Đại biểu Quốc hội băn khoăn về dạy thêm, học thêm, biên soạn thêm sách giáo khoa

Tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu ý kiến về lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Trong đó, vấn đề biên soạn, lựa chọn sách giáo khoa, dạy thêm, học thêm tiếp tục được nêu ra.

Đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét lại chương trình giáo dục

Quan tâm đến tình trạng dạy thêm, học thêm, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, thời gian qua, việc dạy thêm, học thêm là vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Sở GD-ĐT cũng quan tâm đến vấn đề này và thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, vấn đề dạy thêm, học thêm, đặc biệt là ở các đô thị lớn không có nhiều chuyển biến. Nhiều trường hợp, tuy việc học thêm là phù hợp với nhu cầu của gia đình nhưng lịch học chính khóa cũng như lịch học thêm vẫn còn quá dày.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét lại chương trình giáo dục và có phân tích kỹ lưỡng, điều chỉnh phù hợp để giải quyết vấn đề này. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT tiếp tục quan tâm, có các hoạt động thanh tra, kiểm tra các hoạt động dạy thêm, học thêm, để hoạt động này vừa đáp ứng được nhu cầu của các gia đình, nhưng không làm phát sinh các vấn đề xã hội nan giải như hiện nay.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét lại chương trình giáo dục.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phân tích, một trong các giải pháp để có thể hạn chế mức thấp nhất chuyện học thêm, dạy thêm là cần nâng cao đời sống cho giáo viên. Theo đại biểu, chương trình giáo dục phổ thông hiện nay đã khiến học sinh có lịch học kín mít, lại còn tổ chức dạy thêm, khiến thế hệ trẻ không có thời gian để nghỉ ngơi. Trẻ em mất quá nhiều thời gian trong việc học, dẫn đến kiến thức xã hội có “lỗ hổng”, thiếu kỹ năng về văn hóa, xã hội, ứng xử…

Có nên biên soạn thêm sách giáo khoa?

Bên cạnh vấn đề dạy thêm, học thêm, việc biên soạn, lựa chọn sách giáo khoa cũng là sự băn khoăn của nhiều đại biểu. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho biết, vấn đề cải cách sách giáo khoa chưa đạt yêu cầu, cử tri có ý kiến rất nhiều về điều này.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, thực tế sau khi biên soạn sách giáo khoa theo chương trình mới đã xảy ra tình trạng không đồng bộ, cách tiếp cận đối với các nội dung trong sách giáo khoa còn nhiều vấn đề tồn tại. Theo đại biểu, ngành giáo dục cần phải tổng kết ngay, chỉ ra những “căn bệnh” để khắc phục.

Còn theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội đã nêu rõ việc thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa và có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.

Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, ngay năm đầu tiên thực hiện đổi mới, đã có 3 nhà xuất bản và nhiều công ty sách tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành đầy đủ sách giáo khoa của tất cả môn học.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy băn khoăn việc biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa. Ảnh: Quốc hội

Đến nay, đã triển khai đổi mới đến những lớp cuối cùng của cả ba cấp học và chưa xảy ra tình trạng thiếu sách. Số tiền mà các doanh nghiệp bỏ vào để làm sách giáo khoa cũng đã lên hơn 1.200 tỷ đồng.

Do vậy, trước việc Đoàn giám sát đề nghị Quốc hội yêu cầu Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa, đại biểu bày tỏ băn khăn việc cần bỏ ra trên dưới 400 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để làm thêm một bộ sách giáo khoa nữa hay không? Và việc ra đời một bộ sách giáo khoa của Bộ có dẫn đến tình trạng trở lại độc quyền, xóa bỏ xã hội hóa không?

Đại biểu cho biết, theo Nghị quyết 122/2020 của Quốc hội: "Khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó".

Luật Giáo dục ban hành sau Nghị quyết 88/2014 thời gian 5 năm cũng chỉ quy định thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, không quy định Bộ GD-ĐT có nhiệm vụ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa của Bộ nữa. Điều này cũng phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ các bộ.

Cho rằng việc quyết định giao cho Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa là sự thay đổi chính sách giữa chừng rất lớn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện đánh giá tác động của việc Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa trước khi quyết định.

Theo đại biểu, nên chăng để thực hiện hết 1 chu kỳ (sau năm học 2024-2025) rồi tổng kết, đánh giá việc thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông, lúc bấy giờ điều chỉnh sẽ phù hợp và thuyết phục hơn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng việc cha mẹ học sinh thay mặt cho người học tham gia lựa chọn sách giáo khoa là bình thường.

Liên quan đến dự thảo Thông tư của Bộ GD-ĐT về lựa chọn sách giáo khoa, trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, quyết định của Quốc hội khóa XIII là cuộc cách mạng trong quan điểm giáo dục, trên tinh thần phải khai phóng, tạo ra tư duy mở, khả năng tự lập tri thức cho người học, cho nên có sự đa dạng về sách giáo khoa.

Việc chọn sách giáo khoa như thế nào phụ thuộc rất lớn vào bản thân cá nhân người học, giáo viên dạy. Người ta thấy đọc sách này hấp dẫn, dễ tiếp thu thì sẽ sử dụng sách đó. Vì vậy, quyền lựa chọn giao cho người học và người dạy trực tiếp là rất phù hợp.

GS Hoàng Văn Cường cũng nhấn mạnh, thẩm định sách giáo khoa là vấn đề chuyên môn, những nội dung khoa học, những vấn đề học thuật, sư phạm… thì cần phải có các nhà chuyên môn, nhưng việc lựa chọn sách giáo khoa, thì thuộc về người học và người dạy. Vì vậy, việc cha mẹ học sinh thay mặt cho người học tham gia lựa chọn sách giáo khoa là bình thường.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dai-bieu-quoc-hoi-ban-khoan-ve-day-them-hoc-them-bien-soan-them-sach-giao-khoa-161923.html