, tín dụng cá nhân, tích cực tham gia phòng chống tín dụng đen trong công nhân lao động (CNLĐ). Công đoàn TP HCM cũng đặt ra 12 chỉ tiêu cụ thể, trong đó phấn đấu đến hết năm 2028 sẽ có 1,98 triệu đoàn viên trở lên.

Lãnh đạo Thành ủy TP HCM, Tổng LĐLĐ Việt Nam trò chuyện với đại biểu và khách mời tại phiên bế mạc Đại hội XII Công đoàn TP HCM

Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, thực hiện thắng lợi mục tiêu, các chỉ tiêu, chương trình trên, Công đoàn thành phố đề ra 7 nhóm giải pháp chủ yếu. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là nâng cao năng lực đại diện, thương lượng, khả năng tự phòng vệ trong quan hệ lao động, hiệu quả tư vấn; đề xuất cơ chế, chính sách; nâng cao chất lượng phúc lợi dành cho đoàn viên - lao động. Nhất là công tác chăm lo phải hướng đến được số đông NLĐ, không bỏ sót đối tượng gặp khó khăn, phát huy tối đa nguồn lực, sự chủ động của cơ sở chăm lo cho đoàn viên, NLĐ tại chỗ.

Mặt khác, Công đoàn tham gia tích cực, thực chất vào công tác xây dựng pháp luật, phản biện chính sách, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các lĩnh vực liên quan đến lao động, việc làm, quan hệ lao động. Mục tiêu mà Công đoàn TP HCM hướng tới thực hiện tốt chức năng của tổ chức Công đoàn, tăng cường củng cố niềm tin, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp NLĐ, xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất của CNLĐ.

Tăng cường các nguồn lực chăm lo

Tại phiên bế mạc, tập thể Ban Chấp hành (BCH), Ban Thường vụ, Thường trực LĐLĐ TP HCM khóa XII (nhiệm kỳ 2023-2028) đã ra mắt tại đại hội.

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, nhấn mạnh: "Mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ mà đại hội XII Công đoàn thành phố đề ra vừa là thời cơ cũng là thuận lợi để BCH khóa mới tiếp tục phát huy những thành quả của các nhiệm kỳ trước. LĐLĐ thành phố mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Thành ủy, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cùng sự hợp tác, giúp đỡ của các ngành, các cấp Công đoàn, sự kiểm tra giám sát của đoàn viên thành phố. Tập thể BCH khóa mới sẽ tổ chức triển khai Nghị quyết đại hội, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống".

Ban Chấp hành LĐLĐ TP HCM nhiệm kỳ 2023-2028 ra mắt đại hội. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - khẳng định những kết quả đạt được của Công đoàn thành phố trong nhiệm kỳ qua đã đóng góp đặc biệt quan trọng vào thành tích chung của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Định hướng cho hoạt động Công đoàn thành phố giai đoạn tới, ông Khang cho biết những năm tới, lực lượng lao động thành phố dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh, nhất là lao động có trình độ cao. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, đồng thời cũng là áp lực đối với tổ chức Công đoàn trong bối cảnh các quy định của pháp luật về lĩnh vực lao động dự báo tiếp tục có những thay đổi lớn, căn bản.

"Tình hình đó đặt ra yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động Công đoàn, đòi hỏi từng cấp Công đoàn, mỗi cán bộ Công đoàn cần ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình đối với tổ chức, với đoàn viên - lao động" - ông Khang nhấn mạnh.

Ông Khang cũng yêu cầu các cấp Công đoàn thành phố chủ động nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất, tham mưu kịp thời với Ban Thường vụ Thành ủy, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam các chủ trương, định hướng lớn phát triển phong trào CNVC-LĐ và hoạt động Công đoàn thành phố; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, đồng hành với DN để tăng cường nguồn lực chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ.

Ông NGUYỄN VĂN NÊN, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM:

Nghiên cứu, sáng tạo những phương thức và mô hình mới

Thời gian tới, với định hướng cơ cấu lại tổng thể kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thì chắc chắn sẽ có nhiều tác động, thay đổi, vì vậy cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để vượt qua các thử thách. Mặt khác, các ngành nghề sản xuất, kể cả phi chính thức ít thâm dụng lao động hơn; lực lượng lao động đòi hỏi trình độ, kỹ năng và tay nghề cao hơn. Lúc đó, hoạt động Công đoàn và phong trào CNVC-LĐ thành phố sẽ đối mặt với thử thách không hề nhỏ. Do vậy, sau đại hội, các cấp Công đoàn cần triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ Công đoàn và CNVC-LĐ để không bị động và luôn sẵn sàng tâm thế thích ứng, tìm thấy những cơ hội trong khó khăn.

Từ những đặc điểm nêu trên, đặt ra yêu cầu đổi mới tư duy về tổ chức và phương thức hoạt động Công đoàn. Đó là phải quán triệt sâu sắc mục tiêu xuyên suốt là xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh, toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra; làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối trong mối quan hệ mật thiết giữa Thành ủy, UBND thành phố, lực lượng CNLĐ... tiếp tục là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Tiếp đến, cần nghiên cứu, sáng tạo những phương thức và mô hình mới, phù hợp với đặc điểm thực tiễn tại TP HCM, thích ứng với bối cảnh đổi mới mô hình tăng trưởng, hội nhập quốc tế sâu rộng; huy động nguồn lực bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ Công đoàn. Song song đó, Công đoàn thành phố cần xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách Công đoàn, nhất là người đứng đầu đủ năng lực, tâm huyết, bản lĩnh, sáng tạo gắn bó với CNLĐ, có tri thức khoa học và kỹ năng ứng phó, giải quyết vấn đề.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/dai-hoi-cong-doan-tp-hcm-lan-thu-xii-nhiem-ky-2023-2028-chu-dong-thich-ung-tim-co-hoi-trong-kho-khan-20230924193325494.htm