Đại diện VKS: Bị cáo Trương Mỹ Lan coi SCB là nơi giữ tiền, lúc cần thì rút

Đối đáp lại lời bào chữa của luật sư, đại diện VKS giữ nguyên nhận định bị cáo Trương Mỹ Lan coi SCB như một công cụ tài chính, là nơi giữ tiền, bất cứ lúc nào cần thì chỉ đạo các nhân viên thực hiện việc rút tiền.

Sáng ngày 1/4, phiên xét xử đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tiếp tục phần đối đáp của đại diện VKS đối với quan điểm tranh luận của luật sư bào chữa, các bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ trong đại án Vạn Thịnh Phát.

Đại diện VKS đánh giá, phần lớn bị cáo thành khẩn, ăn năn hối cải, nhưng một số luật sư trong phần tranh luận chưa thật sự nghiêm túc, luận cứ đưa ra không bám sát diễn biến của phiên tòa, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bị cáo. Một số luật sư sử dụng từ ngữ mang tính nhận định thiếu căn cứ.

Về quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng bị cáo không phải chủ thể của tội danh “Tham ô tài sản”, đại diện VKS cho rằng, mặc dù bị cáo Lan không phải là thành viên HĐQT của Ngân hàng SCB, nhưng nhận định đánh giá của luật sư đưa ra không đúng Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng, tài liệu thu thập được và kết quả thẩm tra tại tòa.

Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: Thanh Phương

Pháp luật nêu rõ SCB thành lập dưới hình thức công ty cổ phần hoạt động theo pháp luật, đại hội đồng cổ đông là cơ quan cao nhất của công ty cổ phần, thành phần gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết.

HĐQT chỉ là cơ quan quản lý công ty do đại hội đồng cổ đông bầu ra. Luật sư cho rằng HĐQT mới là cơ quan quản lý cao nhất tại SCB là chưa đúng quy định của pháp luật.

Cáo trạng kết luận bị cáo Trương Mỹ Lan có quyền hạn chi phối, điều hành mọi hoạt động của SCB là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Tài liệu điều tra khẳng dịnh rất rõ Trương Mỹ Lan là người chi phối, sở hữu phần lớn cổ phiếu của SCB (91,5%).

Bản sao kê biến động cổ đông do Tạ Chiêu Trung lập tới tháng 6/2022 và tại tòa, bị cáo Trung khai đã được giao theo dõi cổ phần SCB thuộc sở hữu của bị cáo Lan và các cổ phần liên quan đến bị cáo Lan.

Tại CQĐT, bị cáo Lan khai nhận vận động người thân, bạn bè mua cổ phần trước khi sáp nhập 3 ngân hàng để đạt 65%, sau đó tiếp tục tăng cổ phần lên.

Về mặt giấy tờ, bị cáo Lan không quản lý tài sản của SCB nhưng bị cáo nắm quyền chi phối tuyệt đối nên có quyền bầu, miễn nhiệm thành viên SCB. Từ đó, bị cáo bổ nhiệm các vị trí chủ chốt, hỗ trợ cho mình để chiếm đoạt tiền của SCB.

Về cáo buộc bà Trương Mỹ Lan là chủ mưu, cầm đầu, VKS giữ nguyên nhận định bị cáo coi SCB như một công cụ tài chính, là nơi giữ tiền, bất cứ lúc nào cần thì chỉ đạo các nhân viên thực hiện việc rút tiền.

Về việc các luật sư đề nghị làm rõ việc 5 công ty nước ngoài mua cổ phẩn của SCB không làm thay đổi việc bà Trương Mỹ Lan nắm quyền chi phối đối với số cổ phần này.

Vì vậy, đại diện VKS khẳng định, có đủ cơ sở xác định bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ thể tội “Tham ô tài sản”.

Về việc thành lập hàng nghìn công ty “ma”, theo đại diện VKS, bị cáo Lan đã chỉ đạo thành lập các công ty không có hoạt động thật, đứng tên khoản vay, sử dụng để các bị cáo giải quỹ, che giấu cắt đứt dòng tiền.

Đại diện VKS cho rằng, các luật sư của bị cáo nói công ty “ma” không liên quan bà Lan là lập luận không có căn cứ.

Việc bà Trương Mỹ Lan đổ tội cho các nhân viên SCB liên hệ với bị cáo Nguyễn Phương Anh tự tạo lập hồ sơ khống, thể hiện sự ngoan cố của bị cáo.

Bị cáo Lan khai nhận trong quá trình điều tra, các tài sản đảm bảo thường không đủ để đảm bảo khoản vay nên phải nâng khống giá trị đảm bảo. Theo đại diện VKS, việc bị cáo đưa các tài sản vào SCB là phương thức, thủ đoạn để hợp thức việc rút tiền ra khỏi SCB.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Thanh Phương

Bị cáo Trương Mỹ Lan và luật sư trình bày, bị cáo chỉ là người bảo trợ cho ngân hàng, cho ngân hàng mượn tài sản, huy động người thân, bạn bè ở nước ngoài mượn tiền.

Tuy nhiên, theo đại diện VKS, bị cáo chưa bao giờ cho mượn tài sản mà đưa tài sản vào để hợp thức khoản vay rồi lấy tiền đó đi mua bất động sản. Có 1.196 bất động sản liên quan đến bị cáo Trương Mỹ Lan bị kê biên và bị cáo thừa nhận, số bất động sản này nhờ người khác đứng tên, giao cho nhân viên quản lý.

Đối với việc huy động người thân chuyển tiền từ nước ngoài về, cơ quan công tố xác định, năm 2022 Công ty An Đông nhận 545 triệu USD từ nước ngoài chuyển về. Sau đó, Công ty An Đông chuyển số tiền đi lòng vòng và trả nợ, rút tiền mặt đưa cho bị cáo Trương Mỹ Lan hơn 1.000 tỷ đồng.

Bị cáo Lan đã dùng số tiền này để giải chấp một số tài sản và tiếp đó dùng chính số tài sản này để vay 5.000 tỷ đồng. Bị cáo đã dùng thủ đoạn trả số tiền nhỏ để trả nợ cho các khoản vay cũ, SCB chỉ thực thu được hơn 5.000 tỷ đồng từ nước ngoài chuyển về.

Theo đại diện VKS, kết quả điều tra đã làm rõ hành vi chiếm đoạt tiền của SCB. Ngoài chỉ đạo hợp thức hồ sơ, chuyển khoản, dùng thủ đoạn cắt đứt dòng tiền, bị cáo Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB bất cứ lúc nào cần. Bị cáo đã rút hơn 108 nghìn tỷ đồng, 14,7 triệu USD về nhà bị cáo, sử dụng cho các mục đích khác nhau.

Thanh Phương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dai-dien-vks-bi-cao-truong-my-lan-coi-scb-la-noi-giu-tien-luc-can-thi-rut-2265726.html