Đại học Harvard danh tiếng bị điều tra vì chính sách tuyển sinh không công bằng

Theo Reuters, gần đây Bộ Giáo dục Hoa Kỳ điều tra Đại học Harvard vì chính sách tuyển sinh ưu tiên gia đình của cựu sinh viên hay các nhà tài trợ cho trường.

Văn phòng Dân quyền của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ đã mở cuộc điều tra sau khi ba nhóm dân quyền nộp đơn khiếu nại vào đầu tháng 7 này, họ lập luận rằng việc Harvard ưu tiên cho các ứng viên đại học "kế thừa" mang lại lợi ích quá lớn cho sinh viên da trắng, vi phạm luật dân quyền liên bang.

Theo đơn khiếu nại, các ứng viên có quan hệ thừa kế hoặc tài trợ cho trường đại học của Harvard, có khả năng được nhận cao hơn từ sáu đến bảy lần so với những ứng viên thông thường. Gần 70% ứng viên nộp đơn vào trường là người da trắng, có quan hệ gia đình hoặc liên quan tới những người tài trợ.

Những số liệu này được tính toán từ dữ liệu đã được công khai sau vụ kiện mà Tòa án Tối cao Hoa Kỳ công bố phán quyết vào tháng 6. Bộ Giáo dục sẽ thu thập thêm dữ liệu trong quá trình điều tra.

Trường Đại học Harvard

Ngày 25/7, người phát ngôn của Harvard đã tuyên bố “Harvard vẫn tận lực để khuyến khích nhiều sinh viên đến từ nhiều hoàn cảnh khác nhau để đăng ký nhập học”. Ngoài ra, họ cho biết đang xem xét các khía cạnh trong chính sách tuyển sinh của trường để đảm bảo sự đa dạng về cộng đồng sinh viên sau phán quyết của Tòa án Hoa Kỳ.

ĐH Wesleyan và ĐH Minnesota - Twin Cities tuyên bố họ sẽ ngừng áp dụng chính sách "tuyển sinh theo diện quen biết" vào tháng 7, sau khi một số cơ sở giáo dục đại học khác của Hoa Kỳ đã từ bỏ chính sách này trong những năm gần đây.

Oren Sellstrom - Giám đốc tranh tụng của tổ chức Luật sư vì Dân quyền (một trong 3 nhóm khiếu nại nói trên), đã phát biểu rằng “Nói một cách đơn giản, Harvard đã đi ngược lại lịch sử”.

Một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Đại học Harvard và Đại học Brown, thông qua hàng trăm nghìn đơn đăng ký vào 12 tổ chức học thuật hàng đầu tại Hoa Kỳ, bao gồm 8 trường đại học trong nhóm Ivy League đã chỉ ra những điều sau.

Các bài kiểm tra như SAT hoặc ACT giúp tạo sân chơi công bằng cho các ứng viên. Tuy nhiên, nếu hai thí sinh có cùng điểm thi, các trường đại học thường có xu hướng chọn ứng viên là con em của cựu sinh viên hoặc các ứng viên có khả năng thể thao.

Theo đó, các ứng viên có điều kiện từng học tại các trường tư thục được đánh giá cao hơn cho các tiêu chí phi học thuật, bao gồm các hoạt động ngoại khóa, nhiều thành tựu phi học thuật và lời giới thiệu từ giáo viên.

Ngoài ra, con em trong các gia đình thuộc top giàu có khả năng được nhận cao hơn 34% so với các ứng viên thông thường, thậm chí với các gia đình siêu giàu thì khả năng nhận lên đến 220%.

Thanh Thúy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dai-hoc-harvard-danh-tieng-bi-dieu-tra-vi-chinh-sach-tuyen-sinh-khong-cong-bang-264034.html