Đại gia nước ngoài vung tiền mua công ty tài chính Việt

Dù đang trải qua giai đoạn khủng hoảng, lợi nhuận sụt giảm, nợ xấu tăng cao, nhưng thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam vẫn có sức hút lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài khi khối ngoại chi lớn để sở hữu công ty tài chính top đầu trong nước.

Nhiều chuyên gia cho rằng với việc tham gia thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài như Lotte, AEON Financial, KBank, UOB, Krungsri…, thì trong vòng vài năm tới, “miếng bánh” thị phần tài chính tiêu dùng sẽ có sự chuyển dịch mạnh. Sự cạnh tranh sẽ diễn ra gay gắt hơn, nhưng kéo theo những thay đổi tích cực về hoạt động kinh doanh, cơ chế lãi suất… nhằm giành giật thị phần.

Cho vay tiêu dùng hút vòng vốn ngoại

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) vừa ký kết hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu Điện (PTF) cho Công ty AEON Financial của Nhật Bản, với giá trị thương vụ chuyển nhượng là 4.300 tỷ đồng.

Trước đó, tháng 3/2023, UOB thông báo đã hoàn tất việc mua mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam, gồm các danh mục cho vay tín chấp và có bảo đảm, các mảng kinh doanh quản lý tài sản và ngân hàng bán lẻ tiền gửi.

SeABank vừa chuyển nhượng 100% vốn tại PTF cho Công ty AEON Financial của Nhật Bản.

Tháng 6/2023, SHB hoàn tất chuyển nhượng 50% cổ phần SHBFinance cho Krungsri Bank. Trong 3 năm tiếp theo, SHB sẽ tiến hành chuyển nhượng toàn bộ 50% cổ phần đang nắm giữ còn lại cho Krungsri Bank. Tổng giá trị thương vụ được ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng.

Còn theo nguồn tin của Reuters, Kasikornbank (KBank), ngân hàng lớn thứ hai của Thái Lan đang đàm phán để mua lại Công tài chính tiêu dùng Home Credit Việt Nam. Thỏa thuận có giá trị lên tới 1 tỷ USD, với mục tiêu mở rộng hơn nữa hoạt động của KBank tại Việt Nam.

Hiện nay, một số ngân hàng cũng lên kế hoạch thoái vốn tại công ty tài chính tiêu dùng, như Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) lên kế hoạch bán 100% vốn tại Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng Đồng (FCCOM) trong năm nay…

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB, ngân hàng này đang tiếp xúc với 2 - 3 nhà đầu tư ngoại về việc chuyển nhượng FCCOM. Tuy nhiên, để đảm bảo bảo lợi ích cho cổ đông, Ban lãnh đạo MSB sẽ nghiên cứu lại phương án thoái vốn.

Trong 5 năm gần đây, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Dù vậy, quy mô dư nợ vay tiêu dùng của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 27,17% GDP so với tỷ lệ trung bình 60-70% GDP của các nước trong khu vực châu Á. Các chuyên gia nhận định thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết đến 31/8/2023, dư nợ cho vay phục vụ đời sống toàn hệ thống đạt khoảng 2,67 triệu tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 0,35% so với 31/12/2022. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của 16 công ty tài chính là 135.945 tỷ đồng (chiếm khoảng hơn 5% dư nợ cho cho vay phục vụ đời sống).

“Cho vay tiêu dùng tại Việt Nam vẫn là một thị trường hết sức tiềm năng. Mặc dù thị trường này đang gặp khó khăn tạm thời, song vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển. Chính vì vậy, các nhà đầu tư có tiềm lực nhìn vào triển vọng thị trường, tin tưởng vào chính sách của Chính phủ, vẫn sẵn sàng đổ vốn vào lĩnh vực này”, ông Hùng nhận định.

Tính đến nay, các công ty tài chính đã hỗ trợ được khoảng 30 triệu người tiếp cận vốn vay, với dư nợ bình quân 35 - 50 triệu đồng/người.

