Đại Giác cổ tự - ngôi chùa cổ nhất Nam Bộ

Chùa Đại Giác là một trong những ngôi chùa cổ nhất Nam Bộ xưa, được dựng từ năm 1412, ban đầu chỉ là một cái am nhỏ lợp tranh thờ Phật.

Chùa Đại Giác tọa lạc ở số 393/A2, ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, trong vùng đất cổ cù lao Phố. Chùa thường gọi là chùa Phật lớn (có tượng Phật A Di Đà lớn). Chùa thuộc hệ phái Bắc tông. Mặt tiền chùa hướng Tây Bắc, nhìn ra sông Đồng Nai.

Chùa Đại Giác là một nơi tâm linh được người dân gửi gắm những ý nguyện, cầu mong của mình cho một năm may mắn, mưa thuận gió hòa. Ngôi chùa có quang cảnh đẹp, thư thái, thanh tịnh giúp xua tan lỗi ưu lo của phật tử.

Theo tài liệu còn lưu tại Giáo hội Phật giáo Thành phố Biên Hòa, thì vào giữa thế kỷ 17 có ba nhà sư thuộc phái Lâm Tế tông, từ miền Trung đến Đồng Nai hoằng hóa đạo Phật. Nhà sư Thành Nhạc cùng một số phật tử đến vùng đất ven sông Đồng Nai (nay là xã Bửu Hòa, TP. Biên Hòa) dựng lên chùa Long Thiền (1664); nhà sư Thành Trí theo đoàn di dân làm nghề khai thác đá lên vùng núi Bửu Long cùng người Hoa ở đây dựng lên Chùa Bửu Phong (1679), nhà sư Thành Đẳng, cùng một số người chèo ghe, thuyền đến Cù lao Phố (nay là xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa) khẩn hoang và dựng lên chùa Đại Giác (1665).

Chùa Đại Giác có diện tích khoảng 3.000 m2 với hai cổng xây bằng gạch ra vào, xung quanh có tường rào bao bọc. Sau nhiều lần trùng tu, hiện nay chùa cất theo lối chữ tam (三) với ba dãy nhà ngang nối liền nhau.

Mặt tiền chùa quay theo hướng Tây Bắc nhìn ra sông Đồng Nai. Giữa sân trước chùa là một cây bồ đề lớn, do Hòa thượng Đinh Tông trồng vào ngày rằm tháng 11 năm Kỷ Mão (1939) và pho tượng Phật Quan âm Nam Hải đứng trên tòa sen. Bên tả và phía sau là khu vườn rộng trồng cây trái, bên hữu là khu bảo tháp với nhiều mộ tháp của các vị trụ trì viên tịch.

Tuy bên ngoài, mái hiên chùa thấp và có lối kiến trúc hiện đại, nhưng bên trong chùa, vẫn còn theo kiểu mẫu của các chùa xưa ở vùng Đồng Nai, với các cột tròn và cao vút, tạo không gian thoáng đãng. Chùa gồm chánh điện, nhà khách, phòng chư tăng, trai đường và nhà bếp.

Nội thất chùa có nhiều hoành phi câu đối. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Từ trên xuống, chính giữa thờ bộ Tam Tôn: đức Phật A Di Đà, Bồ tát Quan Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí; tượng đức Phật Thích Ca đắc đạo và hai tượng Thích Ca trì bình khất thực đứng hai bên (kiểu tượng Phật giáo Nam Tông); tượng đức Phật Thích Ca, tượng Đản sanh, tượng Tiêu Diện, tượng hai vị Hộ Pháp; tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu; tượng Thất Phật Dược Sư…

Phía trước có bàn thờ Hộ Pháp và Tiêu Diện. Hai bên hông có bàn thờ Thập điện Minh Vương, bàn thờ Già Lam và bàn thờ Đạt Ma. Bàn thờ Tổ ở sau điện Phật, thờ tượng Đạt Ma tổ sư cùng di ảnh, linh vị chư tổ.

Mời độc giả xem thêm video Mục sở thị ngôi chùa trắng huyền ảo giữa những tầng mây:

Thục Anh - Hải Đăng

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/dai-giac-co-tu-ngoi-chua-co-nhat-nam-bo-1955864.html