Đại biểu Quốc hội: 'Thứ nhất nhà dột, thứ hai nợ đòi'

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, tâm lý của người dân vẫn luôn canh cánh nỗi lo nợ công trong bối cảnh chỉ tiêu này càng ngày càng gia tăng mạnh. “Thứ nhất nhà dột, thứ hai nợ đòi”, đại biểu Phương nói.

Thảo luận về kế hoạch tài chính, quản lý nợ công 2016-2020, kết quả thực hiện ngân sách 2016 và phương án sách 2017 sáng 1/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương đã nêu lại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách về đầu tư công trong giai đoạn vừa qua.

Cụ thể, theo báo cáo nhận xét: hiệu quả đầu tư công trong giai đoạn vừa qua chưa cao, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư. Vẫn còn tình trạng bố trí vốn cho dự án chưa đủ điều kiện; phê duyệt dự án khi chưa cân đối đủ vốn, đủ nguồn lực; bố trí vốn dàn trải, thiếu tập trung, chậm trễ, dẫn đến nhiều mục tiêu trọng tâm chưa hoàn thành, nhiều công trình dở dang, phải đình, giãn, hoãn tiến độ, lãng phí nguồn lực…

Trong khi đó, bội chi tăng cao trong nhiều năm, không đạt mục tiêu Quốc hội đề ra; nợ công tăng nhanh, mặc dù vẫn trong giới hạn cho phép nhưng bắt đầu có dấu hiệu rất khó khăn về trả nợ trong ngắn hạn và có biểu hiện không an toàn trong dài hạn.

Ghi nhận sự thẳng thắn mà báo cáo đã chỉ rõ nhưng theo ông Phương, vẫn còn điểm hạn chế đó là chưa nêu được hiệu quả đầu tư thực tế của các dự án, bao nhiêu dự án thua lỗ, bao nhiêu dự án cần xem xét đề nghị điều tra, truy tố; nguyên nhân và giải pháp.

“Có như thế mới xác định được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xử lý, làm bài học và ngăn chặn được tình trạng thất thoát vốn đầu tư lâu nay”, ông Phương nói.

Nêu tên một số dự án lớn có tổng vốn đầu tư 30.000 tỷ đồng hoạt động thua lỗ, đang đứng trước nguy cơ phá sản như Gang thép Thái Nguyên (giai đoạn 2), nhà máy bột giấy Phương Nam, nhà máy Đạm Ninh Bình... ông Phương cho biết: “Cách báo cáo, thẩm tra hiện mới như ‘bắn chỉ thiên’, nêu ra cái chung chứ không truy được trách nhiệm”.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ nguyên nhân vì sao nợ công tăng cao và cho biết phương án khắc phục, làm an lòng nhân dân.

Bởi theo vị đại biểu này, tâm lý của người dân vẫn luôn canh cánh nỗi lo nợ công trong bối cảnh chỉ tiêu này càng ngày càng gia tăng mạnh. “Thứ nhất nhà dột, thứ hai nợ đòi”, ông Phương nói.

Đại biểu Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, tỉ lệ nợ công đã ở mức gần vượt ngưỡng an toàn (65% GDP), tăng mạnh trong nhiều năm qua từ mức 47% lên gần 65%. Trong trường hợp nếu mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay không đặt sẽ gây khó khăn đến áp lực trả nợ, nguy cơ mất an toàn cho tài chính công có thể xảy ra, nghĩa vụ trả nợ, đảo nợ gây áp lực lên nghĩa vụ ngân sách càng tăng lên.

Cùng quan điểm với đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đại biểu Tiến cho rằng, nếu chúng ta cứ tiếp tục đầu tư như cách làm thời gian qua thì việc lãng phí, thất thoát nguồn lực sẽ không chỉ gây rủi ro cho cán cân tài chính ngân sách, rủi ro nợ công mà còn góp phần gây nên sự bất ổn định vĩ mô.

Thừa nhận nhận định nợ công tăng nhanh và áp lực trả nợ lớn là hoàn toàn đúng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Nguyên nhân tình trạng trên là do tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch.

Nguyên nhân thứ hai đó là tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng đều không đạt yêu cầu trong khi 5 năm qua giảm thu để thúc đẩy sản xuất, giá dầu thô giảm...

Phần chi ngân sách, ông Dũng cho biết chi thường xuyên đã lên tới 67,8%, tăng 8% so với giai đoạn trước và chi cho con người tác động đến 7/10 của tăng chi thường xuyên…

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính đãn nêu ra một số giải pháp để giảm nợ công là hoàn thiện thể chế về nợ công. Theo đó, Bộ Tài chính đang xây dựng chiến lược về nợ công, và sắp tới Bộ sẽ trình dự thảo Nghị quyết nợ công. Đôngt thời thực hiện các giải về tái cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng nợ trong nước và giảm dần nợ nước ngoài, đồng thời tái cơ cấu lại kỳ hạn, lãi suất nợ công…

N.Mạnh

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/dai-bieu-quoc-hoi-thu-nhat-nha-dot-thu-hai-no-doi-2144410.html