Đại học Mỹ thuật Công nghiệp: Năm 2023, điểm chuẩn ngành Điêu khắc thấp nhất

Trong những năm gần đây, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp chỉ sử dụng 1 phương thức tuyển sinh duy nhất.

Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp là trường công lập chuyên đào tạo Mỹ thuật Công nghiệp, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp có cơ sở đào tạo tại số 360 đường La Thành, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội, với tổng diện tích 17.704 m2.

Hiện, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường là thầy Bùi Trung Dũng; Tiến sĩ Phạm Hùng Cường giữ chức Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Sứ mạng của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp là “cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu về lĩnh vực thiết kế mỹ thuật ứng dụng trong hệ thống giáo dục Việt Nam; cung cấp nguồn nhân lực - họa sĩ, họa sĩ thiết kế có trình độ đại học, sau đại học chất lượng cao, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”.

Về lịch sử phát triển, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp được thành lập ngày 8 tháng 7 năm 1949, tiền thân là Trường Quốc gia Mỹ nghệ.

Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Ảnh: Website nhà trường

Ngày 16 tháng 11 năm 1984, theo quyết định số 148/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), trường đổi tên và trở thành Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.

Theo website của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, sau khi được thay đổi và nâng cấp giáo dục từ trình độ cao đẳng lên trình độ đại học, nhà trường tiếp tục là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội với 13 chuyên ngành thuộc hệ đào tạo bậc đại học.

Năm 2000, trường được Bộ giáo dục và Đào tạo cho phép mở hệ Cao học với 2 ngành: Lý luận và lịch sử Mỹ thuật Ứng dụng, Thiết kế Mỹ thuật Ứng dụng.

Những thay đổi tuyển sinh đại học chính quy đáng chú ý

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam qua đề án tuyển sinh của trường, những năm gần đây, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp chỉ áp dụng 1 phương thức tuyển sinh duy nhất là kết hợp thi tuyển và xét tuyển.

Về thi tuyển, thí sinh bắt buộc phải thi hai môn năng khiếu là Bố cục màu (môn thi năng khiếu 1) và Hình họa (môn thi năng khiếu 2) do nhà trường tổ chức.

Tuy nhiên, về xét tuyển, nếu như trước đây nhà trường dựa trên cả kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc kết quả học tập trung học phổ thông thì kể từ năm 2020 đến nay, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp chỉ sử dụng phương thức kết hợp kết quả học tập trung học phổ thông (điểm học bạ) với điểm thi năng khiếu để xét tuyển (Mã phương thức: MTC406).

Trong đó, xét tuyển là sử dụng kết quả học tập theo học bạ trung học phổ thông: Trung bình cộng môn Toán hoặc Ngữ Văn trong 05 học kỳ từ học kỳ I lớp 10 đến hết học kỳ II lớp 12.

Tiếp đến, thí sinh được lựa chọn một trong hai tổ hợp: H00 (Ngữ Văn - Năng khiếu 1 - Năng khiếu 2); hoặc H07 (Toán - Năng khiếu 1 - Năng khiếu 2).

Ngoài ra, công thức quy định tính điểm xét tuyển là:

Điểm xét tuyển = (Điểm Toán hoặc Ngữ Văn × 1 + Điểm môn Bố cục màu × 2 + Điểm môn Hình học × 2) × 3/5 + Điểm ưu tiên (nếu có).

Mã ngành và tổ hợp xét tuyển của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp trong những năm gần đây

Để có góc nhìn tổng quan hơn về bức tranh tuyển sinh của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, phóng viên đã cập nhật biểu đồ thống kê về tổng chỉ tiêu tuyển sinh và chỉ tiêu những ngành cao nhất qua các năm:

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh và những ngành có chỉ tiêu cao nhất của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp qua các năm.

Theo số liệu nêu trong đề án tuyển sinh của các năm, có thể thấy, chỉ tiêu của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đều ở mức thấp so với các cơ sở đào tạo khác trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng thời, chỉ tiêu của trường không có nhiều biến động trong những năm qua.

Nếu tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường giữ ở mức 450 trong cả hai năm 2019 và 2020 thì chỉ tiêu trong những năm sau có xu hướng giảm xuống, từ năm 2021 đến 2023 đều là 419 sinh viên.

Hơn nữa, Thiết kế Đồ họa và Thiết kế Nội thất là hai ngành luôn có chỉ tiêu tuyển sinh và số sinh viên nhập học cao nhất toàn trường.

Trong hai năm 2019 và 2020, ngành Thiết kế Nội thất có chỉ tiêu nhiều nhất là 112 sinh viên. Tuy nhiên, ba năm trở lại đây, ngành Thiết kế Đồ họa đã tăng chỉ tiêu cao hơn (năm 2022 và 2023 đạt cột mốc 150 sinh viên).

Dưới đây là biểu đồ so sánh biến động điểm chuẩn trúng tuyển giữa một số ngành đào tạo đại học chính quy trong 4 năm trở lại đây:

Điểm chuẩn một số ngành học của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp qua các năm.

Về điểm chuẩn qua các mùa tuyển sinh của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, ngành Thiết kế Đồ họa luôn giữ vị trí đầu tiên trong top ngành học có điểm chuẩn cao nhất toàn trường. Trong ba năm 2020-2022, điểm trúng tuyển ngành này có xu hướng dao động nhẹ dần từ 21.46 đến 21.75. Đáng chú ý, năm học 2023-2024, Thiết kế Đồ họa tăng lên mức điểm 23.75.

Ngành Thiết kế Nội thất nằm ở vị trí thứ hai trong top các ngành có điểm trúng tuyển cao nhất trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Từ năm 2020 đến 2021, điểm chuẩn ngành này có sự giảm nhẹ từ 19.56 xuống 19.32. Song, trong ba năm gần đây, ngành Thiết kế Nội thất tăng điểm trở lại và đạt 22.25 vào năm 2023.

Nằm trong danh sách những ngành học có điểm chuẩn thấp nhất toàn trường, ngành Điêu khắc có sự sụt giảm giữa năm 2020 và 2021, nhưng tăng dần đều ở các năm sau. Riêng năm học 2023-2024, điểm trúng tuyển ngành này đứng vị trí thấp nhất, chỉ 21.15.

Lưu Diễm

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dai-hoc-my-thuat-cong-nghiep-nam-2023-diem-chuan-nganh-dieu-khac-thap-nhat-post240974.gd