ĐẠI BIỂU NGUYỄN TRƯỜNG GIANG – ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐẮK NÔNG: THẬN TRỌNG, KỸ LƯỠNG, CHẮC CHẮN, TRÁNH PHIẾN DIỆN TRONG RÀ SOÁT HỆ THỐNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Sáng 01/11, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, phát biểu tranh luận với một số ý kiến cho rằng hiện nay hệ thông pháp luật còn nhiều bất cập, mâu thuẫn chồng chéo, khó thực hiện, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nêu rõ mục tiêu là qua rà soát cần nhận diện, chỉ rõ, xác định cụ thể những quy định trong các luật và văn bản dưới luật có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, những vấn đề vướng mắc. Nguyên tắc rà soát phải thận trọng, kỹ lưỡng, chắc chắn, tránh phiến diện, một chiều; kiến nghị sửa đổi luật phải thực sự cần thiết, thích đáng, đánh giá toàn diện.

Trước đó, các đại biểu Quốc hội cũng đã tiến hành thảo luận tại Tổ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trí tuệ, trách nhiệm, tâm huyết, ý kiến đa dạng phong phú, nhiều chiều. Trong phiên thảo luận toàn thể tại hội trường nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục quan cho ý kiến về nội dung này, nhất là những nhận định, đánh giá và giải pháp xử lý.

Theo đó, một số ý kiến đánh giá cao tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khẩn trương, nghiêm túc và rất công phu.

Có ý kiến cho rằng, kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật được rà soát nói chung và trong 22 lĩnh vực trọng tâm nói riêng cơ bản đều phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và cơ bản đáp ứng được yêu cầu đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kiến tạo, phát triển đất nước của hội nhập quốc tế. Kết quả rà soát này phù hợp với kết luận của Trung ương và phù hợp với Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, tính thống nhất của hệ thống pháp luật còn chưa cao, còn tồn tại những văn bản mâu thuẫn, chồng chéo. Công tác ban hành văn bản quy định chi tiết chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình thực tiễn. Trong một số trường hợp, việc giám sát ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được chặt chẽ cả về nội dung và chủ thể được giao ban hành.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu tranh luận trong phiên thảo luận toàn thể hội trường

Tại hội trường, phát biểu tranh luận với một số ý kiến cho rằng hiện nay hệ thông pháp luật còn nhiều bất cập, mâu thuẫn chồng chéo, khó thực hiện, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Nghị quyết số 101/2023/QH15, Quốc hội đã giao Chính phủ tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và đã có báo cáo tại kỳ hợp này. Để bảo đảm chủ động, đánh giá khách quan ngay sau Kỳ họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Tổ Công tác để chỉ đạo tổ chức thực hiện rà soát độc lập và yêu cầu 63 Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân báo cáo, các cơ quan của Quốc hội theo lĩnh vực phụ trách có ý kiến đánh giá độc lập về kết quả rà soát.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh với mục tiêu rất rõ ràng là qua rà soát cần nhận diện, chỉ rõ, xác định cụ thể những quy định trong các luật và văn bản dưới luật có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, những vấn đề vướng mắc, gây khó khăn, cản trở sự phát triển. Trên cơ sở đó, kịp thời chỉ đạo sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản dưới luật không còn phù hợp hoặc kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị quyết.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang chỉ rõ nguyên tắc việc rà soát, đánh giá, nhận định các quy định có chồng chéo, mâu thuẫn, sơ hở, vướng mắc, bất cập phải thận trọng, kỹ lưỡng, chắc chắn, tránh phiến diện, một chiều. Việc rà soát phải bảo đảm khách quan, tránh cả 2 thái cực: mọi vấn đề khó khăn, vướng mắc đều quy cho thể chế, pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập dẫn đến đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm hoặc tuyệt đối hóa pháp luật đều tốt mà bất cập, vướng mắc là do công tác tổ chức thực hiện. Việc kiến nghị sửa đổi luật phải thực sự cần thiết, thích đáng, đánh giá toàn diện.

Qua kết quả rà soát của Chính phủ và đánh giá độc lập của các cơ quan của Quốc hội cho thấy về cơ bản, các văn bản quy phạm pháp luật được rà soát và nội dung qua rà soát phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo không nhiều (khoảng 6,5% trên tổng số nội dung). Hầu hết các nội dung còn lại qua rà soát được chỉ ra là có bất cập do được ban hành đã khá lâu, điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi dẫn đến một số quy định không còn phù hợp. Bên cạnh đó, cũng có nội dung được cho là có vướng mắc, song thực chất là do nhận thức, do văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành đầy đủ hoặc các cơ quan chưa triển khai thực hiện đúng, nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của luật.

Với gần 70% nội dung được phát hiện có bất cập, vướng mắc trong luật là thuộc các dự án đã có trong chương trình hoặc đang được xem xét đưa vào chương trình như Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đấu giá tài sản, Luật Di sản văn hóa... hoặc đã có trong nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15.

Trong các nội dung thuộc các văn bản dưới luật được phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc vướng mắc, bất cập, một số nội dung chưa phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; có trường hợp do chưa kịp thời cập nhật nội dung sửa đổi của các văn bản có liên quan dẫn đến thiếu đồng bộ, thống nhất.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng có một số nhận định chưa chính xác. Một số nội dung vướng mắc, bất cập là do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Một số nội dung nhận định là vướng mắc, bất cập nhưng là vấn đề quan điểm, chính sách pháp luật đã được Quốc hội, Chính phủ thảo luận và quyết định khi ban hành văn bản như vấn đề PPP trong lĩnh vực văn hóa, vấn đề thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân, vấn đề BT. Có trường hợp vướng mắc là vấn đề thực tiễn phát sinh cần có giải pháp chính sách để xử lý, không phải do quy định của pháp luật có bất cập...

Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đề nghị đối với các nội dung bất cập đã được chỉ ra trong các Luật đang được Quốc hội xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu đầy đủ. Đồng thời tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp theo phương châm từ sớm, từ xa, trách nhiệm rõ ràng trong công tác phối hợp đã được Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Đối với văn bản dưới luật là các văn bản phát sinh hiệu lực trực tiếp và được áp dụng phổ biến trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Để kịp thời khắc phục những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo lĩnh vực phụ trách lập danh mục các văn bản cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới; xác định rõ tiến độ sửa đổi./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=81598