Đại biểu Quốc hội thảo luận Luật Cảnh vệ

Online – Chiều 6-6, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều khiển phiên họp. Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh vệ. Sau đó các đại biểu thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.

Về đối tượng cảnh vệ (Điều 10):Một số ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng cảnh vệ như: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao…, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; có ý kiến đề nghị thu hẹp diện đối tượng cảnh vệ chỉ gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và một số vị trí đặc biệt quan trọng, liên quan đến an ninh chính trị.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc mở rộng hay thu hẹp đối tượng cảnh vệ cần xem xét trên các nội dung, tiêu chí cụ thể và cần phân biệt “hoạt động cảnh vệ” với “hoạt động bảo vệ”; các đối tượng cảnh vệ tại dự thảo Luật kế thừa Pháp lệnh cảnh vệ, đã thực hiện ổn định, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình.

Thảo luận về điều này, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) cho rằng: Nên đưa Chánh án Tòa án nhân nhân tối cao là đối tượng cảnh vệ. Bởi vì Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao là người đứng đầu cơ quan thực hiện quyền tư pháp, là người được Quốc hội bầu, phải tuyên thệ trước Quốc hội. Vị trí Chánh án Tòa án nhân nhân Tối cao có vị trí đặc biệt trong Luật tư pháp.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) phát biểu ý kiến về dự án Luật Cảnh vệ. Ảnh:Cổng TTĐT.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) thống nhất cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh vệ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để hoàn thiện dự án luật và có thể thông qua tại kỳ họp này, đại biểu này cho rằng: Điều 10, dự thảo luật chỉ quy định chung về đối tượng cảnh vệ, không quy định riêng và cũng không giao cho Chính phủ hay Bộ Quốc phòng quy định về đối tượng cảnh vệ do Quân đội bảo vệ. Tuy nhiên, tại Khoản 2 Điều 18 lại quy định lực lượng cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ do Quân đội bảo vệ trong mọi tình huống. Như vậy, sẽ tạo ra sự thiếu thống nhất trong các điều luật. “Với lý do trên, tôi đề nghị bổ sung quy định đối tượng cảnh vệ do Quân đội bảo vệ hoặc giao cho Chính phủ hay Bộ Quốc phòng quy định cụ thể đối tượng cảnh vệ do Quân đội bảo vệ để thống nhất giữa các điều trong luật”, đại biểu Cầm Thị Mẫn kiến nghị.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) kiến nghị: “Chúng ta vẫn chưa quy định thể chế hóa hết đường lối chính sách của Đảng và cụ thể hóa hiến pháp trong Luật cảnh vệ đối với chức danh Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao nên đề nghị Quốc hội xem xét để quy định chức danh Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao vào đối tượng cảnh vệ trong Luật cảnh vệ một cách chính thức về mặt Nhà nước”.

Báo cáo giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, đồng chí Võ Trọng Việt, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết: Vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là về đối tượng cảnh vệ, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tổ chức nhiều buổi hội thảo thì khuynh hướng chung là giữ nguyên đối tượng cảnh vệ như trong dự thảo. Phải xác định rõ, giữa cảnh vệ và bảo vệ là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau. Cảnh vệ là tập trung vào những đối tượng đặc biệt quan trọng và khu vực trọng điểm, do vậy quy định như trong dự thảo luật là phù hợp và cần thiết. Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và trình Quốc hội là cho giữ nguyên đối tượng cảnh vệ như hiện nay theo như dự thảo luật đã trình.

KHÁNH HUYỀN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/dai-bieu-quoc-hoi-thao-luan-luat-canh-ve-509291