Đại biểu Quốc hội 'hiến kế' trước nguy cơ thiếu điện

Bên lề Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) đã nói về việc nâng cao khả năng cung cấp điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất và nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như giải pháp trước nguy cơ thiếu điện vào năm 2018.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) - Ảnh: Q.H

Thưa ông, đầu tháng 10.2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có họp với các bộ, ngành, các tập đoàn nhà nước liên quan để bàn các giải pháp nâng cao khả năng cung cấp điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất và nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế. Tại cuộc họp này, Thủ tướng cho rằng, nếu không giải quyết tốt bài toán nguồn cung điện năng thì sẽ dẫn đến tình trạng thiếu điện nghiêm trọng ngay trong năm 2018. Vậy theo ông, nguyên nhân thiếu điện là do đâu?

- Hiện chúng ta có thể thấy, tình trạng cắt điện rất ít xảy ra, như thế có thể nói, ở thời điểm hiện tại là ngành điện đã đáp ứng được tương đối nhu cầu điện. Còn tương lai thì chưa biết. Nếu đối chiếu kế hoạch phát triển 5 năm của đất nước với sự phân bổ của các nhà máy điện, chúng ta thấy có sự mất cân đối nhất định.

Sự mất cân đối này gồm 2 yếu tố: Yếu tố về địa lý và yếu tố về sử dụng. Tôi thấy, nhu cầu điện của sản xuất kinh doanh cũng như mật độ dân số ở các tỉnh phía Nam cao hơn khu vực phía Bắc. Nhưng ở phía Nam, các nguồn điện tự nhiên hay tái tạo lại rất hạn chế. Vì thế, có thời điểm sẽ phát sinh tình trạng thiếu điện cục bộ. Mặc dù chúng ta đã làm 2 mạch 500 KV để điều hòa điện Nam-Bắc nhưng chúng ta vẫn có tình trạng thiếu điện cục bộ khi có tình trạng hạn hán hay các mỏ khí vào chu kỳ sửa chữa.

Để khắc phục tình trạng thiếu điện trong tương lai, cần đầu tư lớn và nguồn lực đầu tư cũng rất lớn. Vậy theo ông, phải có cơ chế tài chính như thế nào để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này?

- Tôi nghĩ, nên đặt vấn đề là khi thị trường thay đổi, yêu cầu về giá thay đổi thì người sản xuất, cung ứng họ phải thay đổi theo thị trường, theo Luật Điện lực.

Hiện nay, chúng ta đã làm nhiều cách thu hút vốn đầu tư để phát triển nguồn điện như Chính phủ đi vay của các định chế tài chính quốc tế về, giao lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để xây dựng các nhà máy điện. Điều này cũng giải thích tại sao EVN là một trong những doanh nghiệp nợ lớn nhất. Hiện cũng đang đẩy mạnh cổ phần hóa các nhà máy phát điện. Các nhà máy thủy điện, trừ các nhà máy đa mục tiêu, làm nhiệm vụ điều tiết, thoát lũ, nhiều nhà máy đã cổ phần hóa, để cho các thành phần kinh tế khác tham gia vào. Rồi mua điện của một số nước. Hiện nay, như tôi biết, EVN cũng chỉ còn đáp ứng khoảng 51-52% tổng sản lượng điện cung ứng cho cả nước là đủ thấy nguồn lực đầu tư để phát triển nguồn điện tại Việt Nam đã khá đa dạng chứ không chỉ còn mình EVN.

Vậy theo ông, nên cơ cấu đầu tư các nguồn điện trong tương lai thế nào thì hợp lý?

- Cơ cấu đầu tư nguồn điện nên để thị trường quyết định. Quan điểm của tôi là tôi ưa thích các nguồn điện tái tạo nhưng điều kiện của Việt Nam chưa thể khai thác tối đa và nếu có khai thác tốt cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu. Nên cũng phải tính đến khả năng thực tế, dù mình muốn sử dụng các nguồn điện tái tạo nhiều hơn nữa. Cho nên, đối với các nguồn thủy điện, nhiệt điện, Việt Nam vẫn phải khai thác, đầu tư. Vấn đề là trong khai thác, phát triển các nguồn điện đó, phải đảm bảo môi trường và giảm thiểu những tác động xã hội tiêu cực.

Tức là phải tái cơ cấu ngành điện thưa ông?

- Tôi nghĩ, ngành điện cũng không còn là ngành độc quyền, trừ lĩnh vực truyền tải thì mang tính độc quyền tự nhiên vì không quốc gia nào đầu tư 2-3 hệ thống truyền tải sẽ rất lãng phí. Nhưng cũng có thể thấy, chúng ta đang yêu cầu điều hành ngành điện không theo nguyên tắc thị trường. Đầu vào là kinh tế thị trường nhưng đầu ra, giá bán lại do Nhà nước quy định, thậm chí do cả áp lực xã hội chứ không do quan hệ cung - cầu của nền kinh tế.

Đầu vào thì ta mua điện của Trung Quốc hay của Lào, nhưng chúng ta đâu có mua được theo giá chúng ta mong muốn là giá thỏa thuận, giá thị trường, chúng ta còn phải đầu tư đường điện qua những vùng xa xôi, khó khăn để mua điện từ các nhà máy điện của Lào hay của Trung Quốc sản xuất. Lẽ ra, chúng ta phải chấp nhận đầu ra cũng là giá thị trường.

Như ông nói thì phải áp dụng giá điện theo thị trường?

- Đúng như vậy, giá điện phải được thị trường hóa. Hiện nay, giá điện là chúng ta chưa theo thị trường. Ta vẫn điều hành theo cả dư luận chứ chưa theo quy luật của kinh tế thị trường. Tất nhiên, chúng ta phải hiểu là áp lực dư luận bắt nguồn từ sự mất cân đối nội tại của nền kinh tế, do chính sách lương, thuế... làm mức lương chưa bù đắp đầy đủ chi phí của người lao động. Trong lúc đó, nhiều mặt hàng khác đã vận hành theo kinh tế thị trường, chỉ riêng điện là chúng ta còn đang giữ lại theo giá của Nhà nước quy định. Cho nên, hiện nay nhiều người vẫn cứ mong là giá điện phải được giữ. Nhưng nếu chúng ta không khẩn trương theo thị trường thì sẽ rất khó khăn.

Có thể thấy, nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực thép, khi đầu tư vào Việt Nam là người ta mong muốn tranh thủ giá điện mà chúng ta còn bao cấp. Đó là một vấn đề lớn.

Xin cảm ơn ông!

Clip ĐBQH trả lời báo chí bên lề kỳ họp.

Xuân Hải (Ghi)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/dai-bieu-quoc-hoi-hien-ke-truoc-nguy-co-thieu-dien-611866.bld