Dai dẳng lấn chiếm đất rừng ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh

Thời gian gần đây, tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định liên tục xảy ra tình trạng người dân lấn, chiếm đất rừng để sản xuất. Thậm chí nhiều trường hợp còn sử dụng thuốc lưu dẫn để hủy hoại cây rừng.

Những ngày đầu tháng 6/2022, đi dọc một số cánh rừng tự nhiên giáp ranh với đất sản xuất của người dân ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định rất dễ bắt gặp một số cây rừng tự nhiên và rừng trồng chết bất thường. Tại khu vực trồng rừng thuộc Tiểu khu 123, xã Vĩnh Sơn do Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn quản lý có nhiều cây keo đường kính từ khoảng 20cm đến 40cm bị bóc lớp vỏ quanh thân, dài từ 10-20cm, nhiều cây đang khô lá.

Phía dưới rừng keo này, người dân đã trồng sắn. Trong khu vực rừng tự nhiên giáp ranh rừng trồng cũng có rất nhiều cây rừng hàng chục năm tuổi chết khô. Điểm chung của các cây này là tình trạng bị gọt vỏ hoặc đục một lỗ trên thân cây.

Rừng trồng do Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn quản lý bị lấn chiếm.

Ông Đặng Bá Thắng, Phó trưởng Phòng Quản lý, bảo vệ rừng Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn cho biết: “Người dân phá từng ít một, mỗi lần tác động 3 đến 5 cây. Cách thức người ta dùng các vật sắt, chẳng hạn như dao, rựa gọt vỏ xung quanh một số cây. Thuốc thì chỉ xuất hiện mới đây thôi. Người ta sẽ dùng thuốc khai hoang, thuốc diệt cỏ, đục một lỗ rất nhỏ, đổ thuốc vào đấy rồi cây sẽ chết”.

Huyện miền núi Vĩnh Thạnh có 46.000 héc ta rừng tự nhiên, trong đó, xã Vĩnh Sơn có hơn 1.300 héc ta và do 3 đơn vị là Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn và UBND xã Vĩnh Sơn quản lý. Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh đã phát hiện, xử lý 30 trường hợp vi phạm luật lâm nghiệp và lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, tuy nhiên chưa phát hiện xử lý được các trường hợp dùng thuốc để phá hoại cây rừng.

Ông Đặng Bá Quang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh cho biết, tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng trên địa bàn diễn ra phức tạp, kéo dài. Tại xã Vĩnh Sơn chủ yếu là đồng bào dân tộc Ba Na sinh sống, sản xuất phụ thuộc vào nương rẫy, người dân còn lén lút lấn chiếm đất rừng để sản xuất.

“Một xã Vĩnh Sơn, qua rà soát có gần 2.000 nương rẫy của bà con giáp với rừng tự nhiên. Chúng tôi đã cho các hộ dân cam kết canh tác sử dụng trên đúng diện tích nương rẫy này, không được xâm hại vào rừng. Khi xác định được đối tượng vi phạm, chúng tôi xác định hồ sơ xử lý, kể cả diện tích nhiều hay ít. Những trường hợp không thừa nhận thì chúng tôi sẽ thành lập tổ công tác nhổ bỏ toàn bộ cây trồng trái phép để thu giao cho các chủ rừng quản lý, bảo vệ phục hồi lại”, ông Quang nói.

Một gốc cây lớn bị cạo lớp vỏ bên ngoài.

Mới đây, từ phản ánh của công dân về việc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn và Ban Quản lý Rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý bảo vệ rừng để các hộ dân lấn chiếm, chặt phá rừng trái pháp luật, UBND tỉnh Bình Định đã giao Thanh tra tỉnh kiểm tra và yêu cầu các cơ quan chức năng sớm thu hồi lại diện tích rừng bị lấn, chiếm trái pháp luật. Qua đó phát hiện Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn để người dân lấn chiếm trái phép hơn 9,1 héc ta rừng.

UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, Ban Quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh tổ chức kiểm điểm và xử lý đối với tập thể, cá nhân để mất cây trồng trên diện tích rừng trồng do Nhà nước đầu tư. Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh chấn chỉnh các tập thể, cộng đồng dân cư và hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng tự nhiên để xảy ra rừng bị chặt phá, cháy và bị khai thác trái phép.

Rẫy của người dân ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh nằm xen kẽ rừng tự nhiên.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, ngoài rà soát các vùng trọng điểm có nguy cơ bị xâm hại để có biện pháp phòng ngừa, ngành nông nghiệp tăng cường lực lượng tuần tra rừng ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, không để sự việc lấn, chiếm đất rừng trái phép tiếp diễn thành điểm nóng.

“Chỉ đạo quyết liệt Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định rà soát, nắm bắt lại tình hình diện tích, đặc biệt đối với vùng giáp ranh sẽ làm các mốc giới thường xuyên kiểm tra và xử lý kịp thời. Sử dụng các thiết bị GPS xác nhận thường xuyên theo dõi cái việc người dân lấn chiếm để xử lý. Trong thời gian sắp đến đối với tình tình trạng này không còn xảy ra không những ở Vĩnh Thạnh mà toàn tỉnh Bình Định”, ông Phúc nhấn mạnh./.

Thanh Thắng/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/dai-dang-lan-chiem-dat-rung-o-huyen-mien-nui-vinh-thanh-post949617.vov