Theo ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc điều hành Khối Dịch vụ nghiên cứu thị trường và Tư vấn của FiinGroup, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia châu Á có thị trường tài chính tiêu dùng giàu tiềm năng với dân số 100 triệu người, độ tuổi trung bình trẻ (33,7 tuổi) cùng với sự phát triển kinh tế ổn định, mức tiêu dùng của người dân ngày càng tăng.

“Mảnh đất màu mỡ”, tại sao ngân hàng vẫn muốn bán?

Có thể thấy, “miếng bánh” cho vay tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn rất hấp dẫn và để thâm nhập vào thị trường này, các nhà đầu tư nước ngoài chọn con đường mua bán và sáp nhập (M&A) để dễ dàng tiếp cận và thâu tóm hơn. Thực tế, thời gian qua, thị trường đã chứng kiến nhiều thương vụ thành công như Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC - FE Credit, Shinhan Card - Công ty tài chính Prudential Việt Nam; TechcomFinance - Lotte Card; HDFinance - Tập đoàn tài chính Credit Saison, Mcredit - Shinshei…

Nhìn chung, các ngân hàng Việt Nam vẫn đang có xu hướng bán mảng tín dụng tiêu dùng cho các đối tác ngoại sau khi xây dựng mạng lưới rộng khắp, đồng thời có được giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực đặc thù này - điều mà các ngân hàng ngoại rất khó thực hiện.

Câu hỏi đặt ra là thị trường tín dụng tiêu dùng đang được coi là “mảnh đất màu mỡ”, tại sao ngân hàng vẫn muốn bán?

Nhiều chuyên gia cho rằng ngân hàng bán công ty tài chính là “một mũi tên trúng nhiều đích”, vừa thu về một khoản tiền lớn để nâng cao năng lực tài chính, vừa chia sẻ rủi ro. Trong khi đó, việc mua lại công ty tài chính giúp nhà đầu tư ngoại mở rộng thị phần tại Việt Nam.

Theo đánh giá của ông Kenji Fujita, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc AEON Financial: "Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh so với các nước trong khu vực. Ngoài việc cung cấp các khoản vay cá nhân, chúng tôi cũng dự định trong tương lai sẽ phát hành thẻ tín dụng. Chúng tôi sẽ đóng góp càng nhiều càng tốt vào thị trường tài chính Việt Nam bằng kiến thức đã tích lũy của mình tại Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác".

Trao đổi với VnBusiness, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng cho rằng việc các ngân hàng thoái vốn khỏi công ty tài chính tiêu dùng không chỉ mang lại nguồn thu nhập lớn, mà còn nhằm tập trung vào những mảng kinh doanh cốt lõi cũng như hạn chế tình trạng “giẫm chân” nhau. Bởi, không ít nhà băng vẫn phát triển mảng cho vay bán lẻ, bao quát khách hàng hộ gia đình, cá nhân nhỏ lẻ, hoặc đang phát triển riêng biệt mảng ngân hàng số để phục vụ nhóm khách hàng này.

Ông Andrew Vo, Phó Tổng Giám đốc SeABank cho biết việc chuyển nhượng vốn cho AEON Financial sẽ giúp SeABank có thêm nguồn lực về tài chính để đầu tư vào công nghệ thông tin, dựa trên đó sẽ có những sản phẩm tốt hơn, đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Linh cũng cho hay, MSB có định hướng thoái vốn tại các công ty con và tập trung vào lĩnh vực chính, phát triển mảng bán lẻ, nhóm khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các chuyên gia nhận định tiềm năng của thị trường tiêu dùng Việt Nam còn rất lớn, đó là "sức hút" với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, khung khổ pháp lý để thị trường tài chính tiêu dùng hoạt động còn thiếu. Tại hội thảo về tín dụng tiêu dùng mới đây, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng về lâu dài cần có luật riêng cho các tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Bên cạnh đó, cần phải hoàn thiện hơn nữa chuẩn mực với hoạt động cho vay tiêu dùng cũng như đòi nợ. Việc xây dựng hành lang pháp lý hoàn thiện sẽ giúp thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh, công bằng, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/dai-gia-nuoc-ngoai-vung-tien-mua-cong-ty-tai-chinh-viet-1096556.html