Đại biểu Quốc hội đề xuất mua lại các trạm BOT lỗ để Nhà nước quản lý

Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, thành phần kinh tế Nhà nước cho các dự án hạ tầng giao thông chiến lược có nhiều lợi thế tuyệt đối, không thể tính toán hết về kinh tế, do đó cần phát huy và thực hiện ngay những dự án tiềm năng.

Mua lại các trạm BOT bị lỗ

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, ngày 2/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025…

Tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) nêu quan điểm thành phần kinh tế Nhà nước cần phải là nhà đầu tư chính cho các dự án hạ tầng giao thông chiến lược.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang)

Lý giải, ông Thịnh cho rằng: "Thành phần kinh tế Nhà nước có lợi thế tuyệt đối so với các nhà đầu tư khác về thời hạn thu hồi vốn. Chủ doanh nghiệp tư nhân khi ra quyết định đầu tư thường chỉ tính thu hồi vốn trong khoảng 10 năm, cá biệt lên đến 20-25 năm. Nhưng đối với Nhà nước, thời gian thu hồi vốn có thể lên đến 50 năm, thậm chí 70-100 năm".

Đại biểu Thịnh đánh giá, đây là một lợi thế tuyệt đối trong đầu tư. Lợi ích đem lại của các dự án hạ tầng chiến lược về giao thông và là lợi ích tổng hợp đa mục đích, cả kinh tế - xã hội, thậm chí cả quốc phòng an ninh và chính trị.

Lợi ích này không thể tính toán hết được về mặt kinh tế, trong khi với nhà đầu tư tư nhân, việc quyết định đầu tư chỉ được xem xét khi giá trị hiện tại dòng của dự án dương.

Toàn cảnh nghị trường sáng 2/11.

Theo ông Thịnh, với công nghệ thu phí như hiện nay, việc quản lý nguồn thu được khai thác các dự án giao thông chiến lược như đường cao tốc, cầu cảng biển, cảng hàng không đều dễ dàng được thực hiện và giám sát chặt chẽ nên thành phần kinh tế Nhà nước quản lý sẽ không gặp phải thất thoát.

Các nghiên cứu mới nhất về nền kinh tế phát triển đều cho thấy, vai trò của kinh tế Nhà nước tại các quốc gia này ngày càng quan trọng và mở rộng, thực hiện đúng vai trò dẫn dắt và sửa chữa các khuyết tật của kinh tế thị trường.

Vì vậy, đại biểu Thịnh đề xuất Chính phủ cần có giải pháp để đột phá phát huy vai trò của thành phần kinh tế Nhà nước là nhà đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, cũng như quản lý vận hành khai thác các dự án này.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) thảo luận

Với tinh thần này, Nhà nước nên mua lại các dự án BOT đường cao tốc, cầu đường bộ của nhà đầu tư tư nhân đang bị lỗ, không cân đối được phương án tài chính.

Nêu ví dụ, đại biểu Thịnh cho biết dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, thu phí từ tháng 2/2020 đến nay mới đạt khoảng 30% phương án tài chính hằng năm.

Mức phí với ô tô thấp nhất là 2.000 đồng/km; cao nhất là container 7.200 đồng/km, với chiều dài 64km, chi phí bỏ ra là 128.000-461.000 đồng, thời gian thu phí 17 năm (từ 2020-2037).

Ông Thịnh chỉ ra bất cập khi đây là tuyến giao thông huyết mạch nhưng xe đi rất ít do mức phí quá cao, trong khi tuyến quốc lộ 1 chạy song song không thu phí.

"Nếu Nhà nước mua lại dự án này, giảm mức phí xuống còn 30%, chắc chắn tuyến đường sẽ được sử dụng hiệu quả. Doanh nghiệp chủ đầu tư dự án thoát được thảm cảnh lỗ kéo dài, Nhà nước chắc chắn không chỉ lãi mà còn nhận được nhiều lợi ích khác như chi phí giao thông, tai nạn giảm", ông Thịnh phân tích.

Từ đó, ông cho rằng, Chính phủ sẽ có thêm nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng chiến lược; Đồng thời, mở ra không gian rộng lớn để huy động, hợp tác với các quỹ đầu tư Nhà nước của các quốc gia khác.

Cần tập trung đẩy mạnh đầu tư các tuyến đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc

Trong phần thảo luận, đại biểu Phạm Văn Thịnh nêu thêm vấn đề khác là đầu tư đường sắt.

Theo ông, Chính phủ đang tập trung nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư lớn cho giao thông đường sắt, dự kiến sẽ được thực hiện sau năm 2025.

Tuy nhiên ngay trong thời điểm này, đại biểu nhận thấy có một hệ thống đường sắt có nhiều tiềm năng nhưng chưa được tập trung khai thác. Đó là hai tuyến đường sắt Kép (Bắc Giang) - Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Lưu Xá (Thái Nguyên) - Kép - Cái Lân (Quảng Ninh) giao nhau tại ga Kép, Bắc Giang.

Đây là hai tuyến có khổ 1,43m duy nhất của cả nước được kết nối trực tiếp với hệ thống đường sắt của Trung Quốc, cách đầu mối trung tâm vận tải của Trung Quốc là thành phố Trùng Khánh chưa đến 1.200km, đồng thời ở phía Việt Nam tuyến được kết nối trực tiếp ra biển là cảng nước sâu Cái Lân có năng lực đón tàu container lên đến 70.000 tấn.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu và đề ra các biện pháp, trong đó có bổ sung dự án nâng cao năng lực vận tải của hai tuyến đường sắt trên và cảng nước sâu Cái Lân vào đầu tư công trung hạn để nhanh chóng khai thác tiềm năng to lớn về tuyến vận tải đã có sẵn này…

Cùng quan điểm cho rằng nên sớm đầu tư các dự án giao thông đã có kế hoạch, đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) kiến nghị tăng bội chi để thực hiện các dự án đầu tư công có tác động lớn ngay đến đầu chung của nền kinh tế.

Trong đó, ông Minh đề xuất sớm đầu tư dự án đường sắt Lào Cai, cảng Hải Phòng, cảng Cái Mép - Thị Vải.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau).

Đây là những dự án đã có kế hoạch đầu tư cần được đẩy nhanh đầu tư sớm hơn, tiền đề cho xây dựng ngành công nghiệp đường sắt quốc gia.

Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ (đoàn TP.HCM), cần sớm đề xuất Quốc hội giải pháp hoàn thiện hệ thống đường sắt quốc gia, hướng đến hệ thống đường sắt vươn tới các tỉnh, thành trong cả nước.

Bên cạnh đó, về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đại biểu kiến nghị Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện cơ chế để giá bồi thường sớm tiệm cận giá thực tế thị trường, có các cơ chế hỗ trợ thêm cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng, hướng đến đem lại cuộc sống mới tốt hơn cho người dân.

Trang Trần

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-xuat-mua-lai-cac-tram-bot-lo-de-nha-nuoc-quan-ly-192231102091312622.htm