Đại gia Vĩnh Phúc muốn làm Khu du lịch sinh thái giữa Vườn quốc gia Tam Đảo

Nếu dự án của Liên danh Sông Hồng Tam Đảo và Sông Hồng Thủ Đô hoàn thiện các thủ tục pháp lý và được cấp phép thì một tổ hợp dịch vụ vui chơi, nghỉ dưỡng với hàng loạt công trình xây dựng sẽ cắm xuống rừng tự nhiên tại Vườn quốc gia Tam Đảo.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa thực hiện lấy ý kiến cộng đồng về Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) liên quan đến dự án xây mới công trình khách sạn (225 phòng) và các khu bungalow thiết kế tiêu chuẩn 4 sao trong Vườn quốc gia Tam Đảo.

Theo báo cáo ĐTM, dự án "Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí số 13, Vườn quốc gia Tam Đảo" có địa điểm tại Vườn quốc gia Tam Đảo, thuộc địa phận xã Tam Quan (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) và xã Quân Chu (huyện Đại Từ, Thái Nguyên). Tổng diện tích thuê môi trường rừng tại Vườn quốc gia Tam Đảo để thực hiện dự án là 35,7ha (thời hạn thuê 30 năm). Chủ dự án là liên danh Công ty Cổ phần Sông Hồng Tam Đảo - Công ty Cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô.

Phối cảnh công trình khách sạn và bungalow. (Nguồn: Báo cáo ĐTM dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí số 13, Vườn quốc gia Tam Đảo).

Đáng lưu ý, chính báo cáo ĐTM do ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sông Hồng Tam Đảo ký đã thể hiện các yếu tố nhạy cảm về môi trường liên quan đến việc đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sản xuất sang mục đích khác là 35,73ha.

Theo báo cáo ĐTM của chủ đầu tư trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định thì hiện trạng rừng khu vực thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí số 13 bao gồm: Rừng phục hồi, đất trống có cây gỗ tái sinh, rừng hỗn giao gỗ - tre nứa và các loại đất khác.

Thông tin ban đầu chủ đầu tư dự kiến sẽ xây dựng mới công trình khách sạn có quy mô 225 phòng và các bungalow thiết kế đạt tiêu chuẩn 4 sao cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ kèm theo. Cùng với đó là các nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng hạ tầng kỹ thuật như san nền thiết kế, cao độ phục vụ công tác quy hoạch giao thông, thoát nước mưa, thoát nước thải, cấp nước, thông tin liên lạc, phòng cháy chữa cháy, cây xanh, cảnh quan, vệ sinh môi trường...

Cũng trong rừng tự nhiên Tam Đảo, Liên danh Sông Hồng Tam Đảo - Sông Hồng Thủ đô dự kiến xây dựng Khu đài quan sát với diện tích hơn 4.300 m2; xây dựng khu cây xanh, Vườn hoa nghệ thuật hơn 59.000 m2, rừng sinh thái tự nhiên hơn 254.000 m2… Chuyển rừng thành đất giao thông khoảng hơn 16.000 m2 và bãi đỗ xe, công trình hạ tầng kỹ thuật… Tổng diện tích đất dịch vụ, công cộng của dự án là hơn 5.500 m2, đất khu biệt thự nghỉ dưỡng và bungalow hơn 15.230 m2...

Sơ đồ vị trí thực hiện dự án. (Nguồn: Báo cáo ĐTM dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí số 13, Vườn quốc gia Tam Đảo).

Đối với hạng mục xây dựng khách sạn giữa rừng Tam Đảo, chủ đầu tư dự kiến xây dựng khách sạn có 2 tầng hầm, 3 tầng nổi và 1 tầng tum với đầy đủ các dịch vụ như: Khu bể bơi, không gian sảnh, khu dịch vụ, phòng thay đồ, khu massage… Thông tin sơ bộ ban đầu thể hiện, tổng mức đầu tư của dự án này là 567 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng chiếm 481 tỷ đồng. Về tiến độ, dự kiến giai đoạn quý 1/2024 - quý 2/2025 dự án sẽ triển khai thi công xây lắp và lắp đặt thiết bị; kết thúc và đưa vào khai thác, sử dụng vào quý 3/2025.

Như vậy, nếu dự án của Liên danh Sông Hồng Tam Đảo và Sông Hồng Thủ Đô hoàn thiện các thủ tục pháp lý và được cấp phép thì một tổ hợp dịch vụ vui chơi, nghỉ dưỡng với hàng loạt công trình xây dựng sẽ cắm xuống rừng tự nhiên Tam Đảo.

Trong khi đó, theo kết quả kiểm kê, điều tra rừng, vị trí thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí số 13, Vườn quốc gia Tam Đảo có hiện trạng chính là rừng tự nhiên.

Trao đổi với báo chí, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - chuyên gia kiến trúc, quy hoạch - cho biết: "Các khu nghỉ dưỡng quy mô lớn không nên "đụng" đến cảnh quan của vườn quốc gia, bởi hiện nay Vườn quốc gia Tam Đảo đã có quá nhiều các công trình lớn, bê tông hóa".

"Tuy nhiên trong những năm qua chúng ta lại đốt cháy giai đoạn, phát triển kinh tế quá vội vàng, đã nhiều lần Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở, yêu cầu các bộ, ngành kiểm tra tình trạng bê tông hóa khu vực rừng Vườn quốc gia Tam Đảo", ông Tùng nói.

Ở một động thái có liên quan, UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa giao Sở NN&PTNT triển khai các giải pháp phục hồi và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đặc biệt là rừng đầu nguồn trên địa bàn.

Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, xây dựng các công trình trên đất rừng trái quy định.

Xử lý dứt điểm triệt để các vấn đề tồn đọng, tranh chấp đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; liên quan đến Công ty lâm nghiệp, Vườn quốc gia Tam Đảo và Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Đông Bắc bộ, Trung tâm Phát triển lâm, nông nghiệp Vĩnh Phúc đối với diện tích đất rừng bị chồng lấn, tranh chấp, lấn chiếm.

Đối với các chủ rừng, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định và rà soát lại toàn bộ hợp đồng thuê dịch vụ môi trường rừng, hợp đồng giao khoán rừng,…

"Chủ rừng phải chịu trách nhiệm toàn diện với những vụ cháy rừng, phá rừng, mất rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc phạm vi địa bàn quản lý", lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ.

HT

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/dai-gia-vinh-phuc-muon-lam-khu-du-lich-sinh-thai-giua-vuon-quoc-gia-tam-dao-d45571.html